Giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì không ít cư dân mạng “nhanh tay” lan truyền các thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng về dịch bệnh. Dưới góc độ truyền thông, anh nhìn nhận về vấn đề này?
Đương nhiên, việc lan truyền tin giả, sai sự thật sẽ khiến mọi người hoang mang, lo lắng, và mất cảnh giác. Khi bị cuốn theo những tin giả, vô hình trung họ mặc định rằng, mọi thông tin trên mạng đều không đúng sự thật. Thế nên, khi thông tin chính thống được đăng tải, dường như mọi người ít dành sự quan tâm.
Nếu không có nguồn tin cậy để xác nhận thông tin, thì rất dễ bị hoang mang. Điều này cực kỳ nguy hiểm!
Phải chăng, mọi người đang chỉ cần “nhanh tay” để gây sự chú ý, mà xem nhẹ việc kiểm chứng thông tin trước khi like (thích), chia sẻ một bài viết, hình ảnh nào đó lên mạng xã hội?
Dường như mọi người đang có khoái cảm trong việc chia sẻ những thông tin được mọi người quan tâm. Vấn đề này đánh vào tâm lý. Nó dễ tạo cho ta cảm giác sung sướng, rằng “mình là người nhanh nhạy thông tin”.
Nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, khoái cảm tâm lý đó càng dâng cao. Vậy nên, chúng ta cần nâng cao ý thức để đi ngược với hành động “nhanh tay” không đúng này.
Càng có khoái cảm, bạn càng phải nhanh chóng “hóng”...thông tin. Nếu bản thân bạn không kiềm chế được việc đi “hóng”, thì tuyệt đối đừng chia sẻ. Nếu, có chia sẻ, thì hãy đợi thông tin từ những nguồn uy tín. Hãy cố gắng nhịn lại một chút...chờ thông tin chính thức rồi hãy chia sẻ. Bởi, việc chia sẻ thông tin lung tung, không kiểm chứng là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, với những thông về dịch Covid-19, càng phải rất cẩn trọng, trước khi nhất nút like (thích), và share (chia sẻ) lên mạng xã hội, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bạn có thể “tự sướng”, sống ảo bằng việc chia sẻ một thông tin nào đó, nhưng khi có vấn đề phát sinh, cái giá bạn phải trả sẽ là thật và rất đắt.
Đáng nói, trong số những trường hợp bị xử phạt vì chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 có cả những nghệ sĩ nổi tiếng. Đã là người của công chúng, được nhiều người quan tâm, theo dõi, thì họ nên “chơi” mạng xã hội cho đúng để tránh “rước họa vào thân”?
Bên cạnh khoái cảm tâm lý chia sẻ thông tin, các nghệ sĩ cần phải ý thức rõ, hành động của mình có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người. Trách nhiệm của các bạn cũng nặng nề hơn lỡ như xảy ra vấn đề không mong muốn.
Tất nhiên, tôi không khuyên mọi là đừng chia sẻ thông tin. Bởi, chia sẻ những thông tin tốt thì cần phát huy, nhưng phải cập nhật ở những nguồn uy tín, chính thống.
Nhiều người đang có tâm lý “chậm” thông tin, nên dẫn đến hành động “nhanh” là sai. Khi nghe một tin đồn nào đó, nếu không chia sẻ ngay và luôn, sẽ bị chậm. Nhưng, chừng nào có người chuyên môn lên tiếng xác nhận, đó mới là thời điểm thông tin đó bắt đầu có. Còn những thông tin lan truyền trước đó chỉ là đang nghi ngờ.
Mới đây nhất, ca sĩ Hòa Minzy khi bị phản ứng về việc chia sẻ thông tin sai lệch về dịch Covid-19 trên trang cá nhân, cô đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng hành động đó là “bất cẩn”. Anh nói gì về lời biện minh này?
Khi bạn làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mọi việc lúc đó sẽ được xử lý dưới góc độ: Đúng hay Sai. Còn bạn giải thích rằng, việc mình làm là bất cẩn, hay chỉ nhằm mục tiêu thông báo cho mọi người cảnh giác, đó chỉ là tình tiết để giảm nhẹ thôi.
Đừng bao giờ vin vào cớ, rằng “tôi đang làm điều tốt; tôi vô tình, bất cẩn”. Nên nhớ, trước khi nhấn nút thích hay chia sẻ bất kỳ một thông tin nào đó, hãy cân nhắc xem nó đúng hay sai. Dù cho động cơ, mục đích, mục tiêu,...tốt thế nào, cũng khó mà chống đỡ được việc...bạn đã làm sai. Khi ra trước pháp luật, bạn làm sai thì phải chịu trách nhiệm.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!