Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820), Phạm Đức Hạnh (sinh năm 1997, tân cử nhân khoa Thiết kế đồ họa, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ bộ tranh minh họa về cuộc đời Thuý Kiều trong đồ án tốt nghiệp, bộ tranh thu hút sự quan tâm đặc biệt về sức sáng tạo của người trẻ cũng như niềm đam mê Truyện Kiều
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Đức Hạnh cho hay: “Tôi hoàn toàn có thể chọn minh họa truyện nước ngoài để an toàn cho đồ án tốt nghiệp nhưng tôi muốn đồ án phải mang ý nghĩa gì đó, chứ không cần sự an toàn. Ý tưởng thực hiện minh họa Truyện Kiều nảy ra khi bắt gặp một bức tranh minh họa sơ sài (theo cảm nhận riêng của tôi). Bên cạnh đó, tôi là người con của quê hương Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du nên tôi quyết tâm thực hiện bộ tranh minh họa Truyện Kiều bằng các thiết kế đồ họa hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá Việt Nam và các hoạ tiết hoa văn thời Hậu Lê - Tây Sơn, với mong muốn mang tác phẩm truyện thơ kinh điển này đến gần hơn với công chúng”.
Nữ họa sĩ trẻ 9X bắt tay vào thực hiện từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 6/2020 mới hoàn thành do trong quá trình làm có nhiều sự thay đổi từ việc phác họa nhân vật đến thay đổi phong cách vẽ hoàn toàn, và chỉnh sửa, vẽ mới vẽ lại, sáng tạo bộ nhân vật mới...
Để thực hiện được bộ tranh, Đức Hạnh nghiền ngẫm các đoạn thơ và các nút thắt thay đổi cuộc đời nhân vật chính Thúy Kiều. Sau đó, cô chọn ra 12 cảnh chính để vẽ cho đồ án tốt nghiệp. 12 nút thắt mà Đức Hạnh lựa chọn để thực hiện tác phẩm vẽ minh họa là: giới thiệu hai chị em Thúy Vân – Thúy Kiều, Kiều thăm mộ Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều rơi vào tay Mã giám sinh và Tú bà, Kiều mắc lừa Sở Khanh, Kiều gặp Thúc Sinh, Kiều và Hoạn thư, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo ân trả oán, Kiều tự vẫn, Kim Trọng đi tìm Kiều và Đoàn tụ.
“Với những nút thắt cuộc đời Kiều, việc vẽ minh họa sẽ mang lại cảm giác chân thực hơn, thú vị hơn đối với người đọc, gợi cho người đọc thêm nhiều suy nghĩ và thấm nhuần vào thơ Nguyễn Du về số phận của một Thuý Kiều – tài hoa bạc mệnh”, 9X cho biết.
Phong cách vẽ của Hạnh là màu nước kết hợp hoa văn hoạ tiết lịch sử, theo lối trang trí khơi gợi cho người xem nhiều hướng suy nghĩ mở, cảm thơ. Bên cạnh đó, màu sắc cũng được tiết chế hợp với chất minh hoạ cho thơ và cũng mang màu sắc cổ xưa.
Đức Hạnh chia sẻ: “Ban đầu nghĩ chỉ cần cảm được thơ thì việc vẽ cũng không quá khó nhưng đến khi bắt tay vào làm mới thấy muôn trùng cửa ải. Tôi gặp vấn đề trong việc tạo hình nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều để làm sao giống như miêu tả trong thơ của Nguyễn Du. Tôi đã phải tìm kiếm tư liệu, đọc sách Ngàn năm áo mũ, sách về trang phục Lê - Trịnh… dành thời gian nghiên cứu các yếu tố lịch sử thời Hậu Lê - Tây Sơn như kiến trúc, hoa văn họa tiết, trang phục, cách búi tóc, tính cách, cá tính, dáng hình và chân dung các nhân vật. Có những lúc rơi vào bế tắc vì tài liệu thời đó không nhiều, tôi muốn từ bỏ nhưng được thầy cô, bạn bè động viên, tôi quyết tâm làm đến cùng dù kết quả có ra sao”.
Hạnh chia sẻ thêm, đồ án được nhận nhiều góp ý và xây dựng từ giáo viên hướng dẫn Bùi Minh Hải và qua các lần duyệt khoa có sự góp ý của hội đồng đồ án. Cuối cùng, đồ án của cô được đánh giá cao, đạt điểm số 8,6.
Khi đăng tải bộ tranh, đông đảo cư dân mạng nói chung và những người trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế nói riêng hưởng ứng và dành nhiều lời khen ngợi cho Đức Hạnh.
Hạnh cho hay: “Sau khi bộ tranh được chia sẻ rộng rãi, tôi được mời tham dự hội thảo Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt. Trong tương lai, tôi ấp ủ hoàn thành dự án Họa Kiều với phiên bản Ebook và phổ biến tranh minh họa Truyện Kiều thông qua ấn phẩm lịch 2021 với 2 phiên bản nhân vật và đời Kiều”.
Khi được hỏi về lựa chọn đến với ngành đồ họa, Đức Hạnh chia sẻ: “Tôi đam mê hội họa, thiết kế từ nhỏ, còn bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn theo ngành đồ họa là từ lớp 10. Tôi bắt đầu định hướng và học vẽ ôn thi vào đại học từ những năm cấp 3. Phong cách tôi lựa chọn cho những sáng tác của cá nhân là trẻ trung, phá cách, khác biệt với màu sắc hiện đại”.
Tâm sự về sự khắc nghiệt của nghề, 9X bộc bạch: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thẩm mĩ của con người cũng tăng lên. Chính vì vậy, khi đã theo đuổi nghề này cần phải tâm huyết và kiên trì đến cùng”.