Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh cho biết, triển lãm: Cận cảnh 1 – nằm trong hệ thống dự án sáng tạo nghệ thuật Đối thoại cuộc hành trình gồm 17 tác phẩm, phần lớn là những tác phẩm khổ lớn bao gồm: 4 tác phẩm 1m*1m, 11 tác phẩm 1,08m*1,55m, 1 tác phẩm 1,3m*2m, 1 tác phẩm 4,3m*1,55m. Triển lãm lần này là sự tiếp nối của triễn lãm lần thứ 2 diễn ra vào tháng 8/2018 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Về màu sắc tranh tại triển lãm, tác giả đã ít pha trộn mà dùng nguyên sắc, đó là màu của bảy sắc cầu vồng. Các yếu tố màu được xếp cạnh nhau, tương tác nhau tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ hết sức ấn tượng. Hình, nét, mảng thật dễ nhận diện và quen thuộc, tuy nhiên nó lại không hề có trong tự nhiên, tác giả đã tạo nên những mô típ mang tính biểu tượng cao dễ nhận diện, dễ cảm nhận.
Họa sĩ Phạm Sinh đã chọn cho mình khuynh hướng hội họa trừu tượng có hình. Tranh trừu tượng của NĐK Phạm Sinh hoàn toàn khác biệt đối với các xu hế hình tượng đương thời. Tranh của ông được cấu trúc từ những chất liệu tạo hình mang tính tối thiểu nguyên gốc, đó là: các điểm, các đoạn thẳng, các nửa hình sin,… Các yếu tố tạo hình này được tác giả cấu trúc sắp xếp theo ý tưởng của mình nhằm truyền tải những thông điệp mà tác giả gửi gắm.
Mặc dù, với những hình nét tối thiểu nhưng bằng sự sáng tạo đặc biệt tác giả tạo ra một thế giới vô cùng phong phú và ấn tượng hàm chứa nhiều nội dung tư tưởng sâu sắc.
Trong quá trình sáng tạo, họa sĩ Phạm Sinh luôn luôn thoát khỏi hiện thực thông thường mà tìm kiếm trong tiềm thức của mình những yếu tố mang tính đặc trưng, dị biệt mà chỉ có tác giả mới đem lại được.
Hoạ sĩ Phạm Sinh tâm sự: “Nếu như hội họa hiện thực trước thế kỷ XX vẫn còn nguyên bản, chân thực và bản sắc các luật lệ hội họa thì bước sang thế kỷ XX, sự phản kháng quyết liệt của các khuynh hướng nghệ thuật mới bùng lên mạnh mẽ. Nhiều dòng khuynh hướng mỹ thuật ra đời. Cùng với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và các ứng dụng nghe nhìn, nghệ thuật thế kỷ XX được bước sang không gian mới, đa chiều, đa sắc, nhiều lớp và dần rời xa hội họa truyền thống. Do đó, tôi đã đi theo dòng tranh trừu tượng để sống thật với cảm xúc của mình”.
Phạm Sinh bộc bạch, anh vẫn dành thời lượng lớn thời gian suốt 30 năm qua cho hội họa, anh thường xuyên đào sâu nghiên cứu lịch sử hội họa trong và ngoài nước, quan sát thường xuyên các cuộc triển lãm hội họa và hình họa, những bài học để nghiên cứu hướng đi cho mình. Từ chỗ vẽ để kiếm sống anh đã âm thầm nâng mình lên từng bước, đặc biệt là bản sắc cá nhân và chất lượng nghệ thuật. Anh thường xuyên thử nghiệm trên nhiều chất liệu, màu nước, bột màu, sơn dầu, acrylic, gốm… và có nhiều tác phẩm đẹp.
Khi được hỏi: Liên tục tổ chức triển lãm như thế, nhiều người nói rằng, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh đang PR chính mình để bán tranh, anh nghĩ thế nào? Họa sĩ Phạm Sinh cho hay: “Không, tranh của tôi rất khó bán. Nếu ai hiểu được tranh của tôi mà mua thì điều đó tốt quá. Bởi tranh của tôi không dính dáng gì đến tư duy hiện thực. Tôi coi triển lãm như một cuộc chơi, tôi không bị ai mua chuộc cả. Nếu người ta triển lãm để bán tranh thì họ phải chiều theo công chúng, còn tôi không chiều theo công chúng. Tranh của tôi tương đối đắt, không rẻ tí nào, phải có ai đồng cảm, thấu hiểu tranh thì mới biết giá trị của tranh để mua”.
Tác phẩm luôn có sự đổi mới sáng tạo và sự khác biệt giữa các thời kỳ cũng như qua các năm, mặc dù chất liệu tạo hình tác giả lựa chọn và tiết chế sử dụng hết sức khắt khe. Phong cách rõ nét bố cục hết sức đa dạng, màu sắc tươi sáng rực rỡ, ma mị, nhịp điệu sôi động và biến hóa phong phú.
Triển lãm mở cửa từ ngày 12/6 đến ngày 22/6/2019 tại nhà triển lãm Hội mỹ thuật Việt Nam, phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.