Xung quanh những tranh cãi gay gắt về mốt thời trang áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” gây xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với Họa sĩ – Chuyên gia nghiên cứu trang phục truyền thống Nguyễn Mạnh Đức để làm rõ vấn đề này.
Anh nghĩ gì về bộ trang phục áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội?
Thực ra, tính truyền thống luôn luôn có sự biến động và thay đổi nhưng sự phát triển phải dựa trên cảm thụ thẩm mỹ của người Việt, nếu xa rời giá trị này thì chiếc áo dài có thể đẹp nhưng lại mang tinh thần của dân tộc khác.
Bản thân tôi luôn luôn ủng hộ sự phát triển và thay đổi về mặt thẩm mỹ để phù hợp với đời sống của xã hội hiện nay. Sự phát triển là một quá trình, không phải cái gì làm ra cũng thành công, vậy nên khi đón nhận những cái mới chúng ta nên nhìn nhận cởi mở và rộng hơn. Đó là chưa kể, mỗi người phải tạo ra sự khác biệt trong xã hội hiện nay thì mới nhiều màu sắc. Còn nếu như cứ theo một quy chuẩn giống nhau thì khó mà phát triển được.
Vấn đề áo dài kết hợp “váy đụp” cũng vậy thôi, tùy theo “gout” thẩm mỹ của từng người. Có người ủng hộ, có người phản đối, tuy nhiên nên để dòng tư duy thoát khỏi suy nghĩ truyền thống, đóng khung cũng như thoát ly khỏi cảm nhận rằng chúng ta đang làm theo khuynh hướng của người nước ngoài, áp đặt tri thức, văn hóa, thẩm mỹ của họ lên người Việt. Việc cách tân áo dài là một quá trình nên chúng ta hãy để cho nó tự nhiên phát triển. Sự phát triển đó không có gì lạ, chúng ta chỉ lạ khi không làm ra cái riêng biệt.
Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc kết hợp áo dài với váy xòe, “váy đụp” là thảm họa thời trang, là đang “ngược đãi” áo dài. Những lời phê phán này có nặng nề quá không?
Áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” có gì đâu mà thảm họa. Thảm họa hay không hãy để tự thân nó phát triển theo thời gian. Nếu như xã hội không chấp nhận được thì nghiễm nhiên nó sẽ bị đào thải thôi. Sợ nhất là việc dư luận đưa ra những chỉ trích, bình luận quá ghê gớm, nặng nề và quá chủ quan khiến cho mọi người không dám làm gì. Thế nên, hãy để mọi người được thử thách với sự sáng tạo khác biệt của riêng mình. Dần dần chúng ta cũng nên giảm sự phán xét quá ghê gớm về thời trang của giới trẻ bằng sự nhìn nhận và đánh giá khách quan.
Thực ra nếu áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” tôn lên được dáng vẻ của người Việt thì cũng được, bởi con mắt thẩm mỹ của thời đại bây giờ khác hẳn với ngày xưa. Quy chuẩn của ngày xưa là chuẩn mực đoan trang, kín đáo, duyên dáng còn bây giờ cần sự khỏe mạnh, cá tính, thậm chí ngang ngược cũng có sao đâu. Có người bản tính hiền lành, nhưng lại thích mặc ngang ngược, phá cách và đó là ở gout thẩm mỹ của họ.
Có ý kiến cho rằng, đã có sự nhầm lẫn khi gọi áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” là áo dài cách tân. Anh nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, cách tân áo dài nếu phù hợp với thẩm mỹ, đời sống thì cũng không có gì. Thay vì lấy giáo điều, triết lý ra để giáo dục, lên án thì nên lấy tinh thần văn hóa, thẩm mỹ để nhìn nhận cái đẹp. Tuy nhiên, dù cách tân thì cũng nên khai thác những cái đẹp vốn có của chúng ta. Nên để cho lớp trẻ tư duy phát triển nếu như họ nghiêm túc, đúng mực còn chuyện sản phẩm của họ có được xã hội sử dụng hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu và sự nhìn nhận của mọi người.
Vậy việc cách tân áo dài trong xã hội phát triển như hiện này là cần thiết?
Trong thời đại này, áo dài phục vụ trong những hoàn cảnh khác nhau nên nó phải thay đổi. Thời đại phát triển như bây giờ nếu giữ nguyên mẫu ngày xưa cũng khó bởi từ vải vóc, màu sắc, thẩm mỹ thời trang, không gian đến cách giao tiếp đều khác nên việc cách tân áo dài nên có sự cởi mở hơn. Điều này là buộc phải thay đổi thôi.
Dần dần những chiếc áo dài cũng phải thay đổi để phù hợp với công việc, đẳng cấp của con người trong xã hội. Nhìn ra xã hội, áo dài kết hợp váy xòe, “váy đụp” là bình thường, không có gì là nhố nhăng hay thảm họa. Hãy để áo dài được phá cách, theo thời gian cái nào phù hợp sẽ tồn tại, còn không phá cách thì không bao giờ có gì cả.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Song Ngư