Chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, con đường gốm sứ đã được khánh thành và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô trong nhiều năm qua. Công trình đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2008, tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới, công trình dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Mới đây, TP.Hà Nội đã tiến hành cải tạo đường đê Âu Cơ, để thực hiện việc này thì gần 600m tranh gốm bị phá đi, trong đó có những đoạn tranh gốm như phố cổ Bùi Xuân Phái, đoạn tranh Tổ chức Lao động Thế giới ILO của Tập đoàn CIO,… gồm những đoạn tranh rất ý nghĩa bị phá bỏ. Sự việc này đã làm nhiều người Hà Nội tiếc nuối với một công trình đẹp của Thủ đô. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ - người đưa ra ý tưởng và trực tiếp thiết kế công trình này để xem chị cảm nhận gì về những thay đổi này.
Chào hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ - nhiều người rất quan tâm đến việc Con đường gốm sứ bị phá bỏ 600m để mở rộng đê Âu Cơ, chị có thể nói gì về điều này?
Tôi được biết, đây là công trình mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Cầu Nhật Tân. Đây là công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của Dự án xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên. Để đảm bảo thi công, 600m đường tranh gốm bị phá bỏ. Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi phá đoạn tranh gốm để mở rộng đường thì xin TP. Hà Nội cấp kinh phí để phục hồi lại đoạn tranh gốm đã bị phá, vì đoạn tranh này là tất cả tình yêu của các tổ chức thế giới dành cho Hà Nội kể cả công sức của các nghệ sĩ đã đóng góp cho đoạn tranh gốm sứ này.
Các đại sứ quán cũng rất thích công trình này, họ cũng muốn những nét văn hoá của nước mình được thể hiện lên con đường gốm sứ, nếu được, chúng tôi sẽ làm lại đoạn đường này.
Việc phá dỡ đoạn tranh gần 600m đang ảnh hưởng đến kỉ lục Guinness thế giới, tôi sẽ phải báo cáo con số này đến Tổ chức kỉ lục với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại, chúng tôi sẽ cố gắng tạo nên kỉ lục mới với 1000m, chắc chắn Hà Nội sẽ phá vỡ kỉ lục cũ.
Trước khi tháo dỡ 600m đoạn gốm sứ, chị có nhận được thông báo của đơn vị thi công công trình hay không?
Tôi cũng có nhận được thông tin bên ban quản lý Giao thông, họ điện thoại và nói sẽ tháo dỡ đoạn gốm sứ này. Thật ra, năm ngoái đã tháo dỡ 200m rồi, vì đó là công việc phục vụ chung của Thành phố nên tôi không có ý kiến gì cả.
Con đường gốm sứ do Ban di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội quản lý, nhưng lần này, bên thi công không gửi văn bản lên Sở nên Sở không biết việc đoạn đường này sẽ bị phá bỏ khiến mọi người hơi bất ngờ. Nếu bên thi công gửi thông tin về việc này thì tốt hơn, chúng tôi sẽ không bị động.
Khi mới nghe tin, một phần của Con đường gốm sứ bị phá bỏ, cảm xúc của chị thế nào?
Tôi khá tiếc nuối, nhưng cũng phải hy sinh để làm những điều lớn lao hơn. Con đường gốm sứ là một phần ký ức đẹp của tôi, để hoàn thành thì nhiều người đã góp sức để làm nên con đường tuyệt đẹp này.
Đây là công sức của tập thể, các nghệ sĩ, các nhà tài trợ đã cùng nhau lên được phác thảo ý nghĩa, mất thời gian để tạo nên từng viên gốm trên bức tranh. Để trở thành bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới, phía Kỷ lục Guinness thế giới đã đo từng mét một để công nhận công trình này. Hiện nay, chưa có thành phố nào trên thế giới phá vỡ được kỷ lục này của Hà Nội.
Nhiều bạn nước ngoài tưởng Con đường gốm sứ bị phá bỏ hết…
Khi biết thông tin một phần của Con đường gốm sứ bị phá bỏ, các đồng nghiệp, họa sĩ có chia sẻ gì với chị không?
Mấy ngày nay, mọi người chia sẻ nhiều lắm. Các bạn nước ngoài cũng liên lạc hỏi về việc con đường bị phá bỏ một phần. Tôi phải giải thích với mọi người là chỉ phá 600m đoạn ngã 3 Nghi Tàm – Âu Cơ – Xuân Diệu thôi chứ không phải phá hết. Mọi người cũng không có nhiều thông tin về việc này nên lo lắng là việc bình thường thôi. Các bạn nước ngoài đặc biệt thích công trình này, họ bảo, ngắm Con đường gốm sứ dường như thấy cả những nét văn hoá đặc trưng nhất của Hà Nội.
Mục tiêu là đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ, đoạn từ nút giao lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài khoảng 3,7km. Giai đoạn 2 của Dự án có tổng mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Chị có thể chia sẻ về ý tưởng làm nên Con đường gốm sứ đặc biệt này?
Tôi là một hoạ sĩ sáng tác. Tôi luôn trăn trở về ý tưởng về nghệ thuật công cộng: Làm thế nào để thu hút cộng đồng cùng tham gia, cùng yêu nghệ thuật. Thời điểm đó, tôi có được tham gia một khóa học và được sang một số nước châu Âu. Tôi đã chứng kiến bức tường thành Babilon được xây từ thế kỷ 6 trước Công nguyên mà vẫn giữ màu.
Về Việt Nam, hàng ngày, đi từ nhà ở Nghi Tàm tới cơ quan, nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm bỗng nảy sinh. Tôi quyết định lên kế hoạch và mời các nghệ sĩ, các nhà tài trợ tham gia dự án này… Tôi suy nghĩ tại sao với loại chất liệu bền vững với thời gian, trường tồn với thời gian này tại nước ta khá phong phú lại không biết tận dụng. Vì thế tôi đã lên ý tưởng về điều này.
Thành phố đã có chủ trương giải tải ùn tắc giao thông nên phá dỡ một phần của Con đường gốm sứ, là một người dân, một hoạ sĩ, dù có tiếc nhưng tôi cũng chấp hành. Hy vọng sau đó, công trình này sẽ được phục hồi để lưu giữ nét văn hoá đặc biệt của người Hà Nội.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
15 hoạ sĩ quốc tế tham gia làm Con đường gốm sứ
Chị còn nhớ, khi làm Con đường gốm sứ có những khó khăn nào mà chị và đồng nghiệp đã gặp phải?
Thời điểm bắt đầu làm Con đường gốm sứ, tôi gặp nhiều khó khăn lắm, như việc để đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ, phải ghi danh họ trên bức tranh, trong khi áp lực từ truyền thông báo chí thì nhất thiết không được đặt logo. Sau đó, tôi có giải thích và đưa ra một số ví dụ ở nước ngoài đều có cách vinh danh ghi tên nhà tài trợ. Sau khi giải thích hợp lý, làm logo nhà tài trợ nhỏ đi, chỉ chiếm diện tích 0,5% ở đầu bức tranh, mọi người thấy như vậy là hợp lý nên không nói về chuyện đó nữa. Con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống… Để làm được chuyện này thì cũng cần có đồng lòng của tất cả mọi người.