Theo đại diện Binance, được đánh giá là bức tranh đấu giá thành công cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn NFT, "Hoa mai may mắn" - bức tranh NFT đầu tay của học sĩ nhí Xèo Chu có giá trị quy đổi gần 23.000 USD.
Trước khi đưa lên sàn Binance NFT, "Hoa mai may mắn" chỉ có giá khởi điểm là 5.000 USD. Tuy nhiên, sau 24 giờ đấu giá, bức tranh cuối cùng đã được mua với giá trị là 22.899 USD (527 triệu đồng).
Theo họa sĩ trẻ, toàn bộ số tiền thu về sau buổi đấu giá sẽ được sử dụng cho hoạt động từ thiện.
Với cách thức mua bán tranh trên sàn NFT, bức tranh vẽ tay hoàn toàn thuộc về Xèo Chu để hoạ sĩ có thể tổ chức triển lãm hoặc tặng tranh. Còn phía người mua sẽ mua quyền sở hữu bức tranh kỹ thuật số, việc mua thêm tác phẩm vật lý hay không còn tuỳ thuộc vào người bán. Trên thực tế, nhiều nhà sưu tầm các tác phẩm NFT không cần đến tác phẩm vật lý.
Sàn Binance NFT là nền tảng giao dịch và thị trường NFT hàng đầu thế giới hút các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và người đam mê tiền mã hoá.
Người dùng và các nhà sáng tạo có thể đặt kỳ vọng vào hàng loạt triển lãm và bản cộng tác NFT hàng đầu, cùng tính thanh khoản tốt nhất ngành của Binance—mà chỉ với mức phí cực thấp.
NFT là tên gọi tắt của một sản phẩm kỹ thuật số như bức tranh, bức ảnh, những hình ảnh động hay một bản nhạc hoặc video, được chứng thực dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) - công nghệ đã tạo nên tiền điện tử.
Lợi thế của NFT là tính đa dạng, mọi lĩnh vực từ âm nhạc, hội họa, cây cảnh... đều có thể gắn một token NFT để định danh. NFT là loại tài sản mang tính độc nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm giả.
Ngày nay, các sáng tác nghệ thuật NFT đang dần trở thành xu hướng toàn cầu mới của giới nghệ sĩ. Việc trao đổi các NFT đang được thực hiện với tiền điện tử bitcoin trên các trang web đặc biệt, với giá trị giao dịch lên tới vài trăm triệu USD/tháng.
Hoạ sĩ trẻ Xèo Chu, tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007. Bộc lộ khả năng hội hoạ từ năm 4 tuổi, tới nay, Xèo Chu đã sở hữu hơn 200 bức tranh và những buổi triển lãm ở New York, Singapore, Việt Nam.
Bà Lynn Hoàng, đại diện sàn Binance NFT bày tỏ: "Nghệ thuật kỹ thuật số từ lâu bị xem nhẹ là do hầu hết đều miễn phí. Để giúp các nghệ sĩ tạo ra giá trị tài chính cho tác phẩm, NFT bổ sung thêm chữ ký số dưới dạng token không thể sao chép, không thể thay thế".
Một số nhà phê bình xem NFT là một mốt đầu tư nhất thời. WhadeShark nhận định: "Tôi nghĩ 99% dự án trong thị trường hôm nay sẽ không tồn tại trong 2-3 năm sau, rất giống vụ nổ bong bóng ICO năm 2017".
Nadya Ivanova - giám đốc điều hành của L’Atelier nói: "Có rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng cần biết là thị trường NFT còn rất mới. Ta vẫn cần phải qua nhiều chu kỳ khác nhau mới có thể thiết lập giá trị thực của chúng".
Vào hồi tháng 7, 1 cuộc đấu giá dưới dạng NFT cho mã nguồn của ngài Tim Berners Lee, 10.000 dòng code khởi đầu cho thế giới web ngày nay hoàn tất. Mức giá cuối cùng của người chiến thắng là 5.434.500 USD (tương đương 125,4 tỷ đồng).
Những dòng code này được mệnh danh là "nguyên thần khai sinh" ra thế giới world wide web để các trang web có thể hiển thị tài liệu HTML cũng như có thể xuất bản và liên kết với nhau. Đây được coi là 1 trong những sản phẩm đấu giá đắt đỏ nhất lịch sử tác phẩm kỹ thuật số.
Trước đó, dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey trên Twitter cũng được đấu giá thành công dạng NFT với giá 2,9 triệu USD gây chấn động làng công nghệ. Được biết, số tiền này anh sẽ quyên góp cho chương trình từ thiện Africa Response của Give Directly.
Min (Tổng hợp từ DN&TT/An ninh Thủ đô)