Thời gian gần đây, giới mỹ thuật xôn xao vụ một hoạ sĩ đã ký tên mình lên tranh chép của một hoạ sĩ khác khiến nhiều người hiểu lầm về tác giả thật của bức tranh.
Cụ thể, hoạ sĩ Họa sĩ Lê Thế Anh - Giảng viên ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đã lên tiếng về việc họa sĩ P.H.M sở hữu và ký tên lên 2 bức tranh chép tác phẩm của mình.
Cụ thể, đó là bức Lì xì nhé (vẽ năm 2016, kích thước 80x85cm, chất liệu sơn dầu, từng được trưng bày tại triển lãm Chào xuân năm 2017) và bức Cô gái Dao Đỏ (vẽ năm 2013, kích thước 75x90cm). Hai tác phẩm đều được đăng ký quyền tác giả và đã bán cho nhà sưu tập.
Sau khi phát hiện bức Lì xì nhé bị nhái, hoạ sĩ Lê Thế Anh liên hệ P.H.M. chất vấn. Anh định bỏ qua vụ việc vì không muốn gây ồn ào thì phát hiện họa sĩ đàn em còn sở hữu một bức tranh chép khác là Cô gái Dao đỏ. Cả hai bức tranh chép đều có chữ ký được cho là của họa sĩ P.H.M.
"Bất luận tranh ấy do P.H.M hay người khác chép, việc cậu ấy ký tên vào đó được hiểu là đánh dấu sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh", hoạ sĩ Lê Thế Anh nói.
Trong khi đó, người đại diện của hoạ sĩ P.H.M. cho biết, họa sĩ mua 2 bức tranh chép nói trên từ nhiều năm trước. Khi ấy, anh hoàn toàn không biết tác giả 2 tác phẩm gốc là ai. P.H.M có đầy đủ tin nhắn, hóa đơn mua 2 bức tranh chép nói trên từ người chủ cửa hàng tranh.
"Sau khi mua, Minh thấy trên 2 bức tranh đã có sẵn chữ ký nên ghi thêm tên mình vào bên dưới chữ ký trên bức Lì xì nhé. Cậu ấy không ký tên lên tranh. Minh treo 2 bức tranh này trong nhà, không sử dụng cho mục đích nào khác", người đại diện khẳng định.
Trong lần ra Hà Nội công tác mới đây, P.H.M có liên hệ hẹn gặp họa sĩ Lê Thế Anh để "trao đổi, giải quyết vụ việc". Tuy nhiên, hoạ sĩ Lê Thế Anh nói rõ chỉ đồng ý gặp P.H.M khi đàn em xin lỗi bằng văn bản, trong văn bản xác nhận tiêu hủy 2 bức tranh chép và buổi xin lỗi có sự chứng kiến của người đại diện theo pháp luật của anh và báo chí.
Nam họa sĩ yêu cầu P.H.M xin lỗi công khai trên báo chí và hủy hai bức tranh chép nói trên. Nếu không, anh sẽ sẽ có đơn gửi Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM liên quan vụ việc này.
Chiều 16/11, chia sẻ với Người Đưa Tin, hoạ sĩ Lê Thế Anh cho hay: "Đến hôm nay, P.H.M vẫn im lặng, chưa có động thái gì với tôi. Bạn ấy nói có kiện thì bạn ấy sẽ theo đến cùng. Tôi đang tổ chức triển lãm tranh, sau khi triển lãm xong, tôi sẽ xử lý tiếp vụ này".
Khi được hỏi, các hoạ sĩ sẽ phải làm thế nào để hạn chế việc bị ký tên lên tranh chép như là tranh của mình? Hoa sĩ Lê Thế Anh cho hay, có 6 lưu ý để hạn chế việc này: Thứ nhất, người hoạ sĩ trước hết phải hiểu rõ luật bản quyền. Thứ 2, trong quá trình sáng tác, luôn chụp lại hình ảnh, video. Thứ 3, khi đăng tranh trên các nền tảng mạng xã hội có thể đăng file ở chế độ thấp hoặc không ghi thông số kích thước, chất liệu.
Thứ 4 là khi bán tranh, luôn có giấy certificate (giấy chứng nhận - PV) xác nhận tên tuổi, thông tin tác phẩm, chữ ký. Xác nhận là tác phẩm do mình sáng tác, mọi việc sao chép đều vi phạm luật bản quyền.
Thứ 5 là khi có trường hợp xâm phạm mạo danh tác giả, tác phẩm, ngoài việc lên tiếng của chính tác giả, Cơ quan quản lý như Hội Mỹ thuật, Hội nhiếp ảnh... cũng cần có tiếng nói chính thức, chuyên sâu thay vì các phát biểu mang tính đại diện, cá nhân. Cuối cùng là người mua tranh cần thay đổi thẩm mỹ về việc sở hữu tranh chép.
"Nếu số tiền không nhiều thì có thể mua tranh của sinh viên mới ra trường. Nó là tác phẩm có chữ ký, tên tác giả và nó giá trị hơn tranh chép. Nếu không còn nhu cầu mua tranh chép thì tranh chép sẽ hết", hoạ sĩ Lê Thế Anh cho biết thêm.
Nói về việc này, hoạ sĩ Phạm Khắc Chinh thì cho hay, khi sáng tác, các họa sĩ chân chính thì chú ý đến danh dự còn những nghệ sĩ họa sĩ "cố tình vô tình" ký tên lên tranh thì không. Họ làm mọi cách để nổi tiếng và qua rất nhiều vụ kể cả những vụ rất lớn thì anh thấy cũng không giải quyết được gì nhiều ngoài danh dự trong giới hội họa nghệ thuật mà thôi.
"Có những luật bất thành văn, họa sĩ nào vướng phải những chuyện không tử tế như thế này thì rất mất uy tín trong giới chuyên môn hội họa, họ chẳng có giá trị gì trong mắt đồng nghiệp.
Để hạn chế việ này, cách tốt nhất là trở thành những họa sĩ có tâm, có tầm, làm nên những tác phẩm giá trị lúc đó được mọi người xung quanh yêu mến và bảo vệ. Còn những chuyện ồn ào như trên sẽ khó có thể kiểm soát được vì đó là những kẻ trục lợi ở mọi nơi ẩn nấp, trong bóng tối...", hoạ sĩ Chinh cho hay.
Còn hoạ sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh thì chia sẻ, việc ký tên lên tranh của người khác không phải do mình sáng tạo, kể cả tranh chép là việc khó chấp nhận.
"Theo tôi, đây là hình thức mạo danh trắng trợn mà một hoạ sĩ có tư cách không ai làm. Người hoạ sĩ coi bức tranh là "đứa con tinh thần" của mình, nếu đứa con này bị người khác "nhận vơ" thì họa sĩ lên tiếng là chuyện đương nhiên. Dù là vô tình hay cố ý thì việc ký tên lên tranh như vậy là khó chấp nhận được và nếu hoạ sĩ P.H.M không lên tiếng về việc này thì khó mà sống được trong môi trường mỹ thuật", hoạ sĩ Phạm Sinh nói.
Cùng chia sẻ với Người Đưa Tin về việc này, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay, việc một người ký tên lên tranh chép là sai, kể cả mua tranh xong về ký tên, hay chép tranh xong ký tên cũng không không đúng.
"Hoạ sĩ phải đăng ký bản quyền để hạn chế bị ký tên lên tranh chép, việc này sẽ làm hạn chế việc tranh cãi về bản quyền. Thị trường tranh giả hiện nay rất khó kiểm soát, nên chủ yếu dựa vào ý thức của người mua tranh, bán tranh thôi", hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.