Chia sẻ với PV, họa sĩ Phạm Sinh cho biết, từ ngày 20/8 đến ngày 25/8/2018 sẽ diễn ra triển lãm Đối thoại cuộc hành trình của anh.
Họa sĩ Phạm Sinh chia sẻ, đây là triển lãm cá nhân thứ hai của anh. Lần thứ nhất tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội), triển lãm gồm hội họa, điêu khắc và gốm. Còn triển lãm lần này quy mô hơn và chỉ có các tác phẩm mới nhất sáng tác năm 2016 đến nay (2018). Khuynh hướng nghệ thuật là hội họa trừu tượng.
Triển lãm Đối thoại cuộc hành trình sẽ trưng bày 45 bức tranh chất liệu Acrylic, chỉ có 2 loại kích thước: 81x108 và 108x235. Chủ đề xuyên suốt triển lãm lần này là cảm xúc được bộc lộ trực tiếp thông qua cường độ nhịp độ của đường nét và hiệu ứng màu sắc, các yếu tố hiện thực được giải phóng hoàn toàn.
Hoạ sĩ Phạm Sinh tâm sự: “Nếu như hội họa hiện thực trước thế kỷ XX vẫn còn nguyên bản, chân thực và bản sắc các luật lệ hội họa thì bước sang thế kỷ XX, sự phản kháng quyết liệt của các khuynh hướng nghệ thuật mới bùng lên mạnh mẽ. Nhiều dòng khuynh hướng mỹ thuật ra đời. Cùng với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và các ứng dụng nghe nhìn, nghệ thuật thế kỷ XX được bước sang không gian mới, đa chiều, đa sắc, nhiều lớp và dần rời xa hội họa truyền thống. Do đó, tôi đã đi theo dòng tranh trừu tượng để sống thật với cảm xúc của mình”.
Lý giả về tên triển lãm là Đối thoại cuộc hành trình, họa sĩ Phạm Sinh cho hay: “Tất cả chúng ta đều đang đi trên một con thuyền trái đất, mỗi chúng ta đều tương tác với nhau để kiếm tìm hạnh phúc và tạo ra giá trị vật chất. Tôi cũng là một phần trong đó. Những tác phẩm của tôi như một “nhát cắt” độc thoại trước thực tại xã hội. Đó là những tín hiệu màu sắc, đường nét, cảm xúc. Ở đó, tôi đối thoại, trò chuyện với đời, với người và chính mình về nghệ thuật”.
Khi được hỏi: "Nhiều hoạ sĩ hiện nay tổ chức triển lãm tranh, nhưng cũng sợ việc các tác phẩm của mình bị sao chép, bán lại với giá rất rẻ, anh có sợ điều này không"? Phạm Sinh thẳng thắn: “Tôi không sợ tranh của mình bị sao chép. Bởi vì, sao chép tranh trừu tượng rất khó. Tranh của tôi là cảm xúc cá nhân, cường độ và tốc độ cực nhanh, có những chi tiết trong tranh, mà cho tôi chép lại tranh của mình, tôi cũng… không làm được, vì nét bút chỉ 1/3 giây thôi, rất khác với tranh cổ điển.
Người ta chỉ bắt chước được khuynh hướng, phong cách chứ không thể chép tranh trừu tượng theo nguyên bản được”.
Phạm Sinh bộc bạch, anh vẫn dành thời lượng lớn thời gian suốt 30 năm qua cho hội họa, anh thường xuyên đào sâu nghiên cứu lịch sử hội họa trong và ngoài nước, quan sát thường xuyên các cuộc triển lãm hội họa và hình họa, những bài học để nghiên cứu hướng đi cho mình. Từ chỗ vẽ để kiếm sống anh đã âm thầm nâng mình lên từng bước, đặc biệt là bản sắc cá nhân và chất lượng nghệ thuật. Anh thường xuyên thử nghiệm trên nhiều chất liệu, màu nước, bột màu, sơn dầu, acrylic, gốm… và có nhiều tác phẩm đẹp.
Triển lãm khai mạc vào lúc 17h ngày 20/8/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.