Có một Trường Sơn khói lửa trong tranh
Gặp PV báo điện tử Người đưa tin trong một buổi chiều nắng nóng, mặc dù, đang bận chuẩn bị cho chuyến công tác về Nam Định nhưng họa sỹ Đức Dụ vẫn đón tiếp PV rất nhiệt tình và chu đáo. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là sự nhanh nhẹn, hài hước theo đúng chất anh bộ đội cụ Hồ.
Họa sỹ Đức Dụ tên thật là Nguyễn Đức Dụ (sinh năm 1946), quê ở xã Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương. Năm 1965, khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam cũng là lúc Nguyễn Đức Dụ xách ba lô lên đường nhập ngũ. Ông là người lính tham gia mở đường Trường Sơn tại miền Tây Thừa Thiên - Huế. Trong thời gian đầu, phải đối mặt với mưa bom, lửa đạn, tận mắt chứng kiến những gian khổ, hi sinh của anh em, chiến sỹ, người chiến sỹ trẻ Đức Dụ đã rất xúc động và muốn làm một điều gì đó cho đồng đội. Đam mê vẽ từ nhỏ, ông đã cho ra những tác phẩm đầu tay về chiến trường Trường Sơn. Họa sỹ Đức Dụ tâm sự: "Đây là những tác phẩm đầu tiên của tôi mang rất nhiều dấu ấn và cảm xúc. Rất tiếc vì sự ác liệt của cuộc chiến tranh và theo thời gian nên những bức tranh đó đã bị thất lạc".
Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ.
Những bức tranh được vẽ bằng thuốc mực, miêu tả thực về cuộc sống của các chiến sỹ công binh. Hình ảnh người chiến sỹ đào đường bí mật trong đêm, những nữ giao liên đều được ông vẽ lại rất sinh động và tất cả nhanh chóng được chăng bằng dây rừng cho anh em chiến sỹ ngắm cả đêm. Hồi tưởng lại, ông cho biết: "Nhìn mọi người được vui vẻ, sảng khoái lại khen ngợi những bức tranh mình vẽ khiến tôi rất phấn khích và muốn cống hiến hơn nữa". Sau đó, từ niềm đam mê đến những bức tranh đóng góp cho đời sống tinh thần chiến sỹ đã tạo động lực cho họa sỹ Đức Dụ có thêm nhiều tác phẩm về sau.
Họa sỹ Đức Dụ đã có mặt và vẽ về tiểu đoàn nữ mang tên Trưng Trắc của tỉnh đội Hà Tây được thành lập năm 1972. Những chiến sỹ còn rất trẻ làm công tác giao liên, thông tin, khắc phục giao thông, kho hàng... Họ không quản ngày đêm khó khăn ác liệt, hy sinh cả tuổi thanh xuân chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Ông đã có mặt ở những trọng điểm ác liệt nhất của chiến trường như tập đoàn trọng điểm ATP, Tha Mé, Khe Tang, Lùm Bùm, La Hạp. Với bút pháp chân thực, những gam màu nhẹ rất dung dị, ông đã tạo nên những những bức tranh phóng khoáng. Nét vẽ khi sắc bén trong những động thái nhân vật, khi lại mềm mại trong từng không khí ở vách núi, hang đá, khu tập kết của dân quân. Những bức tranh lột tả rõ không khí của chiến tranh: Sắc màu lúc sâu đậm, lúc chát chúa như có âm thanh của bom đạn, sắt thép và bụi đường Trường Sơn.
Tất cả những bức tranh đó đã bao quát nên tuyến đường lịch sử mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại và được họa sỹ chia sẻ trong những bức tranh sơn dầu về 50 năm Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Người xem tranh có thể thấy được những câu chuyện sống động trong từng bức tranh. Bức tranh miêu tả những tuyến đường trong trọng điểm dốc Con Mèo. Những con đường heo hút, gập ghềnh nhiều đá sỏi. Hay bức tranh bộ đội vượt cổng trời với núi đá trập trùng, khó đi hoặc toàn cảnh trọng điểm Vang Mu trong mùa khô 1968 đều nói lên sức mạnh phi thường của con người trong trận chiến với quân thù...
Họa sỹ Đức Dụ cho biết: "Trong những bức tranh thiên nhiên, tôi đều có điểm họa con người ở trong đó để tạo nên sự tương phản mạnh. Nó là cách thể hiện rõ nhất, sinh động nhất về sức mạnh con người. Con người nhỏ bé nhưng có thể chinh phục cả vũ trụ bao la để làm nên những thắng lợi bất ngờ cho cuộc chiến tranh. Đó chính là sức mạnh của những người con yêu nước”. Sau này những bức tranh về Trường Sơn của ông được gửi về hội Mỹ thuật Việt Nam bảo quản và đã được triển lãm nhiều lần các ký họa từ miền Nam gửi ra vào những năm 1968 đến 1970 tại Hà Nội. Có thể nói, với đề tài Trường Sơn, ít có họa sỹ cùng thời nào có thể ghi chép lịch sử một cách sinh động và đầy đủ như họa sỹ Đức Dụ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng viết tặng họa sỹ Đức Dụ trong một cuộc triển lãm vào tháng 5/1993 như sau: "Những bức ký họa, những tấm tranh đầy sinh lực và dũng khí chiến đấu của chiến sỹ Trường Sơn. Phòng triển lãm đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc ta".
Không gian làm việc của họa sỹ Đức Dụ luôn tràn ngập những hồi ức.
Người họa sỹ của những ký ức không quên
Là một họa sỹ có nhiều đóng góp nhưng ông sống rất giản dị và chân thật. Tiếp chuyện với PV tại không gian sáng tác nghệ thuật của mình, họa sỹ Đức Dụ đã không ngần ngại bộc bạch những thói quen hàng ngày: "Tôi có đi đâu thì cũng không thể thiếu chiếc điếu cày. Song trong công việc, niềm đam mê sẽ cuốn tôi vào công việc nhiều hơn. Riêng về Trường Sơn thì nguồn cơn sáng tác của tôi chủ yếu là nỗi nhớ đồng đội. Nghĩ đến họ, tôi thấy cuộc sống thật đáng sống mà không phải quan tâm đến thế sự đen bác ngoài kia. Những câu chuyện tham ô, giết người man rợ, đạo lý đảo lộn. Nghĩ về đồng đội, tôi chỉ còn thế giới với mỹ thuật".
Ông vẽ tranh theo một khuynh hướng quan sát sự vật, tìm được mục tiêu của chủ đề thể hiện và vẽ bằng chính cảm xúc thật của mình. Do vậy, từng bức tranh của ông luôn có những ám ảnh kỳ lạ đối với người xem. Ngoài những chuẩn mực chung khi sáng tác, đôi lúc ông còn có những phá cách rất tinh tế. Có nhiều bức tranh ông chỉ sáng tác qua hồi tưởng hoặc do kể lại nhưng bức tranh nào cũng thể hiện cái tôi rất sâu sắc. Nhiều người dễ nhầm tưởng như chính họa sỹ được chứng kiến và chắp bút lại.
Điển hình như bức tranh vẽ về đồng chí Võ Bẩm báo cáo với Bác Hồ mở tuyến đường mòn Trường Sơn năm 1959 được rất nhiều người đánh giá cao. Họa sỹ Trần Khánh Chương (Tổng Thư ký hội Mỹ thuật Việt Nam) đã nhận xét các bức tranh Trường Sơn của họa sỹ Đức Dụ trong cuộc triển lãm 50 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: "Sau chiến tranh, anh vẫn tâm huyết sáng tác về đề tài Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại với mong muốn người sống được tự hào, người chết được mát mẻ vì họ đã anh dũng hy sinh để mang lại chiến thắng cho dân tộc. Cùng với Trường Sơn, anh đã vẽ về phong cảnh quê hương, ngành dầu khí Việt Nam và đã tổ chức sáu cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Với Đức Dụ, chất lính, chất nghệ sỹ thấm đậm con người và trong tác phẩm".
Một hình ảnh khác cũng được họa sỹ Đức Dụ khắc sâu vào suy nghĩ là hình ảnh các chiến sỹ cứu thương. Rất nhiều chiến sỹ xếp hàng dài để được kiểm tra máu và những người có máu phù hợp được truyền thẳng từ tay chiến sỹ đến thương binh. Bức tranh là hình ảnh họa sỹ Đức Dụ được chứng kiến trực tiếp nên đã khiến rất nhiều người xúc động. Bức tranh thể hiện tình yêu lớn của các chiến sỹ với nhau đã làm nóng lên không gian lạnh lẽo nơi rừng sâu, nước độc.
400 bức tranh về Trường Sơn Đến nay, họa sỹ Nguyễn Đức Dụ đã có một tài sản khổng lồ là trên 400 bức tranh và 14 cuộc triển lãm về Trường Sơn. Nhưng khi chia tay với PV, họa sỹ Đức Dụ không quên dặn dò: "Hãy viết về tôi giản dị thôi. Tôi sáng tác và triển lãm tranh chỉ muốn nhắn nhủ đến thế hệ sau là phải gìn giữ những truyền thống lịch sử của cha ông chứ không muốn quảng cáo tranh". |
Bình Minh