Nghệ thuật "chối bỏ" toan và màu
Tiếp xúc với họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân, ấn tượng anh để lại trong tôi là sự gần gũi bởi phong cách ăn mặc xuề xòa, đi chiếc xe máy cà tàng, còn tiền bán tranh được dành dụm để mở triển lãm "khủng" với chi phí hàng tỉ đồng. Xuất phát điểm từ một họa sỹ được đào tạo bài bản tại khoa sơn mài của trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam, ngoài những tác phẩm của dòng tranh tả chân chính thống, Trần Ngọc Dân được coi là một trong những họa sỹ tiên phong của thế hệ 7X chuyển sang làm nghệ thuật đương đại. Không chối bỏ quá khứ và chạy theo cái mới, Trần Ngọc Dân với tư tưởng cầu tiến rất trân trọng con đường mình đã đi qua. Thậm chí anh vẫn cho rằng con người mình, tâm hồn mình vẫn là của nghệ thuật cổ điển còn việc làm nghệ thuật đương đại chỉ là phương tiện để anh chuyển tải ý tưởng sáng tạo đầy chất ngông của mình. Xem tranh Dân, nghe Dân chia sẻ về định hướng nghệ thuật của mình gói gọn trong một slogan: "Tôi từ hiện thực bước ra", nhiều người không khỏi bất ngờ trước một không gian Phố đương đại được vẽ bằng những phế phẩm cũ.
Họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân (đứng giữa, buộc khăn) và những khách mời tại triển lãm Phố
Quê gốc ở Hải Phòng, trưởng thành và lớn lên ở Hà Nội, "phố" trong tiềm thức của Dân xuyên suốt về không gian cũng như thời gian. Từ nông thôn đến thành thị, từ phố thời chiến, thời bao cấp cho đến phố đương đại. Ngay cả lối chơi chữ "Phố Dân - Dân phố" cũng được anh mượn từ lối chơi chữ của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân - một bậc thầy trong làng mỹ thuật Việt Nam. Dân đưa ra một thông điệp nghệ thuật bằng một câu hỏi "người dân phố nghĩ gì" và câu trả lời anh dành cho công chúng yêu nghệ thuật.
Hiệu ứng về mặt thị giác là ý tưởng xuyên suốt trong những tác phẩm của Dân. Khi xem tranh Dân, tôi không khỏi "hốt hoảng" bởi triển lãm không khác nào một công trường đang xây dựng dở dang với việc bố trí chiếc máy trộn bê tông khổng lồ nằm án ngữ ngay giữa khán phòng. Xung quanh ngổn ngang dây điện đang làm dở. Phóng tầm mắt quanh 4 bức tường là cơ man những khung tranh đươc vẽ bằng dây điện và con sứ cũ... Khi thưởng lãm mỗi người có một tâm trạng khác nhau. Người tích cực nhìn thứ nghệ thuật này của Dân với tâm thức về một xã hội đang đổi mới từng ngày, từng giờ với bằng chứng là những công trình đang trên đà xây dựng và hoàn thiện. Người thâm trầm hơn nhìn thấy từ nghệ thuật sắp đặt của Dân là sự phê phán rất thâm thúy về ý thức trách nhiệm của mỗi ngành nghề trong việc bảo vệ mỹ quan đô thị.
Với Dân dây điện chính là chất keo dính các mối quan hệ ấy trong lòng phố. Phố thời xưa là những cây cột điện đơn côi nơi cuối đường, là những chiếc loa phóng thanh công cộng hối hả giục đồng bào tìm nơi trú ẩn khi có thông tin máy bay địch chuẩn bị bỏ bom, chiếc bình vôi, bóng đèn điện... tất cả những hình ảnh quen thuộc của đời sống xa xưa bất chợt ùa về. Phố đương đại là những dây thông tin: Dây internet, dây cáp truyền hình... Thời đại càng bùng nổ công nghệ thông tin bao nhiêu thì dây điện càng nhằng nhịt bấy nhiêu. Dân lặng lẽ chiêm nghiệm "phố" theo cách của riêng mình. Từ đó các loại dây điện cũ "đàng hoàng" bước vào tranh Dân để chuyển tải ý tưởng của tác giả. Dân tập trung khai thác ý tưởng dựa trên đường nét và ngôn ngữ tạo hình bằng dây điện. Xem tranh Dân, người xem lại ấn tượng hơn cả ở những điểm nhấn là hình ảnh những con sứ cũ với đủ các hình khối từ tròn, vuông đến tam giác... Có cái còn nguyên vẹn, có cái đã sứt mẻ.
Dân tâm sự: "Tôi tôn trọng hiện thực bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng tròn trịa và phố không phải lúc nào cũng bình yên nên những con sứ tồn tại qua thời gian đã không còn màu sắc cũng như hình khối nguyên vẹn là một sự tượng trưng cho điều đó". Những cây cột điện được dựng lên với kích thước gần như thật cùng hàng trăm đường dây điện đổ xuống. Gắn trên đó là những chiếc loa truyền thanh cũ thực sự làm người xem có cảm giác bị "khủng bố" về thị giác. Nhưng choáng ngợp hơn nữa là rất nhiều hình khối được tạo thành bởi những dây điện, cột điện mà Dân đã đổ rất nhiều tiền của, công sức để sở hữu nó, phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật của mình…
Một tác phẩm tranh làm từ dây điện
Khi đến thưởng thức tranh Dân, nhiều người đều không khỏi thắc mắc bởi hình ảnh con người không hề xuất hiện trong tranh Dân nhưng người xem vẫn thấy ấm áp. Đâu đó bóng dáng con người đang hối hả lưu thông trên đường phố trong hình ảnh cột đèn giao thông xanh đỏ, một ga tàu hoang vắng, những ngọn đèn cao áp khắc khoải bên cạnh cột cây số chỉ đường ra sân bay Nội Bài... Tất cả khắc họa một nỗi niềm đau đáu bởi những thời khắc giữa hợp và tan, giữa hội ngộ rồi chia ly trong cuộc đời. Tuy nhiên, tranh Dân vốn đa chiều và đa sắc. Sự bi lụy ấy nhanh chóng nhường chỗ cho những khoảnh khắc lãng mạn rất nghệ sỹ, đó là hình ảnh cụm hoa bằng tăng tím day dứt nổi bật trên nền toan trắng lấp ló sau những đường chạy của dây điện nơi góc phố thân quen... Cứ như thế người xem vừa bị cái rối rắm của những cuộn dây chực làm nhiễu loạn thị giác thì lại được xoa dịu bởi sự thư giãn rất đỗi thảnh thơi.
Chi tiền tỷ mua... phế phẩm đồng nát
Dân cho biết, để có được cuộc triển lãm Phố hoành tráng mà anh vừa tổ chức, anh đã phải mất 8 năm dành cho vẽ, sưu tầm hiện vật từ dây điện đến thùng phuy, con sứ... và 2 năm gần đây anh dồn tổng lực cho việc sắp xếp chúng theo một thông điệp riêng. Anh kể rằng, từ nhiều năm nay anh từng "nhẵn mặt" ở những khu đồng nát "khủng" ở Đông Anh, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... bởi nhiều phen lang thang ở đó để nhặt nhạnh, sưu tầm. Dân kể khó khăn nhất là việc vận chuyển chúng về kho bãi tại nhà, xưởng của mình bởi sự cồng kềnh và tốn kém... Chỉ cần nghe bạn bè mách ở đâu có nguồn phế phẩm là Dân tìm mua cho bằng được bởi không nhanh chân những thứ phế phẩm đó sẽ bị bán đi hoặc chôn sâu dưới lòng đất. "Ngay cả những người hàng xóm kề cận gia đình mình nhiều người cũng lầm tưởng mình đang chuyển nghề buôn đồng nát" - Dân hài hước nói.
Với ý đồ xây dựng tác phẩm đập mạnh vào thị giác người xem nên kích cỡ các hiện vật của Dân đều rất khổng lồ và hầu hết đều được vận chuyển đến bằng xe cẩu. Ngay cả gần 20 bức tranh anh mang đi triển lãm đều khổ lớn, có những bức khổ tranh lên tới 220x 500cm. Hay ý tưởng về một cây thông tin làm từ thân cây gỗ nặng gần 2 tấn được gọt đẽo công phu phía đầu thân cây để gắn lên đó một chiếc loa phóng thanh khổng lồ đã xỉn màu. Tất cả những vật liệu đó không ngừng truyền tới người xem những thông điệp phố phường, vừa nhiễu loạn vừa thú vị.
Tác phẩm sắp đặt loa cây
Dân tâm đắc nhất là tác phẩm cây đàn bầu được sắp đặt ngay tại sân triển lãm nghệ thuật Việt Nam. Cây đàn bầu là biểu tượng của văn hóa người Việt được tạo nên bởi 2 khối bê tông lớn, mỗi khối gần 2 tấn cùng 1 cột điện dài hơn 10m. Công tác dàn dựng này anh phải dùng đến loại xe cẩu chuyên dụng. Dân chia sẻ: "Chỉ khi 2 khối bê tông được đặt lên làm thân cây đàn bầu an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ làm một bộ phận rơi vỡ thì tác phẩm coi như bỏ đi". Anh cố ý sắp đặt tác phẩm độc đáo này ở không gian ngoài trời để tạo sự tương tác giữa tác phẩm và không gian. Từ đó biệt tài khuếch đại tín hiệu nghệ thuật được dịp phát huy bởi trong không gian của Dân, thông tin và cảm xúc không còn bị giới hạn nữa. Hầu hết những hiện vật trong triển lãm của Dân đều có ý nghĩa và gắn liền với con người. Ngay cả hệ thống những phương tiện giao thông như ô tô, xe máy cổ, xe taxi... đều mang hơi thở cuộc sống và Dân chủ động hòa mình vào dòng chảy hối hả này bằng chính lối ra mắt công chúng vô cùng khác người khi chủ động tay cầm loa phóng thanh bước từ một chiếc xe taxi trưng bày trên sân khấu để giao lưu với khán giả.
Với Dân làm nghệ thuật là một cuộc chơi đầy tốn kém nhưng những tín hiệu nghệ thuật anh muốn chuyển tải hoàn toàn tương xứng với vẻ bề ngoài choáng váng. Từ đó, công chúng tiếp cận tác phẩm của anh còn bằng sự cảm phục về một nghị lực và sự tự tin của người nghệ sỹ nhỏ bé này.
"Người tiên phong thành danh" Có thể nói Nguyễn Ngọc Dân là họa sỹ đầu tiên tại Việt Nam thành danh với nghệ thuật tranh dây điện. Người nghệ sỹ tài hoa đã rất thành công trong việc biến những thứ đồ phế phẩm bỏ đi thành phương tiện để chuyển tải ý tưởng nghệ thuật. Mạnh dạn làm nghệ thuật bằng nguyên liệu "độc" từ dây điện, con sứ, loa phóng thanh cũ... nhưng không phải vì thế mà tạo hình trong tranh Dân mất đi vẻ mềm mại. Chính nghệ thuật làm tranh chối bỏ toan và màu làm không gian trong tranh Dân trở nên phóng khoáng khiến bất kỳ ai khi xem đều cảm thấy thú vị bởi với lối tiếp cận 2 chiều độc đáo. |
Tuệ Linh