Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Martin Brasier thuộc trường đại học Oxford (Anh) đứng đầu là nhóm nghiên cứu đầu tiên phát hiện hóa thạch vi khuẩn có cấu trúc như tế bào tại khu vực Strelley Pool ở miền Tây Australia. Các nhà khoa học cho biết những hóa thạch này được bảo vệ giữa những lớp thạch anh lâu đời nhất trên Trái đất.
Phân tích các mẫu hóa thạch khai quật được, các nhà khoa học phỏng đoán rằng những vi khuẩn đã sống cách đây 3,4 tỷ năm và chúng sử dụng khí lưu huỳnh thay vì ôxy để chuyển hóa thành năng lượng. Đây có thể là bằng chứng cho thấy rằng các dạng sự sống có thể tồn tại trong điều khiện khí ôxy thấp hoặc không có khí ôxy trên các hành tinh khác trong vũ trụ.
Tiến sĩ Martin Brasier cho biết: "Chúng tôi có thể khẳng định rằng những lớp đá nơi tìm thấy các hóa thạch được hình thành cách đây 3,4 tỷ năm. Phát hiện này là bằng chứng cho thấy môi trường sống thiếu ôxy như trên sao Hỏa không phải là vấn đề để sự sống không tồn tại".
Một tảng đá bị mắc kẹt trong khu vực Gorge Knox, Pilbara - nơi các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra các mẫu đá trầm tích và tuyên bố tìm thấy hóa thạch lâu đời nhất trên thế giới từ năm 3.5 tỷ năm trước.
Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng Trái đất cách đây 3,4 tỷ năm là một nơi tối tăm và nóng với các núi lửa hoạt động dữ dội và bị thiên thạch tấn công. Bầu trời khi đó được bao phủ bởi những đám mây xám, khiến sức nóng từ Mặt trời yếu hơn ngày nay, nhưng nhiệt độ của các đại dương vẫn từ 40-50 độ C. "Thời kỳ này, Trái đất có rất ít khí ôxy bởi vì không có cây xanh để quang hợp và sản xuất khí ôxy. Đó là một bức tranh địa ngục. Không phải là nơi lý tưởng cho cuộc sống của con người. Nhưng đối với vi khuẩn, đây là một môi trường lý tưởng", tiến sĩ Martin Brasier nhận định.
Mới đây, khi tiến hành phân tích mẫu đá tại Australia, nơi tìm ra hóa thạch vi khuẩn lâu đời nhất thế giới trên, giáo sư Nora Noffke của Đại học Old Dominion (Mỹ) cũng khẳng định dấu vết của vi khuẩn từng xuất hiện khoảng 3,49 tỷ năm trước, khi Trái đất mới được 1 tỷ năm tuổi. Các mẫu được tìm thấy bởi giáo sư Noffke và các đồng nghiệp của bà là rặng núi đi qua những tảng đá giống như những sợi thủy tinh vụn trong những nơi ở của nhện.
Điều này gợi ý rằng vi khuẩn nguyên thủy liên kết bằng các mạng sắc màu rực rỡ. "Từ phân tích mẫu đá, chúng tôi có thể khẳng định các dấu vết của vi khuẩn là những hóa thạch cổ xưa nhất từng được tìm thấy. Chúng là tổ tiên già nhất của chúng ta", giáo sư Noffke phát biểu trước hội nghị của Tổ chức Địa chất Mỹ. Không giống như xương khủng long, các hóa thạch mới phát hiện không phải là những phần của cơ thể. Chúng là các kết cấu trên bề mặt sa thạch, đã được khắc bởi những sinh vật sống cách đây vài tỷ năm. Nghiên cứu mới này đã mở ra hy vọng cho nỗ lực tìm kiếm sự sống cổ đại trên những hành tinh khác như sao Hỏa. Nhiều khả năng tàn tích của sự sống vẫn nằm đâu đó trên bề mặt hành tinh đỏ chờ con người khám phá.
Khu vực Pilbara cổ đại, ở phía Bắc vùng Tây Australia, từng là các dải đất ven bờ và đá, được bồi đắp bởi trầm tích từ hàng tỷ năm trước đang trong tình trạng lộ thiên, cho phép các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu. Các khối đá cổ trong khu vực này cũng là một trong số những khối đá lâu đời nhất trên Trái đất.
Giáo sư Noffke cho biết thêm: "Việc phát hiện ra các hóa thạch vi khuẩn này là thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa. Những mẫu vật của chúng tôi là một trong những mẫu vật tồn tại lâu đời nhất trên Trái đất. Chúng có thể tồn tại được trên đá ở các độ tuổi tương tự trên sao Hỏa".
Gia Hân (Theo Dailymail)