Người đàn bà tự nhận là “thánh cô”, chữa bệnh cho hàng trăm con người với cùng một hành động là rửa bàn tay vào chai nước lã rồi đưa cho người ta uống, thế mà vẫn có người tin tưởng, mê muội đến mộng mị đó là Trần Thị Tình, sinh năm 1975, trú tại thôn 7, xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa).
Từ khi Tình tự nhận mình là “thánh”, mỗi ngày, có hàng trăm người bệnh từ khắp các nơi ùn ùn kéo về xã Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa xin người phụ nữ này chữa bệnh cho mình.
Lừa đảo bằng trò yểm nước lã, chữa ung thư
Hỏi đường đến nhà “thánh cô” Tình không khó, bởi danh của “thánh cô” vang xa tới nỗi, vừa chạm xe đến địa phận huyện Yên Định, Thanh Hóa, chúng tôi đã nghe người ta kháo nhau về tài chữa bệnh của cô. Họ kháo về cái “tài” của “thánh cô” rằng cô toàn chữa những bệnh nan y, bệnh viện bó tay trả về, thậm chí ung thư các loại như gan, dạ dày, đại tràng hay bất kể bệnh gì mà y học tiên tiến không thể chữa được, bệnh viện phải trả về thì “cô” chữa tuốt.
Chẳng biết đã có trường hợp nào sắp chết, bệnh nạn y mà gặp “cô” đã được chữa khỏi bệnh chưa. Nhưng trường hợp một bé gái bị ung thư cũng đã tìm đến “cô” để xin nước thánh về uống rồi chết thì ai cũng biết. Vậy mà hằng ngày vẫn có bao người tìm đến “thánh cô” Tình với hy vọng mong manh "còn nước còn tát".
Bé gái bị ung thư mà “thánh cô” cũng chẳng thể chữa khỏi đó là bé Vũ Đặng Hà T., 7 tuổi, là con anh Vũ Văn L., sinh năm 1976 và chị Đặng Thị H., sinh năm 1981, ở xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Bé T. bị mắc bệnh ung thư màng não đã 3 năm nay, đã trải qua 8 lần xạ trị nhưng bác sĩ tiên lượng xấu. Người nhà đã chuẩn bị tư tưởng cũng như mọi thứ cần thiết cho ngày T. sang thế giới bên kia, nhưng sự hồn nhiên, non dại của em khiến ai cũng cảm thấy nhói lòng.
“Còn nước còn tát”, nghe tin “thánh cô” Tình có thể chữa được cả ung thư, gia đình anh L. và chị H. đã đưa con gái đến xin được cứu chữa. Khi gặp bé vào lúc bệnh ở giai đoạn cuối, vậy mà “thánh cô” Tình phán chắc như đinh đóng cột rằng chỉ cần uống hết chai nước thánh mà “cô” đã nhúng tay “yểm” là bệnh tình sẽ được đẩy lui.
Tin lời “thánh”, từ hôm đó bố mẹ cô bé đã không quản ngại trời nóng bức, đưa đứa con bệnh tật đau yếu đến ngồi vạ vật, mệt mỏi chờ ở nhà “cô” hàng tiếng đồng hồ để được “thánh cô” bắt bệnh. Khi diện kiến “cô”, nghe “cô” phán, ai nấy đều hy vọng bừng bừng.
Vậy mà chỉ vỏn vẹn 5 - 6 ngày sau, vào chiều ngày 28.4.2012, bé gái này đã tử vong khiến cả gia đình suy sụp, đau đớn. Anh L. - bố cháu bé nói: “Khi các bác sĩ tiên lượng xấu về cháu, gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý cả rồi. Nhưng khi về gặp “thánh cô”, “thánh” lại phán bệnh này hoàn toàn chữa khỏi vì “thánh” đã yểm thuốc, thế nên gia đình lại hy vọng, khấp khởi biết bao nhiêu. Vậy mà… ”.
Hôm đó khi gặp “thánh cô”, chúng tôi đã hỏi trường hợp của bé T. tại sao đã được uống “nước thánh” rồi mà bệnh vẫn không thuyên giảm, “cô” trả lời thản nhiên rằng: “Tại người nhà không đặt hết niềm tin vào 'thánh cô', nên chỉ giúp được đến thế”.
Trở thành “thánh” sau lần đi xem bói bị bất tỉnh
Người ở xa tới tấp hỏi thăm, kéo nhau tới ăn chực nằm chờ ở nhà “cô” chờ được chữa bệnh, khiến cho những người dân sống trong khu vực cũng nửa tin, nửa ngờ. Theo một người hàng xóm sát vách nhà “thánh cô” thì chuyện người phụ nữ tên Tình này trở thành “thánh” cũng thật ly kỳ. Số là sau dịp Tết Nguyên đán, Trần Thị Tình có đi sang làng bên xem bói để xin thầy bói tư vấn phong thủy về làm nhà.
Rồi thình lình hôm đó, khi quay về, Tình bỗng ngất xỉu. Tỉnh dậy, “cô” chẳng làm nhà nữa mà lập đàn cúng bái, tự nhận mình được ăn lộc “thánh”, được “thánh” nhập vào để chữa bách bệnh, cứu độ chúng sinh. Từ đó, tiếng “thánh cô” chữa bách bệnh vang xa, nhiều người từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến xin được chữa bệnh. Một số người sống ở gần nhà “thánh cô” cho biết, có thời gian cao điểm, mỗi ngày có từ 200 - 300 người từ các nơi tìm đến xin chữa, kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo, song chủ yếu là do người nhà của “thánh cô” thu lợi.
Ảnh minh họa.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà “thánh cô” Tình giữa cái nắng hè chói chang. Cơn mưa bóng mây thoảng qua càng khiến cho không khí thêm ngột ngạt. Cách nhà “thánh cô chữa bách bệnh” chừng 20m, 2 người đàn ông khoảng 40 tuổi ngồi bán nước ngăn chúng tôi lại: “Dừng lại, gửi xe đã mới được vào”.
Giá vé gửi xe máy là 5.000 đồng, ô tô là 30.000 đồng. Ngoài ra, khách còn phải mua vỏ chai đựng “nước thánh” với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc. Được biết, những người trông xe là họ hàng bên chồng “thánh cô”, còn những người bán chai nước và các dịch vụ ăn uống ngay cạnh nhà “cô” đều là người bên nội, bên ngoại của “thánh cô” cả. Tóm lại là, khu vực nhà “thánh cô” giống như một công ty kinh doanh với nhiều dịch vụ thu nhỏ, mỗi người một việc, làm cả ngày không hết việc, không hết khách, tiền thu được từ những dịch vụ đó chẳng biết bao nhiêu mà kể.
Giữa cái nắng nóng hầm hập trên 40 độ mà trong nhà, ngoài sân và vườn nhà “thánh cô” vẫn la liệt cả trăm người vật vã chờ đến lượt mình chữa bệnh, nét mặt ai cũng nhẫn nại một cách đáng nể. Hành trang của mọi người, ngoài tư trang, quạt nan, quạt giấy còn một thứ không thể thiếu là vỏ chai nhựa mua ở đầu ngõ để đựng nước “thánh” - một thứ nước lã lấy lên ngay từ giếng nhà cô.
Trong vai bệnh nhân, tôi cũng nhẫn nại ngồi chờ như cả trăm người bên cạnh. Chờ hơn 1 giờ, “thánh cô” xuất hiện. “Thánh” là một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, mặc quần áo bà ba và đi dép cao su. Những ai đến chữa bệnh đều phải đặt tiền mặt gọi là tiền làm lễ và “nước thánh” lên bệ thờ rồi lạy 3 cái. Màn đặt tiền và làm lễ xong xuôi, khi bệnh nhân ngồi lên ghế, “thánh cô” mới hỏi: “Con bị bệnh gì?”.
Sau khi nghe bệnh nhân kể triệu chứng bệnh, “thánh cô” lấy nước trong chai mà người bệnh vừa lấy ở giếng vào, sau đó dùng nước lã đó xoa lên người bệnh rồi lẩm nhẩm: “Ta sẽ độ trì cho con khỏi hết bệnh tật và khỏe mạnh”. Rồi “thánh cô” dùng ngón tay của mình nhúng vào cốc nước vừa rót, phán: “Con hãy uống hết cốc nước thánh này đi, nước này ta đã yểm rồi, bao bệnh trong người sẽ tiêu tan hết”. Số nước còn lại trong chai, “thánh cô” đưa cho người bệnh bảo đem về nhà uống dần, khi nào hết thì đến nhà “thánh cô” lấy tiếp.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong khoảng 10 phút, “thánh cô” đã chữa cho từ 3 - 5 người bệnh, tất cả mọi người với đủ các thứ bệnh khác nhau, “cô” chẳng cần khám xem bệnh tật của họ thế nào mà chỉ hỏi bệnh, tất cả đều được “thánh cô” chữa bằng cách xoa nước lã lên người, sau đó rửa tay vào thứ nước lấy từ giếng, bảo uống, không uống hết thì mang về nhà uống dần …
Hoang tưởng hay lừa bịp?
Sau khi rời nhà “thánh cô” Tình, chúng tôi đến gặp ông Thiều Quang Huê - Chủ tịch UBND xã Yên Phú, Yên Định, Thanh Hóa. Ông Huê cho biết: “Chị Trần Thị Tình, SN 1975, trú tại thôn 7, xã Yên Phú bỗng dưng tự nhận là 'thánh' rồi chữa được nhiều bệnh chỉ bằng nước lã là có thực, và chị này đã hoạt động khoảng 3 tháng nay. Về phía chính quyền xã đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu chị Tình và gia đình ký cam kết không được hành nghề chữa bệnh khi chưa được phép”. Dù ông Huê tuyên bố vậy, nhưng tìm hiểu trên thực tế, chúng tôi thấy “thánh cô” Tình vẫn hăm hở hành nghề, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người đến xin chữa bệnh.
TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Các cá nhân, tổ chức khi hoạt động khám chữa bệnh cho người bệnh phải được cấp phép của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng. Nếu không có giấy phép hoạt động thì đó là hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật”. Về trường hợp người phụ nữ chữa bách bệnh cho nhiều người bằng nước lã ở Thanh Hóa, ông Nga khẳng định hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Rất có thể đó chỉ là trò lừa bịp nhằm mục đích vụ lợi. Ngoài ra, không loại trừ khả năng người phụ nữ này bị mắc bệnh hoang tưởng.
Điều mà nhiều người dân thắc mắc là tại sao một người nông dân ít học như Trần Thị Tình, sau khi tự nhận mình là “thánh” thì tên tuổi lại nổi danh và vang xa đến vậy. Việc Trần Thị Tình tự nhận mình thuộc tầng lớp siêu nhiên có thể là do mắc chứng hoang tưởng, nhưng đằng sau chị ta là sự hậu thuẫn của rất nhiều kẻ cơ hội. Họ dựa vào sự nổi tiếng của “thánh cô” để kiếm tiền từ các loại phí dịch vụ như trông xe, bán vỏ chai, đồ ăn uống…
Điều đáng nói là tất cả những hoạt động sai phạm của “thánh cô” Tình cũng như những dịch vụ ăn theo từ dịch vụ chữa bệnh bằng nước lã của chị ta đều không bị chính quyền nhắc nhở và xử lý triệt để. Nếu biết việc Trần Thị Tình không có giấy phép hành nghề mà đi chữa bệnh cho người khác thì tại sao chính quyền địa phương không đến lập biên bản, phạt dứt điểm, đồng thời tuyên truyền cho mọi người về những sai phạm đó của chị ta, để mọi người biết và không tiếp tục nghe theo nữa?
Nếu không có những kẻ thêu dệt, một đồn mười, mười đồn trăm, biến không thành có thì tên tuổi của “thánh cô” Tình đâu dễ lan rộng ra cả ngoài tỉnh đến như vậy.
BTV