Tuần vừa rồi một hội thảo khoa học 50 năm về phong trào đấu tranh Phật giáo được tổ chức đúng vào ngày hòa thượng viên tịch. Nhiều nhà nghiên cứu, và các vị cao tăng ni đã cùng có mặt để hồi tưởng về bậc trưởng thượng đã vinh danh cho Phật pháp Việt Nam trong thời hiện đại.
> Video: Cảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu 50 năm trước
Vị cao tăng ẩn dật đưa đơn
Hòa thượng Thích Quảng Đức là một vị cao tăng ẩn dật, ít người biết đến tên ông. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một trong số nhân chứng hiếm hoi còn lại kể với PV: “Trong những ngày đấu tranh căng thẳng giữa Phật giáo với chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, một hôm tôi đại diện cho giáo hội tiếp một vị hòa thượng tới gặp. Vị này đưa ra một lá đơn. Tôi đọc mới biết hòa thượng muốn được tự thiêu để bảo vệ Phật pháp và hòa bình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp hòa thượng Thích Quảng Đức”.
Hòa thượng sinh năm 1897 tại xã Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, con của các cụ Lâm Hữu Ứng và Nguyễn Thị Nương. Tên ở nhà của sư là Lâm Văn Tuất. Sau đó, sư được cậu ruột nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Nguyễn Văn Khiết.
7 tuổi người đã được gia đình cho xuất gia. Năm 20 tuổi sư được thọ giới Tỳ Kheo được ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.
Sư lên một ngọn núi ở Ninh Hòa nhập thất ba năm ròng, sau lập ở núi này một chùa đặt tên Thiên Lộc tự. Sư xuống núi vân du khất thực 2 năm ròng rồi mới vào chùa nghiền ngẫm thêm kinh sách.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, đại lão hòa thượng Hải Đức đã tìm đến tận thất để mời sư nhận chức Chứng minh đạo sư cho chi hội Khánh Hòa.
Bấy giờ trong thời đạo Phật bị chính quyền thực dân Pháp coi rẻ và đàn áp, thời gian sư ở miền Trung đã đi tu sửa xây dựng được 14 ngôi chùa, góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Sư cũng mấy năm qua tới Campuchia và Lào để mở mang chùa chiền, sưu tầm kinh sách. Riêng Campuchia sư ở lại tới ba năm.
Năm 1953, khi phong trào chấn hưng Phật giáo lại được đẩy mạnh, sư được mời giữ chức phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng thời chủ trì chùa Phước Hòa ở Sài Gòn – trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Tuy nhiên, năm 1958 hòa thượng đã xin từ nhiệm công việc rường cột của giáo hội để tập trung vào việc tu niệm.
Lá đơn không được chấp thuận
Năm 1963, khi phong trào đấu tranh Phật giáo lên tới đỉnh điểm, hòa thượng Quảng Đức 66 tuổi, là một trong những vị trưởng lão khả kính bậc nhất, mặc dù ẩn dật. Khi tiếp nhận lá đơn xin tự thiêu của hòa thượng, sư Đức Nghiệp kể: “Tôi cúi đầu cảm tạ hòa thượng và hứa sẽ đưa đơn lên cho toàn bộ lãnh đạo giáo hội xem xét”. Nhận được lá đơn, các vị cao tăng đều sửng sốt và cảm động, bởi công đức và vị trí của hòa thượng Quảng Đức trong lòng mọi người rất lớn.
Vài ngày sau đó, vị Trị sự trưởng của Giáo hội Tăng già là thượng tọa Thích Tâm Giác đã viết một lá thư cám ơn ý nguyện của hòa thượng Quảng Đức, đồng thời thẳng thừng từ chối nguyện vọng tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức.
Bức thư từ chối nguyện vọng của sư, có đoạn viết: “Giáo hội rất cảm thông trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc Pháp lý (Luật Phật đã định cũng như Luật Pháp thế gian) Giáo Hội không thể chấp nhận điều thiện nguyện thiêu đốt thân xác của Đại đức được. Vậy xin Đại đức hoan hỷ và cầu chúc Đại đức vô biên an lạc. Trân trọng kính chào Đại đức. Thượng tọa Thích Tâm Giác ký tên”.
Nhẽ ra nhận được thư ấy, hòa thượng nên quay lại thất để tu hành. Song, theo sư Đức Nghiệp kể lại với chúng tôi: “Hòa thượng vẫn giữ nguyện vọng cúng dường thân xác để bảo vệ tăng ni, nên ngài trú nhờ tại một ngôi chùa, tụng niệm kinh Pháp Hoa bất chấp mọi lời bàn tán ra vào”. Chính hành động quả quyết của hòa thượng khiến người ta phải suy ngẫm kỹ về lá đơn của hòa thượng.
“Đơn xin thiêu thân” của sư đề ngày 27/5/1963 có viết: “Hơn một thế kỷ nay, nhất là trong giai đoạn hiện tại, Phật giáo Việt Nam luôn nằm trong tình trạng hỗn mang, bi thảm đau thương: nào bị đàn áp, nào bị đối xử bất công, ngược đãi… Phật giáo đồ bị bức bách khuynh loát một cách trắng trợn, có nơi bị chôn sống, bị tù đày, có nơi bị cản trở ngăn cấm cả về hành đạo, tu tập, tụng niệm”.
Sư rất đau lòng trước cảnh ngộ bấy giờ, với nền chính trị thần quyền lấy tôn giáo để đàn áp tôn giáo của chính quyền Diệm – Nhu: “máu Phật tử đã chảy, xương thịt Phật tử đã nát tan trước họng súng bạo tàn của kẻ độc ác, vô nhân đạo” (Trích đơn). Cuối cùng, sư viết: “Xin quý Thượng tọa chấp thuận, chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: “Phật tử chúng ta hãy tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Cánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo”.
Thắp lên ngọn lửa hòa bình
Sáng 11/6/2013, tại Khu du lịch Phương Nam tỉnh Bình Dương, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013) thu hút 50 tham luận và hơn 200 đại biểu tham dự. Hội thảo khoa học được tổ chức đúng ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu.
PGS TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐHKHXH &NVQG TPHCM trong diễn văn khai mạc hội thảo ôn lại: “Năm mươi năm trước , đúng ngày này, 11/6/1963, giữa lòng thành phố Sài Gòn đã diễn ra một sự kiện làm chấn động cả nước và làm xúc động hàng triệu triệu con người khắp thế giới này: Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự nguyện thiêu thân để bảo vệ Phật pháp và nhằm thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm”.
Tờ báo Le Monde đã bình luận trong số ra ngày 13/6/1963: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”. |
Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể với chúng tôi sự việc dẫn đến sự thay đổi quyết định của giáo hội: “Một thời gian sau, chế độ bấy giờ tiếp tục gia tăng sự đàn áp với phong trào Phật giáo, nhiều người bị giết, bị cầm tù. Một nguồn tin cho chúng tôi biết chế độ Ngô Đình Diệm kiên quyết tiêu diệt phong trào đấu tranh của Phật giáo. Trước tình hình nguy cấp này, tất cả chúng tôi nhớ tới lá đơn của hòa thượng. Tôi được cử tới ngôi chùa hòa thượng đã nương trú. Tôi hỏi: Tình hình quá nguy cấp, chính quyền sắp đàn áp lớn. Hòa thượng còn giữ ý định cúng dường thân thể của mình không? Hòa thượng nghe xong, nói: Tôi vẫn giữ ý định của mình”.
Sư Đức Nghiệp dặn “Hòa thượng đêm nay không ra ngoài”, cắt cử mấy người bảo vệ cho hòa thượng, còn bản thân mình về lo việc chọn địa điểm, mua xăng, mời các nhà báo đến chứng kiến. “Các báo quốc gia hầu như không đưa tin phong trào đấu tranh nên chúng tôi quyết định mời các phóng viên nước ngoài” – sư Đức Nghiệp kể lại.
Sáng 11/6/1963 ngọn lửa vị pháp vong thân của hòa thượng Quảng Đức do chính nhà sư thắp lên, đã cháy rực bên ngoài Đại sứ quán Campuchia tại Sài Gòn. Hòa thượng đã tọa thiền trong ngọn lửa cháy rực. Khi lửa tàn, thay vì đổ gục người ra trước, nhà sư đã ngả người ra phía sau, như ngả mình trên một phiến đá nơi thâm sơn cùng cốc.
Ngọn lửa đấu tranh bất bạo động của sư Thích Quảng Đức đã “chiếu rọi” không chỉ ở Việt Nam mà khắp nhiều nơi trên thế giới. Riêng với Campuchia, ngay ngày 13/6 nước này đã có công hàm phản đối việc đàn áp Phật giáo. Chính phủ Campuchia đã cho rằng: “Chỉ có Hitler trước đây mới dám phạm những tội ác như vậy” (Dẫn theo tài liệu “Pháp nạn Phật giáo 1963, nguyên nhân bản chất và tiến trình - Nxb Hồng Đức 2013). Hàng loạt các nước có Phật giáo trên thế giới cùng lên tiếng bảo vệ Phật giáo Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong “Lời nguyện tâm quyết” viết bằng chữ Nôm với chính thủ bút của hòa thượng Thích Quảng Đức, bốn điều tâm nguyện của ông, điều cuối cùng là “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc”.
Theo Tiền phong