Nhưng nhiều câu chuyện được ghi lại trong lịch sử cho thấy điều này không chỉ ứng với những mỹ nữ thời xưa mà ngay cả những nam nhân có dung mạo quá đẹp cũng khó lòng thoát khỏi cái kết bi thảm dành cho kẻ "hồng nhan".
Không chỉ mang một vẻ đẹp khác thường mà còn tài năng, khí phách hơn người, Phan An đứng đầu trong danh sách mỹ nam Trung Hoa cổ đại, được người đời gọi là "Hoa vương" và ngàn năm sau vẫn không ngừng ngợi khen, ca tụng vẻ đẹp tuyệt mỹ của chàng. Phan An (tên khác là Phan Nhạc), là người Hà Nam, sống vào thời Tây Tấn, được xem như một kỳ nhân của lịch sử Trung Hoa cổ đại. Dung mạo của chàng thường được đem ra làm thước đo, sự so sánh dành cho những người đàn ông đẹp "mặt tựa Phan An".
Vẻ đẹp tuyệt mỹ của Phan An.
Người trong dân gian vẫn còn lưu truyền rất nhiều giai thoại xung quanh vẻ đẹp lạ thường của chàng. Chuyện kể rằng Phan An ở thành Lạc Dương, mỗi lần cưỡi xe ra ngoài chơi đều bị phụ nữ từ trẻ đến già chạy theo xem mặt, nhiều đến nỗi chàng không dám bước ra khỏi xe. Nhiều thiếu nữ quá si mê vẻ đẹp của chàng, thường mang theo rất nhiều hoa thơm, quả chín, khăn thêu để ném vào xe của chàng.
Bởi vậy, mỗi khi Phan An ra ngoài chơi đều trở về với một chiếc xe đầy ắp những hoa, quả và khăn thêu. Trong văn chương, người ta vẫn thường dùng điển tích ném quả đầy xe để nói về sự ngưỡng mộ, tình yêu dành cho cái đẹp. Xung quanh nhà chàng, dường như khi nào cũng có phụ nữ đứng nhòm, bàn tán xôn xao. Cổng nhà chàng lúc nào cũng có người đến buộc khăn thêu, chỉ hồng để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Vườn nhà chàng lúc nào cũng có thư tỏ tình của người khác phái từ ngoài ném vào bày tỏ ước mong một lần được chuyện trò, hội ngộ. Vì vẻ đẹp của Phan An quá nổi tiếng cho nên một người có dung mạo vô cùng xấu xí tên là Trương Mạnh Dương đã bắt chước dáng điệu của chàng và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần anh ta ra khỏi cửa đều bị chị em nhổ nước bọt và ném đá tới tấp. Và thay vì trở về với một chiếc xe chất đầy hoa thơm, quả ngọt, Trương Mạnh Dương phải trở về nhà với một chiếc xe chất đầy gạch đá.
Tuy nổi tiếng với vẻ đẹp tuyệt mỹ có một không hai khiến phụ nữ chết mê chết mệt nhưng Phan An lại là một người chồng chung thủy, một lòng yêu vợ. Chàng kết hôn từ năm 10 tuổi với một thiếu nữ nhà họ Dương và sống thủy chung với người vợ này cho đến khi bà qua đời vào năm Nguyên Khang thứ 8 (298). Sau cái chết của Dương Thị, Phan An đau buồn triền miên. Chàng thường dồn hết cảm xúc vào những bài từ điếu vong kể về tình cảm vợ chồng son sắt keo sơn. Những bài điếu vong này vẫn được truyền tụng từ nhiều đời nay như những tuyệt phẩm nổi trội nhất của văn chương thời bấy giờ. Những bài điếu vong đó đã phần nào thể hiện tài văn chương thiên phú và khí chất hơn người của chàng.
Nhưng cuộc đời của vị "Hoa vương" này không được tươi sáng như dung mạo của chàng. Càng trưởng thành, tài năng của Phan An càng trở nên xuất chúng. Cũng như những người tài cùng thời muốn được thể hiện mình trong giới quan trường, Phan An chính thức bước chân vào lĩnh vực chính trị, tham gia việc triều chính và cũng từ đây, những tai họa khủng khiếp bắt đầu nhắm vào người đàn ông hoàn thiện hoàn mỹ này. Đó là những tai họa mà một người chính trực như chàng không sao có thể lường trước được.
Vì ghen ghét với tài năng tuyệt đỉnh của Phan An và run sợ trước một nhân cách quá lớn, nhiều gian thần, tiểu nhân trong triều không ngừng nghĩ ra những mưu sâu kế độc để hãm hại chàng. Sau khi dùng đủ mọi thủ đoạn lớn nhỏ, thâm độc, hèn hạ để loại trừ "Hoa vương" không thành, cuối cùng, những kẻ sâu mọt của thời đại cũng đã thành công trong việc nhổ đi một cái đinh trên đường thăng tiến của chúng.
Đó là vào khoảng thời gian từ năm 291 đến năm 306, thời Tấn Huệ Đế, triều đình xảy ra cảnh hỗn loạn do các vương nhà Tấn đấu đá, tranh giành quyền lực với nhau cả trong cung đình lẫn ngoài chiến trường dẫn đến cơn loạn Bát Vương. Một số tài liệu dã sử còn chép lại rằng, chính trong cảnh hỗn loạn này, Giả Hậu (Giả Nam Phong), vợ của Tấn Huệ Đế đã cấu kết với bọn loạn thần vu cho Phan An chính là kẻ âm mưu tạo phản, gây ra loạn Bát Vương khiến chàng phải chịu tội tru di tam tộc.
Hoàng hậu Giả Nam Phong, vừa xấu xí vừa đa dâm, tàn ác.
Luật nay: Không thể có chuyện kết tội oan một người, đem ba đời ra giết
Thương thay cho một "Hoa vương" vừa mang vẻ đẹp lạ thường không ai sánh được, vừa sở hữu trí thông minh tuyệt đỉnh, khí phách hơn người nhưng cuối cùng lại phải hứng chịu một kết cục quá bi thương, oan uổng. Nỗi oan của Phan An khiến người ta không khỏi không liên tưởng đến nỗi oan của Nguyễn Trãi trong vụ án "Lệ Chi Viên" chấn động lịch sử Việt Nam thế kỷ XIV.
Hai người tuy sống ở hai nước khác nhau, hai thời đại khác nhau nhưng đều là những nhân cách lớn phải chịu nỗi oan tày trời dẫn đến họa "tru di tam tộc", nỗi đau thấu tận trời xanh. Có lẽ, người đời ngàn năm sau vẫn còn cảm thấy ghê sợ với kiểu hình phạt "tru di tam tộc" được áp dụng trong luật pháp phong kiến thời xưa. Bởi thế mới có chuyện một người phạm tội, cả họ bị chém cùng và nhiều dòng họ cũng vì thế mà bị xóa sổ một cách không thương tiếc trong đó có trường hợp của Phan An.
Theo quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường hợp "Hoa vương" Phan An không bị oan và phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình thì chỉ mình Phan An phải chịu hình phạt này để trả giá cho hành vi phạm tội của mình, ngoài ra những người không liên quan sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Huống chi, Phan An lại bị kẻ xấu vu oan, từ một người thanh liêm, chính trực bỗng trở thành kẻ phản loạn xấu xa, bị khép vào hình phạt "tru di tam tộc", họ hàng gia tộc hàng trăm sinh mạng đều lâm vào cảnh đầu rơi, máu chảy, tiếng oan còn mãi muôn đời.
Càng thương cho chàng Phan An bao nhiêu, người ta càng thấy căm ghét hoàng hậu Giả Nam Phong cùng bè lũ gian thần bấy nhiêu. Qua những giai thoại được lưu truyền trong sử sách, hoàng hậu Giả Nam Phong tức Giả Hậu vốn dĩ là một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn nhưng vì cha của bà là người có công lớn với triều đình nên mới được gả cho thái tử và sau này trở thành hoàng hậu dưới thời Tấn Huệ Đế. Giả Hậu không những xấu xí mà còn vô cùng độc ác, dâm tà, thường xuyên lợi dụng quyền hành để hãm hại người vô tội, những kẻ khiến bà ta không vừa lòng, đặc biệt là Phan An, một vị quan thanh liêm không biết xu nịnh, luồn cúi.
Điểm e, Điều 122 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một đến bảy năm.
Xét trường hợp hoàng hậu Giả Nam Phong cùng đồng bọn không từ thủ đoạn vu khống cho Phan An tội làm phản, gây ra cơn loạn Bát Vương khiến hàng trăm người nhà họ Phan trong phạm vi ba đời đều bị mang ra xử chém, tội ác đó không luật pháp nào dung thứ được. Bà ta cùng đồng bọn phải chịu mức án cao nhất của khung hình phạt. Ngoài ra, chắc chắn Giả Hậu sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm sinh mạng nhà họ Phan.
Dương Dung