Chị em phụ nữ tìm đến phẫu thuật thẩm mĩ để làm bản thân trở nên xinh đẹp và tự tin giao tiếp với mọi người.
Thế nhưng, nếu không có sự tìm hiểu và chủ quan tại các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín thì đẹp chưa thấy đâu, nhưng vào viện nằm với vết thương hoại tử là có thật.
Ngày 24/8, trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị hoại tử vùng mông rất nặng.
Theo thông tin từ Zing.vn, người phụ nữ cho hay, cô đã đi bơm silicon lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác vào vùng mông tại một cơ sở thẩm mỹ.
24 tiếng sau khi tiêm hoá chất, vùng mông của bệnh nhân có hiện tượng căng, cứng và lở loét.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được mổ nạo vét khoảng 2.500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ.
Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, cho hay: "Với trường hợp này, điều chắc chắn là mông của bệnh nhân sẽ biến dạng".
Cách đó ít ngày, chị H. (27 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội) nghe "cô giáo" tiêm mỡ tự thân vào 2 bên rãnh cười để có khuôn mặt tròn đầy và căng bóng.
Thế nhưng, sau khi thực hiện tách ly tâm mỡ, và tiêm vào 2 bên rãnh cười thì mặt chị H. biến dạng, sưng to và có xu hướng tổn thương sâu với các ổ nhiễm trùng loang lổ xuất hiện mủ.
Sau đó chị H. đã đến viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, chị H. được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm mỡ tự thân làm đẹp, vết thương xuất hiện 2 vi khuẩn và 1 nấm.
Sau khi chuyển về bệnh viện 108 và được chữa trị 2 tuần, trên mặt chị H. có 4 vết rạch 2cm để thoát mủ.
Không chỉ bị nhiễm tụ cầu, các bác sĩ nghi chị bị nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore với diễn biến phức tạp cùng thời gian chữa trị lâu dài.
Hồi đầu tháng 1, chị Nguyễn Thị Thanh T. (25 tuổi) thực hiện tiêm silicone lỏng do một người không có chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ ở TP.HCM thực hiện.
Nhiều ngày sau, vùng mông của chị T. xuất hiện nhiều ổ áp-xe khiến chị T. không nằm và cũng không ngồi được. Điều đó khiến chị T. bắt buộc phải đến bệnh viện E để xử lý và điều trị để tránh biến chứng sau này.
Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh tiêm mỡ tự thân, tiêm filler hay silicon là phương pháp làm đẹp chiều lòng nhiều chị em phụ nữ và cả cánh mày râu.
Nhiều chất làm đầy được bán trên thị trường, nhưng chỉ một số ít được bộ Y tế cho phép sử dụng. Một số thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận, đã dùng chất bị cấm. Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền được sử dụng nhiều nhất.
Trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi tiêm vào cơ thể chúng trở thành chất độc có thể khiến khuôn mặt của bệnh nhân biến dạng, nhiễm trùng huyết, tắc phổi, hoại tử thậm chí có thể bị cắt bỏ.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lâm khuyến cáo: "Trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý thành phần ghi trên vỏ thuốc, cụ thể là HA (acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon, tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, chị em cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam".
Minh Anh (Tổng hợp)