Gánh một quá khứ tội lỗi, phải trả giá bằng hơn 10 năm trong tù nhưng bằng những công việc lao động chân chính, người đàn ông ấy đã có một cuộc sống mới ở chính mảnh đất từng giam cầm mình. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tư (SN 1959, ngụ thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Tổ ấm của anh Tư |
Quá khứ lầm lạc
Nguyễn Văn Tư được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Tiền Giang. Chàng trai miền sông nước này có một tuổi thơ “dữ dội” khi phải bươn trải ngoài xã hội từ rất sớm. Do nghèo đói dẫn lối cùng với việc còn quá trẻ nên Tư đã lầm đường lạc lối hai lần khi còn chưa bước qua tuổi 20. Đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Tư đã mang trên mình hai tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Năm 1979, sau khi cải tạo lần hai về nhà, chàng trai này quyết định lấy vợ và bắt đầu làm lại cuộc đời.
Thế nhưng có gia đình riêng rồi thì cuộc sống cũng chẳng khá khẩm hơn, đã vậy áp lực trên vai Tư còn nặng nề hơn gấp bội. Chẳng biết làm thế nào để gia đình đỡ khổ, gã lang thang nay đây mai đó để kiếm kế mưu sinh. Loay hoay lo chuyện cơm áo gạo tiền một thời gian, lúc bần cùng, Tư lại “ngựa quen đường cũ”.
Đầu năm 1980, trong một lần “hành nghề trộm cướp” ở địa phận tỉnh Đồng Nai, gã trai trẻ tuổi này đã ra tay cướp của một lái buôn người Hoa trên một đoạn đường vắng. Nạn nhân chống cự quyết liệt, bị Tư sát hại. Gây án xong, Tư định trốn sang Campuchia nhiều lần nhưng không được.
Trong gần 1 năm Tư sống chui lủi, trốn tránh pháp luật, lúc này ở quê, vợ Tư đã sinh con nhỏ. Tình cảm cha con níu kéo, Tư nôn nóng về thăm vợ con và bị bắt.
Cuối năm 1980, Nguyễn Văn Tư bị tuyên án 15 năm tù giam. Khi thụ án, Tư phải trải qua nhiều lần chuyển trại, cuối cùng về Trại giam A20 (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Gã cũng chẳng ngờ được rằng đây chính là mảnh đất để gã gắn bó cả đời sau này.
Bước vào trại giam A20 năm 1983, 1 năm sau Tư nghe tin dữ từ người mẹ già lên thăm: Vợ gã đã đi lấy chồng khác và đã sang Singapore sống. Đau khổ tột cùng, gã bắt đầu có tư tưởng bất cần trong trại giam. Thời gian này, những giám thị Trại giam Xuân Phước nhận thấy sự thay đổi tiêu cực trong tâm lý của Tư nên đã rất nhẹ nhàng khuyên bảo, giáo huấn.
Những ngày sau đó, Tư ngồi trong tù suy nghĩ về những hành động nông nổi của mình, gã thấy mình còn trẻ, còn cơ hội làm lại cuộc đời. Để không làm khổ ai sau này nữa chỉ có cách là cải tạo cho tốt. Nghĩ là làm, Tư hoàn thành tốt tất cả các công việc mà cán bộ quản giáo giao cho.
Mối lương duyên hiếm có
Thời gian qua đi, nhờ chấp hành tốt mọi nội quy nên Tư được cán bộ Trại giam A20 tin tưởng giao cho nhiệm vụ chạy máy phát điện, coi bò, coi kho - những mục việc nhẹ nhàng mà nhiều phạm nhân mơ ước. Thường thì những phạm nhân cải tạo tốt, trước khi ra tù 1-2 năm các cán bộ trại giam sẽ xem xét cho ra ngoài lao động tự giác.
Vì Tư có ý thức cải tạo tốt nên năm 1988, 1989 được ra ngoài lao động tự giác mà không cần sự quản thúc của cán bộ trại giam. Trong những lần đi mua đồ ở ngoài trại giam, Tư đã quen một thôn nữ địa phương là chị Hồ Thị Bích Phương (SN 1966).
Vì ăn nói có duyên, nét mặt và ngoại hình ưa nhìn nên Tư nhanh chóng chiếm được cảm tình của chị Phương. Không để tâm đến thân phận của Tư, chị đã yêu Tư lúc nào không hay. Tư cũng vậy, dần dà anh ta cũng coi việc được gặp, được nói chuyện với chị Phương là một thói quen, một niềm vui không thể thiếu. Quen nhau được 3 năm thì tình yêu của cả hai người đã trở nên rất thắm thiết. Những buổi chăn bò, chặt củi biến thành những buổi hẹn hò của đôi uyên ương này.
Và mặc dù anh Tư chưa mãn hạn tù, thế nhưng hai người đã ăn “trái cấm” tình yêu. Kết quả là năm 1991, một bé trai ra đời với nhiều điều tiếng. Vì yêu và tin tưởng anh Tư mà chị Phương một mình sinh con trong sự dị nghị, thậm chí là khinh ghét của nhiều người, trong đó có cả bà Hồ Thị Đợi, mẹ của chị. Cha chị Phương là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà chỉ có 2 mẹ con nên bà Đợi hết mực thương chị.
Cũng vì truyền thống vẻ vang của gia đình, đương nhiên khi biết con gái mình qua lại với một tù nhân, bà Đợi đã phản đối kịch liệt. Chẳng thế mà khi chị sinh cháu, vì không chịu nổi điều tiếng, bà đã đuổi Phương ra khỏi nhà. Bên ngoài quyết liệt là thế, ít ai biết bà nhờ em trai mình dựng lều ở cánh đồng gần nhà để con gái có chỗ ở tạm.
Tư biết mình “lên chức bố” thì vừa mừng nhưng cũng vừa thương chị Phương. Đặc biệt là khi chị Phương phải ôm con thơ ra chòi tạm để ở, sống một cuộc sống thiếu thốn. Mỗi lần ra ngoài lao động, anh Tư đều tranh thủ ghé thăm vợ con. Cũng may, 1 năm sau Tư được đặc xá ra tù trước thời hạn. Đây cũng là thời điểm để anh bắt đầu đáp đền tình yêu của chị Phương dành cho mình.
Vào tù từ năm 21 tuổi, khi ra trại đã ngoài 30. Có được một gia đình lúc này là điều cực kỳ may mắn đối với Tư, và anh đã hạ quyết tâm làm lại cuộc đời ở mảnh đất có nhiều duyên nợ này.
Anh Tư bên vợ |
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Khi vừa được chính thức bước chân ra khỏi nhà tù, anh Tư đã chạy như bay đến thăm vợ con ở túp lều tạm. Với tâm thế là người tự do, anh ôm vợ con vào lòng mà vui mừng khôn tả. Chị Phương cũng rất hạnh phúc, những giọt nước mắt tủi cực lăn lúc nào không hay.
Nhưng vui mừng chưa được bao lâu thì chị Phương lại rơi vào tâm trạng phập phồng lo lắng. Anh Tư nói mình phải về Tiền Giang để lo liệu mọi việc. Phải ở hoàn cảnh của chị Phương mới biết, 1 tuần chờ đợi lúc này chẳng khác nào đánh cược trong canh bạc cuộc đời. Bởi có người nói có thể anh Tư ra đi sẽ không quay trở lại nữa, chị cũng chẳng biết địa chỉ anh ở đâu mà tìm.
Nhưng tình yêu nơi người thiếu phụ ấy đã được đền đáp. Đúng 1 tuần sau, anh dẫn người thân về Phú Yên để hỏi cưới chị.
Tư sinh sống ở Xuân Phước được một thời gian thì có quy định không cho phạm nhân ra trại được định cư ở đây nên anh phải nhờ đến lãnh đạo Trại giam A20 đã đứng ra bảo lãnh cho mình ở lại. Sau này, Tư là một trong những phạm nhận ra trại đầu tiên được nhập khẩu ở Xuân Phước.
Khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình, đôi vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Anh Tư dồn hết vốn liếng để mua một chiếc xe máy để làm nghề xe ôm. Thời gian ấy, cả xã Xuân Phước mới có lèo tèo vài chiếc xe máy, người trong xã mỗi khi có việc đi đâu hay ốm đau nhờ anh Tư đưa đi. Anh Tư đưa người bệnh trong xã lên phòng khám ở bệnh viện huyện đến mức bác sỹ trực quen mặt.
Đến khi anh đưa vợ đi đẻ đứa thứ 3, thứ 4 bác sỹ còn tưởng anh đi chở người làng. Người cùng thôn cùng làng quý trọng anh Tư ở điểm hễ ai bị ốm đau bệnh tật mà phải đi cấp cứu kể cả đêm hôm thì anh đều đưa đi mà không lấy một đồng tiền công.
Bà Đợi mẹ chị Phương cũng đã dần dần chấp nhận con rể và các cháu, bà còn cho con gái và con rể ít đất ruộng để làm ăn. Tuy nhiên, anh Tư nhận thấy không thể chỉ bám vào ruộng đất mà có thể khấm khá lên được, anh bàn với vợ vay thêm tiền của bà con họ hàng và của cán bộ trại, mua đất, xây dựng ngôi nhà ngay trên con phố chính gần cổng Trại giam A20 để buôn bán.
Vợ chồng anh được lãnh đạo trại tin tưởng giao cho việc cung cấp nhu yếu phẩm. Nhờ đó họ đã trả hết nợ, gả chồng cho con gái, chu cấp cho con trai học đại học ở Quy Nhơn. Khách hỏi vui, “sao anh không đưa chị về Tiền Giang sinh sống?”. Anh cười: “Có vợ con rồi về làm chi nữa”.
Trong những câu chuyện tưởng như kể mãi không hết của người đàn ông Nam bộ này, chúng tôi biết, tình yêu chính là thứ kết nối anh với mảnh “đất lành” nơi đây.
Theo Pháp luật Việt Nam