Ngày 15/11, Hội nghị Tòa Trọng tài thường trực Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Hội Luật quốc tế Việt Nam đồng tổ chức.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, thành viên thường trực Ban Biên tập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại sửa đổi, đã trình bày một số nội dung quan trọng liên quan đến thực tiễn phát triển và những định hướng lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài thương mại (TTTM) thời gian tới.
Bước phát triển của hoạt động TTTM
Theo đó, hơn 10 năm qua, trọng tài thương mại của Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, với 44 Trung tâm Trọng tài thương mại và hơn 700 Trọng tài viên bao gồm cả các chuyên gia nước ngoài. Số vụ việc giải quyết bằng trọng tài ngày càng tăng cả về giá trị, số lượng (tăng khoảng gần 10 lần), lĩnh vực đa dạng.
“Điều này cho thấy Luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010 là đạo luật có chất lượng tốt, phù hợp trong việc thực hiện trong suốt giai đoạn vừa qua”, ông Huệ nói đồng thời phân tích kỹ 6 phương diện nổi bật của đạo luật này.
Thứ nhất, Luật Trọng tài thương mại đã tiếp thu các nguyên tắc quan trọng của Luật Mẫu UNCITRAL, tạo ra một khuôn khổ tương đối thuận lợi cho sự phát triển của phương thức trọng tài. Các quy định trọng Luật Trọng tài thương mại về cơ bản đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài tại Việt Nam và tương đồng với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế.
Thứ hai, Luật Trọng tài thương mại tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Đây là nguyên tắc cơ bản của phương thức trọng tài, được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài; các bên có quyền tự do thỏa thuận về thủ tục tố tụng.
Thứ ba, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại được mở rộng hơn so với quy định trước đây (Pháp lệnh năm 2003), bao gồm các hoạt động kinh doanh, thương mại và các quan hệ khác được pháp luật (các đạo luật chuyên ngành) ghi nhận cũng thuộc thẩm quyền của Trọng tài.
Thứ tư, Luật Trọng tài thương mại đã quy định rõ về vai trò của Tòa án trong hỗ trợ và giám sát đối với hoạt động trọng tài. Cụ thể hoạt động hỗ trợ bao gồm: thành lập hội đồng trọng tài vụ việc, giải quyết yêu cầu thay đổi Trọng tài viên, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hoạt động giám sát bao gồm: giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Thứ năm, Luật Trọng tài thương mại xác lập nguyên tắc mất quyền phản đối, theo đó, nếu một bên phát hiện có vi phạm về tố tụng hoặc pháp luật trọng tài thì bên đó buộc phải nêu ra trong giai đoạn tố tụng trọng tài, nếu không sẽ bị mất quyền phản đối tại Tòa án. Quy định này nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả các hành vi cơ hội trong tố tụng trọng tài
Thứ sáu, Luật Trọng tài thương mại mở rộng thẩm quyền cho hội đồng trọng tài, giúp quá trình tố tụng hiệu quả hơn. Theo đó, Hội đồng trọng tài được triệu tập nhân chứng; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; Thẩm quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại, bản tự bảo vệ trong trường hợp có sự lạm dụng nhằm gây khó khăn cho việc ra phán quyết trọng tài.
Xây dựng thiết chế TTTM đáp ứng nhu cầu phát triển mới
Trình bày thêm về những thay đổi quan trọng trong việc sửa đổi Luật trọng tài thương mại sắp tới, ông Nguyễn Văn Huệ cho biết với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy trọng tài thương mại phát triển theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã có bước nghiên cứu, rà soát quá trình thi hành Luật Trọng tài thương mại và nhiệm vụ của việc sửa đổi lần này, sẽ phải khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 sau hơn 12 năm thi hành.
“Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu và việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang là xu thế phổ biến, như vậy đòi hỏi phải xây dựng được thiết chế trọng tài thương mại đáp ứng được các nhu cầu mới đó. Chúng tôi đặt tham vọng là xây dựng được đạo luật mà từ đó trọng tài thương mại hoạt động hiệu quả hơn; tiếp cận tối đa các chuẩn mực quốc tế”, ông Huệ khẳng định.
Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại trong lần sửa đổi này cũng được nhấn mạnh phải hài hòa với luật về trọng tài thương mại các nước có thiết chế trọng tài phát triển; từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn trọng tài trong giải quyết tranh chấp và Việt Nam phải xây dựng được trọng tài thương mại đủ khả năng cạnh tranh với các tổ chức trọng tài phát triển khác ít nhất là trong khu vực.
Trên cơ sở nhận thức đó, đại diện Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ ra một số định hướng lớn, quan trọng nhất của việc sửa đổi đạo luật lần này.
Một là mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại với nghĩa thương mại mở rộng. Điều này không chỉ giúp trọng tài thương mại phát triển mà còn giúp người dân, doanh nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện quy định về thủ tục tố tụng trọng tài và mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài để trọng tài thực sự là thiết chế hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, Luật Mẫu và thông lệ quốc tế.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, đặc biệt là quy định về hủy phán quyết trọng tài một cách rõ ràng, minh bạch, phù hợp hơn. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy trọng tài nước ta phát triển mạnh mẽ.
“Nhóm xây dựng hồ sơ chúng tôi quan niệm, việc hoàn thiện Luật như là việc chúng ta đang xây dựng một con đường để mọi người cùng đi. Vậy thì con đường đó phải được thiết kế như thế nào để phù hợp không chỉ riêng cho chúng ta mà phải phù hợp cho cả bạn bè, đối tác, nhất là phải chứa đựng những tầm nhìn mang tính lâu dài. Do vậy, trong quá trình xây dựng Luật chúng tôi sẽ căn cứ vào Luật Mẫu và cả không gian chính sách, kinh tế, chính trị Việt Nam, đảm bảo yếu tố hài hòa, phổ quát và phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Huệ khẳng định.