Ngày 27/3, TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (trú tổ 202, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội Vô ý gây tổn hại sức khỏe của người khác. Phiên tòa xét xử được ông Trần Hữu Vinh, Chủ tọa, Thẩm phán phiên tòa tạm dừng vào lúc 10h sáng.
Vị thẩm phán thông báo phiên tòa sẽ tiếp tục vào 13h30 cùng ngày. Tuy nhiên vào giữa trưa cùng ngày, ông Vinh gọi điện thoại cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại thông báo dừng phiên tòa xét xử. Phía gia đình chỉ biết thông tin từ luật sư chứ không phải từ HĐXX.
Liên quan đến câu chuyện hoãn tòa bằng một cú điện thoại giữa trưa khiến nhiều chuyên gia pháp lý tỏ ra ái ngại về cách làm việc vi phạm luật của vị chủ tọa kia.
Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương I, Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng: “Việc chủ tọa phiên tòa gọi điện thoại hoãn phiên tòa là bất thường, vi phạm Luật tố tụng hình sự. Là người cầm cân nảy mực, người nắm rõ luật pháp mà lại vi phạm luật pháp là không chấp nhận được, như thế làm sao xét xử được. Luật tố tụng Hình sự đã quy định rất rõ, muốn dừng hay hoãn xử phiên tòa hội đồng xét xử phải công khai công bố tại phòng xét xử và có lý do rõ ràng trước sự có mặt của các bên liên quan”.
Ông Phan Xuân Xiểm cũng nhận định: “Cần phải xem việc gọi điện thoại hoãn phiên tòa có gì bất thường. Người dân hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi nghi vấn về động cơ mục đích của việc hoãn xử này. Mà điểm bất thường ở đây chính là người thông báo hoãn xử phiên tòa qua điện thoại. Đây rõ ràng là việc làm rất tùy tiện, vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Cùng quan điểm, TS. Vũ Gia Lâm, Trưởng bộ môn Luật Hình sự (trường ĐH Luật Hà Nội) phân tích: “Luật hiện hành quy định rất rõ, nếu hội đồng xét xử hoãn hay dừng phiên tòa thì phải họp hội đồng và công bố quyết định tại phiên tòa. Quyết định hoãn hay dừng, hội đồng xét xử sẽ phải thảo luận, nhưng không nhất thiết phải bằng văn bản, có thể công bố miệng ngay tại phiên tòa với đầy đủ lý do, thời gian dừng, hoãn rõ ràng.
Trong đó, luật quy định rất rõ, trường hợp nào được hoãn, dừng phiên tòa như người tham gia tố tụng vắng mặt, người tiến hành tố tụng vắng mặt… Trong trường hợp, người tiến hành tố tụng không bị thay đổi, bị cáo cũng có mặt, người tham gia tố tụng cũng có mặt thì lý do gì tòa hoãn cần làm rõ”.
TS. Vũ Gia Lâm cho rằng: “Trong vụ án này, kết thúc thời gian xét xử buổi sáng, hội đồng xét xử tiếp tục thông báo chiều tiếp tục xét xử mà lại thông báo hoãn phiên tòa qua điện thoại là sai, vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự. Các bên có liên quan như bị hại có thể khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn để xác định lý do hoãn, thời hạn hoãn ra sao. Hội đồng xét xử công bố hoãn, chứ không phải cá nhân chủ tọa quyết định. Nếu chủ tọa phiên tòa gọi điện thông báo hoãn là mang tính chất cá nhân vị này chứ không phải hội đồng và như vậy cũng sai”.
Trong khi đó, ông Triệu Viết Hanh, nguyên Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai cũng chỉ ra: “Hoãn hay dừng xét xử phải do hội đồng xét xử công bố một cách công khai và có lý do cụ thể. Trường hợp chỉ có thông tin qua điện thoại báo hoãn là sai luật tố tụng Hình sự. Không có quy định nào thông báo tạm hoãn, dừng phiên tòa qua điện thoại cả, trường hợp này bên bị hại có thể khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn”.
Phương Sơn