Hoãn tuyên vụ An Lạc khởi kiện siêu thị Auchan: Phát sinh yêu cầu hoàn trả mặt bằng thuê

Hoãn tuyên vụ An Lạc khởi kiện siêu thị Auchan: Phát sinh yêu cầu hoàn trả mặt bằng thuê

Trần Thanh Thắng

Trần Thanh Thắng

Thứ 7, 05/09/2020 11:31

Thay vì tuyên án như dự kiến, HĐXX TAND Q.10 (TP.HCM) quay lại phần xét hỏi và tranh luận xung quanh yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn.

Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm và nghị án kéo dài, chiều 4/9, thay vì tuyên án như dự kiến, HĐXX TAND Q.10 (TP.HCM) quay lại phần xét hỏi và tranh luận xung quanh yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn, liên quan đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng” giữa Công ty TNHH Thương Mại Tổng Hợp An Lạc (gọi tắt là Công ty An Lạc, chủ mặt bằng thuê) và Công ty TNHH MTV Marone (gọi tắt là Công ty Marone, bên khai thác mặt bằng thuê dưới thương hiệu siêu thị Auchan).

Xã hội - Hoãn tuyên vụ An Lạc khởi kiện siêu thị Auchan: Phát sinh yêu cầu hoàn trả mặt bằng thuê

Khung cảnh tại phiên tòa.

Theo đó, HĐXX cho biết, tại tòa, nguyên đơn có yêu cầu bổ sung đề nghị bị đơn bàn giao lại mặt 332 Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho nguyên đơn.

Trình bày về yêu cầu bổ sung này, đại diện nguyên đơn nêu theo yêu cầu khởi kiện ban đầu, có nội dung về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê, vì vậy nguyên đơn đòi bồi thường hơn 108 tỉ đồng. “Hợp đồng chấm dứt thì đương nhiên phải giao trả lại mặt bằng. Đây không phải là yêu cầu mới, mà được cụ thể hóa từ yêu cầu ban đầu”, đại diện nguyên đơn nêu.

Tuy nhiên, luật sư Công ty Marone cho rằng yêu cầu bổ sung của nguyên đơn được đưa ra sau khi tòa mở phiên họp công khai chứng cứ. Và yêu cầu bị đơn trao trả mặt bằng vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên đề nghị HĐXX không chấp nhận.

Trước đó, sau phần tranh luận giữa các bên, sáng 27/8 đại diện Viện KSND Q.10 (VKS) phát biểu ý kiến, đề nghị TAND Q.10 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Marone có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty An Lạc một khoản tiền tương ứng trong thời gian còn lại của hợp đồng, hơn 108 tỉ đồng.

Theo VKS bị đơn đã vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng là Điều 14, về mục đích thuê của bên thuê là phát triển siêu thị tại mặt bằng và cho thuê lại một phần diện tích.

Tuy nhiên, khi hợp đồng thuê đang trong giai đoạn 1 (5 năm đầu của hợp đồng thuê 20 năm, từ 2017 – 2037) thì tập đoàn Auchan bất ngờ công bố việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bán lẻ tại thị trường Việt Nam và rút toàn bộ vốn về nước; đồng thời Công ty Marone có văn bản đề xuất chấm dứt hợp đồng thuê.

Theo VKS, từ những thư gửi đề xuất của Công ty Marone thể hiện ý chí mong muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn với nguyên đơn từ ngày 21/1/2019. Đồng thời việc đóng cửa siêu thị Auchan là có thật, đã được tòa án lập biên bản vào năm 2019 và nguyên đơn yêu cầu lập vi bằng vào tháng 8/2020.

Ngoài ra, theo VKS, theo hợp đồng giữa các bên, bị đơn chỉ được quyền chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của mình cho bên thứ 3 khi bên thứ 3 là công ty thành viên/công ty liên kết của bên thuê.

Hơn nữa, việc địa điểm thuê 332 Lũy Bán Bích là thỏa thuận hợp tác độc quyền và chỉ định giữa Công ty Marc (chủ sở hữu bị đơn) và nguyên đơn. Vì vậy, bị đơn không sử dụng mặt bằng để kinh doanh siêu thị dưới hình thức công ty con hoặc chi nhánh của công ty con của Công ty Marc thì phía nguyên đơn cũng không thể đạt mục đích kinh tế từ việc cho thuê mặt bằng.

Từ những vi phạm của Công ty Marone, VKS đề nghị HĐXX tuyên bố chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng và buộc bị đơn phải bàn giao lại mặt bằng cho nguyên đơn. 

Đồng thời, theo VKS, hợp đồng phải chấm dứt trước hạn do lỗi của bị đơn, nên theo thỏa thuận tại điểm b mục 23.2 của hợp đồng thuê mặt bằng “nếu bên thuê chấm dứt hợp đồng thuê tại bất kỳ thời thời điểm nào trong mỗi giai đoạn thuê 5 năm của mỗi đợt thanh toán, bên thuê phải trả một khoản tiền tương ứng với giá trị thuê của tổng thời hạn thuê còn lại của hợp đồng thuê (có nghĩa là đến năm 2037). Tiền đặt cọc và tiền thuê chưa sử dụng của bên thuê sẽ được khấu trừ vào khoản đền bù này.

Theo VKS, khoản đền bù này các bên thỏa thuận, không ép buộc, không vi phạm quy định pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội, được luật Thương mại ghi nhận. Đồng thời, khoản đền bù này là khoản lợi trực tiếp mà đương nhiên nguyên đơn được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng từ bị đơn. Từ đó, bị đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho nguyên đơn một khoản tiền tương ứng trong thời gian còn lại của hợp đồng, hơn 108 tỉ đồng.

HẢI THANH

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.