Là một quần thể di tích bê tông đổ nát, nơi đây đã từng là nơi ở của hàng nghìn công nhân hầm mỏ những năm 1950 đến những năm 1970 của thế kỷ trước. Và, theo tiết lộ của giới làm phim Hollywood thì hòn đảo này là một trong những nơi được lấy làm bối cảnh chính cho bộ phim Skyfall, tập mới nhất của loạt phim 007. Khung cảnh của nó được lấy làm hang ổ của tên khủng bố Raoul Silva trong phim.
Hòn đảo không một bóng người
Bị "đóng cửa" từ năm 1974 (của thế kỷ trước), hòn đảo với những ngọn tháp và những khu nhà bê tông đổ nát trước kia là chỗ ở của hàng nghìn người thợ mỏ trở thành bí ẩn. Nó là một trong những nơi lạ lùng nhất thế giới và rất đáng để khám phá, thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều này. Cách bờ biển Nhật Bản khoảng 17km về phía Tây, hòn đảo toát ra một vẻ u ám, hoang vắng đến rợn người. Tuy đã mở cửa cho khách đến tham quan từ 4 năm về trước, nhưng cần phải có giấy phép đặc biệt từ Hội đồng thành phố Nagasaki, du khách mới được phép đặt chân đến viếng thăm hòn đảo này.
Đảo Hashima trông giống như một pháo đài kiên cố
Do các công trình xây dựng trên đảo đã quá cũ nát và yếu ớt, vì vậy du khách đến thăm được đi trên một con đường vòng quanh đảo đã được vạch sẵn xung quanh các tòa nhà bê tông bỏ hoang rồi leo lên một đỉnh tháp được gọi là "Nấc thang dẫn lối tới địa ngục" để có thể ngắm nhìn toàn cảnh vẻ điêu tàn của hòn đảo từ trên cao. Cảnh tan hoang của hòn đảo dường như không thể thê lương hơn được nữa. Bão và nước biển đã tàn phá hết những tòa nhà làm bằng bê tông, xưởng rèn đã bị đánh chìm xuống dưới đáy biển, những tòa nhà bị phô ra phần khung kiến trúc bên trong của nó.
Tất cả những cảnh tượng đó rất ám ảnh du khách về một thời kỳ điêu tàn đã qua ở đây và về một thời sống khắc nghiệt đến nghiệt ngã của những người công nhân. Những tấm gỗ lát, xưa kia dùng để tạo dáng cho ban công, bị gió thổi tung và dồn lại vào một góc trên đảo thành một đống gỗ lớn. Tuy nhiên, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn này lại khá quen thuộc đối với những người hâm mộ chàng điệp viên điển trai Jame Bond cùng loạt phim 007 nổi tiếng.
Hashima chính là nguồn cảm hứng và được xây dựng làm nơi trú ẩn của nhân vật phản diện trong tập phim 007 mới nhất Skyfall. Sân của tòa nhà được đánh số 65 là nơi mà cô gái, bạn đồng hành trong phim của Jame Bond bị bắt giữ và gặp phải một kết cục đáng buồn. Tuy nhiên trên thực tế, theo Hội đồng thành phố Nagasaki, trước khi bộ phim này khởi quay, một vài người trong đoàn làm phim đã đến hòn đảo để đo đạc và quyết định rằng nơi đây đã quá cũ và nguy hiểm cho đoàn làm phim. Do vậy, một phiên bản khá giống của Hashima đã được dựng lại tại phim trường Pinewood thay vì quay trực tiếp tại hòn đảo.
Hashima trong ký ức của những cư dân cũ
Quay trở về lịch sử, vào năm 1887 (thế kỷ XIX), than đá được phát hiện tại đây và hầm mỏ đầu tiên được xây dựng. Sau đó, các công trình xây dựng dần mọc lên và hòn đảo cũng trở nên đông đúc người hơn. Ba năm sau, tập đoàn công nghệ khổng lồ Mitsubishi của Nhật Bản mua lại Hashima, biến nó thành công trường khai thác than, xây dựng nhà cửa cho công nhân hầm lò và chuyển gia đình của họ ra đảo. Đảo dần được mở rộng khi nhu cầu về than đá của Nhật Bản tăng lên. Các tòa nhà cao tầng được xây dựng và hàng loạt các lô đất trên đảo được cải tạo.
Hideo Kaji là một cư dân được sinh ra trên đảo Hashima vào năm 1932 (của thế kỷ trước). Ông nhớ lại: "Thời đó trên đảo không có đến một bụi cây, không có hoa. Chúng tôi thậm chí không biết đến màu của một bông hoa anh đào nở. Mặc dù bây giờ cỏ dại đã mọc khắp nơi trên đảo Hashima, trên mái nhà và ban công của các công trình cốt thép, nhưng thời đó, lũ trẻ sinh ra trên đảo, phân biệt các mùa trong năm với nhau chỉ bằng cách lắng nghe tiếng gió thổi hoặc nhìn vào màu sắc của trời và biển". Thời thơ ấu của ông Kaji là một giai đoạn ảm đạm của đảo Hashima.
Trong thế chiến thứ 2, giống như nhiều khu công nghiệp khác của Nhật Bản, Hashima là điểm tập kết của các tù nhân chiến tranh. Họ đến đây để lao động. Trong kí ức của những đứa trẻ như ông Kaji, thời đó, một số tù nhân bị giam ở phía Nam hòn đảo, là nơi trước đó, lũ trẻ dùng làm sân chơi bóng chày. Lúc đó, ông đã rất khó chịu vì nghĩ rằng, họ (tù nhân) đã chiếm chỗ chơi của ông và các bạn. Tuy nhiên sau khi chiến tranh kết thúc, ông mới biết rằng, họ (tù nhân) đã bị bắt buộc làm việc tại đó.
Ông Kaji chỉ ở lại trên đảo cho đến năm 1974 khi mỏ than đóng cửa. Xăng và dầu đã thay thế dần cho than đá và là nguồn nguyên liệu chính ở Nhật Bản. Công ty Misubitshi kéo ra khỏi đảo, công nhân trên đảo tìm được việc làm trên đất liền, đảo Hashima dần trở nên hoang tàn và đổ nát. Nhưng đối với ông Kaji và nhiều người khác đã từng sống trên đảo, họ sẽ luôn nhớ tới cảnh tượng đông đúc đã từng có trên hòn đảo này. Và, họ sẽ luôn nhớ tới Hashima như là một nơi đã từng là một đầu máy công nghiệp của Nhật Bản thay vì là nơi đã từng dùng để giam giữ tù nhân chiến tranh.
Ông Komoji Kobata cũng từng sinh sống trên đảo vào năm 1961 (thế kỷ XX). Hiện, ông làm cho một công ty khai thác tour du lịch đưa du khách tới thăm đảo Hashima. Ông Kobata thuộc từng ngõ ngách và đường ngang, rẽ dọc trên đảo. Ông biết đến cả những chỗ dân dã và thông dụng nhất trên đảo thời Hashima còn đông đúc. Ông có thể chỉ ra đâu là chỗ tắm giặt của thợ mỏ mà nước ở đó luôn đen kịt vì họ thường mặc luôn quần áo nhảy vào bể tắm sau một ngày làm việc dài như bất tận. Những chỗ gần các bức tường kiên cố xung quanh đảo được các đôi tình nhân chọn làm chỗ hò hẹn và ngắm mặt trời lặn khi màn đêm buông xuống.
Vào năm 1959 (thế kỷ XX), Hashima là một trong những nơi đông dân cư nhất trên thế giới với mật độ dân số lên tới 5.259 người trên 16 mẫu (đơn vị đo đạc của Anh). Ông chia sẻ: "Thời điểm đó, nơi đây làm tôi liên tưởng tới Hồng Kông (Trung Quốc). Dân cư ở đây thời đó rất đông đúc. Những lúc nấu ăn, họ thường rất vui vẻ và ồn ào. Các bà vợ thường mượn nhau gia vị hoặc trao đổi món ăn họ nấu. Các hộ gia đình sống với nhau rất thân thiết, không gia đình nào khóa cửa".
Hồng Minh CNN)