"Tiếng lành" đồn xa, chuyện hết sức hoang đường này được truyền tụng khắp nơi và hàng ngày có hàng trăm người bệnh tìm về mong "nữ thần" rủ lòng "cứu nhân độ thế".
“Điện thờ” rất khang trang của bà Thủy.
Niềm tin hoang đường vào "người trời"
Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm đến xã Trung Thành để được mở mang về tài chữa bệnh của bà Thủy. Đang cách nhà của "lương y nữ thần" chừng 10 cây số nhưng khi chúng tôi hỏi đường thì một bà cụ đã chỉ rành rọt. Là một vùng quê thuần nông vốn rất yên bình của xứ Nghệ, nhưng từ khi xuất hiện phương thuốc chữa bệnh hoang đường bằng nước lã của bà Thủy thì cuộc sống của người dân nơi đây dường như bị đảo lộn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc này bắt nguồn từ sự khác thường của người đàn bà chuyên nghề làm ruộng ở thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Năm 2000, bà Nguyễn Thị Điền (SN 1960) trú tại địa chỉ trên bị ốm nặng. Không biết lý do gì đến năm 2001, bà Điền khỏi bệnh. Ngay sau đó bà này có nhiều biểu hiện không bình thường và ngồi ở nhà viết sách khác thường như: Bàn thờ người Đại Việt, Đại pháp cầu an, Đại pháp đoàn tràng tu gia... rồi lập bàn thờ thần thánh, tổ chức làm lễ và hành nghề chữa bệnh tại nhà. Trong thời gian này, bà Điền đã thu nhận được khá nhiều tín đồ, tổ chức truyền đạo và cho rằng mình có thể chữa được cả bệnh ung thư.
Được biết, câu chuyện về tài chữa bách bệnh bằng... nước lã của bà Thủy cũng có liên quan đến việc hành nghề chữa bệnh của bà Điền. Bà Trần Thị Thủy sinh ra và lớn lên tại xã Trung Thành. Lớn lên, bà lấy chồng rồi về Nam Định. Kinh tế khó khăn nên đã có một thời gian, bà Thủy đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ, nhưng công việc không ổn định nên phải về quê sinh sống. Cuộc sống của bà Thủy cũng không có gì đặc biệt, cũng chân lấm tay bùn với góc ruộng, mảnh vườn. Thế nhưng thời gian này, khi sống bên gia đình nhà chồng ở Nam Định, bà ta có theo và thờ cúng một đạo rất lạ. Sau khi bố mẹ ốm nặng, bà ta về quê chăm sóc, và bắt đầu truyền bá tà đạo ở quê mình.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân, Trần Thị Thủy cùng các tín đồ đã tuyên truyền ấn phẩm và lôi kéo gia nhập tà đạo, một thứ tà đạo nhảm nhí chưa được các cơ quan chức năng cho phép, cũng như chưa hề báo cáo chính quyền địa phương đã lan rộng ra một số xã như Trung Thành, Nam Thành, Bắc Thành... (Yên Thành). Nhóm người này cũng rầm rộ kêu gọi mọi người đóng góp tiền của mua ấn phẩm và công đức xây dựng điện thờ.
Nhiều chị em vì quá mê tín đã bán thóc gạo và lợn gà để đi lễ bái và mua tài liệu ấn phẩm hết hàng triệu đồng. Theo thống kê của địa phương, chỉ tính riêng 3 xã nói trên đã có tới gần 100 người theo tà đạo này, rất đông trong đó có nhiều cán bộ về hưu, đảng viên, và giáo viên mầm non... số còn lại là các hộ nông dân làm ruộng và buôn bán nhỏ.
Mới nhìn qua, người phụ nữ này trông rất thông minh, nhanh nhẹn và hoạt bát. Dáng người nhỏ nhắn, và đặc biệt là ông trời ban cho bà ta khả năng ăn nói rất lưu loát. Đã có rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin bị người phụ nữ này lôi kéo. Một người phụ nữ chừng 55 tuổi đang được bà Thủy khám bệnh và bốc thuốc. Nghe đâu chị này bị ung thư vú, chạy chữa đã mấy năm tốn kém nhưng không mang lại hiệu quả. Đến đây, "nữ thần" chỉ cần đặt ba chén nước lã lên bàn thờ và đọc kinh cầu khấn. Sau một hồi lẩm bẩm, bệnh nhân được uống nước ở trong ba chén đó vậy là đã hoàn thành quá trình "chữa bệnh". Đó là toàn bộ "phác đồ điều trị" dành cho tất cả mọi bệnh nhân và tất cả mọi loại bệnh tật trên đời của bà Thủy.
Để chứng minh hiệu quả của phương thuốc "thánh" này, bà Thủy khẳng định như đinh đóng cột với chúng tôi: "Chỉ cần thành tâm cầu khấn, và tin tưởng là một trăm phần trăm các bệnh nhân đều khỏi. Cô không chữa được bệnh cho ai cả nhưng đây là người trời chữa cho".
Hậu quả của niềm tin mù quáng
Để mê hoặc những tín đồ của mình, bà Thủy sẵn sàng trù ẻo cả người sinh ra mình nhằm khẳng định vị thế cũng như sự hiệu quả chữa bệnh của những... chén nước lã.
Xã đã có nghị quyết xóa bỏ cách chữa bệnh hoang đường.
Khi biết nhiều tín đồ đến đây chữa bệnh bán tín bán nghi về việc bố mẹ bà Thủy đã liên tiếp ra đi vì bạo bệnh trong vòng chưa đầy 100 ngày, bà Thủy khẳng định: "Điều này cô đã biết từ trước vì bố mẹ cô không theo đạo còn ra sức chống đối. Ngay từ lúc đầu cô nói luôn với cả hai rằng không theo là bố sẽ đi trước mẹ, thật đúng như lời cô bảo, bố cô mất trước mẹ cô. Cô đã bảo rồi, theo đạo thì sống mà chống lại thì chết".
Hiệu quả của những lời đường mật và cách chữa bệnh hoang đường của bà Thủy còn chưa thấy đâu nhưng đã có người vì uống "nước thánh" mà suýt mất mạng, gia đình tan vỡ.
Ông Cao Đình Thùy, phó trưởng công an xã Trung Thành cho biết: "Việc chữa bách bệnh chỉ bằng nước lã là hoàn toàn vô lý không có căn cứ khoa học nào và là biểu hiện của hoạt động mê tín dị đoan. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về bài trừ mê tín dị đoan trên địa phương. Công an xã đã tiến hành triệu tập các đối tượng lên xử lý, nếu tái diễn sẽ xử lý mạnh tay kiên quyết không để các hình thức mê tín dị đoan như trên tái diễn trên địa bàn". |
Như muốn tạo thêm lòng tin cho chúng tôi, bà Thủy lấy một loạt dẫn chứng "trời ơi đất hỡi" về các trường hợp đã chữa khỏi bệnh theo phương pháp này như anh Q bị bệnh ung thư vòm họng, chị K mắc bệnh tiểu đường... Không biết có ai may mắn như vậy không nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có không ít những nhân chứng sống phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc từ niềm tin mù quáng. Tất cả đều có chung một kết cục "tiền mất tật mang".
Chị Nguyễn Thị L ở xóm 5 xã Trung Thành mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, vì tin theo đạo nên đã không chịu đi bệnh viện khám chữa mà ở nhà cúng bái và uống "nước thánh". Sau nhiều ngày chữa trị, bệnh không khỏi mà sức khỏe ngày một yếu đi. Người nhà phải vận động mãi mới đưa được chị đi khám, cũng may là còn chưa quá muộn. Còn bà Lê Thị H ở xóm 4 cùng xã bị bệnh gai cột sống, nghe lời khuyên, bà đi chữa nhiều thầy nhưng không tiến triển. Theo như lời kể thì bà H đã uống không dưới 1 lít nước thánh theo "phác đồ điều trị" của bà Thủy nhưng vẫn không khỏi. Con cháu thấy thế ngăn cản quyết liệt thì bà mới chịu thôi.
Phương pháp chữa bệnh hoang đường của bà Trần Thị Thủy đã đảo lộn đời sống và gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Chính quyền xã đã nhiều lần vận động, giải thích cho bà Thủy và các "tín đồ" của mình hiểu và ngừng các hoạt động mê tín dị đoan nhưng bà Thủy không những không tuân thủ mà còn chống đối lại lực lượng chức năng và vu cho những cán bộ đang làm nhiệm vụ là "cướp của". Điều này đã khiến cho sự việc trở nên hết sức lộn xộn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.
Hồ Ngọc