Cách đây không lâu, các nhà khoa học cùng lực lượng chức năng ngỡ ngàng trước cảnh tượng 80 bộ hài cốt đeo còng sắt trong nghĩa trang cổ đại ở Hi Lạp có niên đại từ thế kỷ 5 đến 8 TCN. Nhiều câu hỏi được đặt ra, tuy nhiên, ngay tại thời điểm hiện tại, họ chưa thể làm rõ thân thế và lý do những nạn nhân này bị chôn ở nghĩa trang.
Cách chôn cất các nạn nhân cho thấy sự tôn kính nhất định. Một số nạn nhân nằm theo hàng dài ngay ngắn, trong khi những người khác được xếp chồng lên nhau, với tay chân gập lại kê dưới hàm răng há to. Cách chôn cất nghiêm chỉnh chỉ ra người chết không phải là nô lệ hoặc tội phạm.
Căn cứ vào 2 bình hoa tìm thấy bên trong mộ, các nhà khảo cổ dự đoán, những cỗ xương này được chôn cất tập thể từ thế kỷ thứ 7 TCN, cách đây hơn 3.000 năm. Ngoài ra, hàm răng của các bộ xương đều còn nguyên vẹn, cho thấy trước khi chết họ vẫn là những người đàn ông khỏe mạnh.
Điều đặc biệt thứ 2, địa điểm tìm thấy những bộ xương ở một khu vực của Falyron Delta - nghĩa trang cổ đại rộng lớn được khai quật trong lúc xây dựng nhà hát opera và thư viện quốc gia, bao phủ diện tích hơn 440.000 km2.
Tại nghĩa trang này, ngoài 80 bộ hài cốt còn có hơn 1.500 hài cốt nằm rải rác. Nhiều hài cốt trong số đó là trẻ em được chôn cất trong bình gốm sứ, trong khi một số người lớn yên nghỉ trong những quan tài đá.
Theo một giả thuyết, đây là những bộ hài cốt của các binh lính ủng hộ Cylon, một quý tộc người Athen kiêm nhà vô địch Thế vận hội Olympic. Ông từng tiến hành đảo chính vào năm 632 TCN với sự giúp đỡ của cha vợ - bạo chúa Megara.
Sau khi đảo chính thất bại, Cylon chạy thoát và trốn trong một ngôi đền ở Acropolis. Những người ủng hộ ông bị giết.
"Thông qua kiểm tra ADN trên những bộ xương, chúng tôi có thể xác nhận giả thuyết nhóm thanh niên chết trẻ này thuộc đội quân đảo chính của một nhà quý tộc, có thể họ đã bị chôn sống", Chryssoulaki nói.
Tuy nhiên câu trả lời thật sự vẫn chưa được công bố, liệu họ là những chiến binh hay là những người đặc biệt được chôn cất nhằm thực hiện nghi lễ hiến tế vẫn còn đang được làm rõ.
Nguyên Anh (Nguồn Live Science)