Thái tử Mohammed bin Salman "bàn tay sắt" chống tham nhũng
Trong số các nhân vật bị Ủy ban Chống tham nhũng Saudi Arabia bắt giữ mới đây, Alwaleed bin Talal là nhân vật gây nhiều sự chú ý nhất. Không chỉ là một hoàng tử với quyền lực và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, Alwaleed còn là người giàu nhất Trung Đông với khối tài sản hàng chục tỷ USD. Thái tử Mohammed bin Salman được ví như một “bàn tay sắt” dẹp “loạn tham nhũng” ở Hoàng gia…
Tuần qua, hàng chục Bộ trưởng, Hoàng tử, quan chức và sĩ quan quân đội cao cấp Saudi Arabia đã bị miễn nhiệm và bắt giữ sau khi một ủy ban chống tham nhũng ở nước này mới được thành lập. Động thái này đã được mô tả như một cuộc "thanh trừng tham nhũng" gây chấn động quốc gia vùng Vịnh, mà người đứng đầu là Thái tử Mohammed bin Salman.
Gần 6 tháng sau khi được chỉ định vào chiếc ghế Thái tử, Mohammed bin Salman trở thành cái tên gây chú ý khi đưa ra một loạt cải cách chưa từng có ở quốc gia vốn bị coi là bảo thủ và bị hoàng gia chi phối nhiều lĩnh vực.
Tham nhũng được coi là thực trạng và các thành viên hoàng gia của Saudi Arabia lũng đoạn. Nhân vật hoàng gia chỉ mới 32 tuổi này đã cam kết sẽ làm cho mọi hoạt động trở nên minh bạch hơn.
Saudi Arabia vẫn được coi là một chế độ quân chủ tuyệt đối và tất cả các quyết định quan trọng đều thuộc về nhà vua. Những vụ bắt giữ các hoàng tử nổi tiếng dường như đã làm đảo lộn hoàn toàn cách thức mà gia đình hoàng gia giải quyết tranh chấp nội bộ trước đây.
Thái tử Mohammed đang giám sát Ủy ban Chống tham nhũng, bên cạnh vai trò Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông vạch ra một kế hoạch cải cách kinh tế mang tầm vĩ mô với tầm nhìn 2030 sẽ cách mạng hóa hầu hết các khía cạnh của cuộc sống người dân ở quốc gia Ả Rập.
Cơn địa chấn ở Saudi Arabia
Nổi bật và gây bất ngờ nhiều nhất trong số các nhân vật cộm cán vừa bị bắt là Hoàng tử Alwaleed bin Talal – người có tài sản ước tính 17 tỷ USD - và được coi là ông trùm kinh doanh đầy quyền lực ở Saudi Arabia. Alwaleed là chủ sở hữu của khách sạn Savoy nổi tiếng ở London. Công ty của ông, Kingdom Holding cũng đang đầu tư vào các tập đoàn lớn như Apple, Twitter và Citigroup.
Hoàng tử Alwaleed là cháu của vua Abdulaziz al-Saud, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của Saudi Arabia. Gia tộc Saud luôn được nể trọng trong việc quản lý các vấn đề lớn của đất nước. Theo lời kể về sự nghiệp làm giàu khiến nhiều người hoài nghi của mình, Hoàng tử Alwaleed nói rằng, sau khi học xong ở Mỹ, ông quay về nước với tấm bằng quản trị kinh doanh năm 1985.
Sau chuỗi ngày tháng chỉ biết xin tiền từ cha, Alwaleed được cấp cho một căn nhà thay vì tiền mặt và được yêu cầu tự mình kiếm tiền.
Alwaleed đã dùng ngôi nhà này cho thuê và dành tiền đầu tư. Sau thời gian tích lũy nguồn lợi nhuận, ông nhanh chóng trở thành một người giàu có. Tuy nhiên, một số tờ báo phương Tây cho rằng Alwaleed có được khối tài sản nhanh chóng tới vậy thực chất xuất phát từ nguồn tiền phát sinh từ khối lượng dầu khổng lồ mà gia tộc Saud đang nắm giữ.
Nhờ có nguồn vốn lớn ban đầu, Alwaleed đầu tư vào ngân hàng Citigroup của Mỹ ở thời điểm ngân hàng này gặp nhiều khó khăn vào thập kỷ 90. Sau thời gian cải tổ, Citigroup phát triển trở lại và nghiễm nhiên đem lại lợi tức khổng lồ cho cổ đông chính. Có những câu chuyện còn kể lại rằng, vào năm 2013, tờ Forbes từng ước đoán vị Hoàng tử này có khối tài sản khoảng 20 tỷ USD. Khi đọc được thông tin trên, Alwaleed đã rất tức giận và yêu cầu tạp chí này phải cải chính vì ông sở hữu ít nhất là 26 tỷ USD.
Dẫu vậy nhân vật hoàng gia 62 tuổi được ghi nhận là người rất hào phóng trong các hoạt động từ thiện. Vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ năm 2001 hay sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 đều được AlWaleed quan tâm và cấp tiền ủng hộ. Hồi năm 2015, ông tuyên bố sẽ tặng toàn bộ khối tài sản khổng lồ để làm từ thiện trong vài năm tới.
Theo số liệu mới nhất vào năm 2017, Hoàng tử Alwaleed bin Talal là người giàu nhất Trung Đông với tài sản trị giá khoảng 18 tỷ USD. Ông cũng là người giàu thứ 41 của thế giới. Con số này trong thực tế có thể còn cao hơn.
Giàu có là vậy, Alwaleed cũng rất biết thỏa mãn thú vui tiêu tiền của mình cho các món đồ xa xỉ. Dàn ô tô của ông có hơn 300 chiếc, đủ thương hiệu từ Rolls Royces, Porche, Lamborghini hay Ferrari. Ngoài ra ông còn sở hữu du thuyền siêu sang cùng một chiếc Boeing 747 trị giá 220 triệu USD.
Stéphane Lacroix, Giáo sư nghiên cứu về khoa học chính trị và Hồi giáo ở đại học Science Po cho rằng, hành động quyết đoán trong việc bắt giữ Hoàng tử Alwaleed của Thái tử Mohammed cho thấy, ông muốn xóa bỏ những giá trị bảo thủ tồn tại ở Saudi Arabia suốt nhiều năm qua.
Trong quá khứ, chính quyền Riyadh có một quy tắc bất thành văn đó là cho phép sự tồn tại của các nhân vật bất khả xâm phạm và quyền lực mạnh mẽ của họ, miễn là các nhân vật này vẫn đi theo đường lối chung của hoàng gia. Tuy nhiên, Giáo sư Lacroix cho hay: “Lòng trung thành hiện tại là không đủ” và “Mohammed bin Salman không muốn cho phép sự tồn tại của những nhân vật đặc quyền như vậy”.