Nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được xử lý nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo một số chuyên gia pháp lý, sở dĩ tình trạng này tồn tại kéo dài và ngày càng phức tạp hơn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có dấu hiệu "tiếp tay" của cơ quan quản lý tại địa phương.
Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội), thủ tục để xin giấy phép hoạt động kinh doanh quán bar, vũ trường hiện nay không qúa khó.
Sự tồn tại của vũ trường, quán bar sai phạm cho thấy, trước khi bị xử lý đã hoạt động phạm pháp trong một thời gian dài. Trên thực tế, tại một số địa bàn thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…có nhiều vũ trường, quán bar hoạt động sai phạm khiến dư luận bất bình nhưng việc xử lý còn rất đại khái, qua loa tạo nên hiện tượng "nhờn luật". Luật sư Hùng cho rằng, "lẽ thường, có cung ắt có cầu, quản lý có vấn đề thì sai phạm mới có điều kiện bùng nổ, có lợi thì mới tổ chức kinh doanh bất chấp luật đã ngăn cấm. Do đó, để tìm ra nguyên nhân khiến tình trạng sai phạm hiện nay ở các vũ trường là vấn đề không khó. Trong nhiều trường hợp có thể tồn tại hoạt động bảo kê để các vũ trường, quán bar hoạt động trái phép".
Điều nhiều người có thể nhận thấy sự bất ổn trong công tác quản lý tại các vũ trường hiện nay đó chính là ý thức chấp hành quy định về thời gian. Theo quy định của luật, hoạt động vũ trường không được quá 12h đêm, nếu vũ trường ở khách sạn không quá 2h sáng. Nhưng trên thực tế, đa số vũ trường hoạt động gần như thâu đêm tới tận 5h sáng mới nghỉ. Cùng với đó, nhiều vũ trường là nơi tụ tập của cá nhân thuộc nhiều thành phần xã hội phức tạp, ở một khía cạnh nào đó, nhân viên phục vụ tại vũ trường không thể có nghiệp vụ để quản lý. Như việc phát hiện ra người sử dụng chất kích thích, chất ma túy, chất gây nghiện, biện pháp để xử lý các trường hợp đó tại vũ trường gần như nằm ngoài tầm chuyên môn của họ.
Cảnh sát đang khám xét vũ trường
Cũng liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tư vấn luật Nguyễn Trinh Đức (công ty Luật IPIC, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, về mặt pháp luật thì hoạt động kinh doanh vũ trường đã được quy định tương đối hoàn chỉnh, từ khâu điều kiện vật chất, con người hoạt động, trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường và cả hành vi nghiêm cấm không được phép. Tuy nhiên, việc bùng nổ nhiều sai phạm tại các vũ trường hiện nay do không có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.
Tình trạng như trên trước hết lỗi thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, hay nói cách khác là việc vi phạm như trên gần như là cơ quan quản lý đều biết nhưng việc xử lý thường mang tính hình thức, không xử lý dứt điểm. Dẫn tới các vũ trường vì mục đích lợi nhuận sẵn sàng để những vi phạm diễn ra, họ sẵn sàng nộp phạt hành chính.
Qua những vụ việc gần đây cho thấy, hoạt động quản lý lĩnh vực kinh doanh này còn rất hạn chế. Cụ thể vụ việc tại vũ trường MOS Club (Hải Phòng) được phản ánh trên báo chí đã bộc lộ ra một số sai phạm sau: Thứ nhất, số người sử dụng ma túy có mặt trong vũ trường lên đến con số 43 người. Thứ hai, vũ trường này lúc đầu đi vào hoạt động không có giấy phép theo quy định của pháp luật. Thứ ba, có phát hiện sai phạm nhưng vẫn cho phép hoạt động trở lại.
Ba sai phạm này cho thấy vũ trường này ngay từ khi đi vào hoạt động đã bất chấp quy định của luật. Điều đáng bàn, vũ trường MOS được đặt ngay tại một trung tâm thể thao trực thuộc sự quản lý của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng. Trong vụ việc này, không thể biện minh do công tác quản lý yếu kém hay "luật hở", mà thực chất vì lợi nhuận vũ trường này mà người ta đã bất chấp những quy định của luật. Sự tồn tại của nó chắc chắn có sự hậu thuẫn, bảo kê của một thế lực ngầm.
Mức phạt quá thấp không đủ tính răn đe Nhiều luật sư được chúng tôi phỏng vấn đều có chung quan điểm, hiện nay mức tiền phạt còn quá thấp, nhiều sai phạm chỉ ở mức 150.000 đồng nên việc các vũ trường sẵn sàng "vượt rào" là điều dễ hiểu. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng mức phạt để đủ sức răn đe. Mặt khác, để tạo điều kiện cho công tác quản lý nên tăng phí quản lý hoạt động kinh doanh vũ trường. |
Như Hải