Không kiểm soát, thích làm gì thì làm?
Không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, những thành phố lớn nhất cả nước mới có hoạt động biểu diễn tại các quán cà phê, quán bar mà tại các tỉnh lẻ, thậm chí là tại các thị trấn tuyến huyện hoạt động biểu diễn tại các quán cà phê hay các tụ điểm ăn uống cũng hoạt động một cách công khai. Theo quy định pháp luật hiện hành, những hoạt động biểu diễn như vậy sẽ không phải xin phép các cơ quan chức năng quản lý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, việc chạy theo lợi nhuận khiến các hoạt động biểu diễn này có rất nhiều biến tướng.
Đối với các quán cà phê, việc mời các ca sĩ có chút tiếng tăm sẽ thu hút được lượng khán giả lớn đến với quán, tiền cát xê của ca sĩ sẽ được tính vào phần phụ thu của các dịch vụ. Khảo sát qua một số địa chỉ “có tiếng” như Trịnh Ca (Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội), Swing Lounge (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm)… các hoạt động biểu diễn ở đây thường xuyên diễn ra từ thứ 4 đến CN trong tuần. Ở những buổi biểu diễn, phí phụ thu được tính trực tiếp vào dịch vụ, nếu ngày bình thường chỉ 20.000 ly cà phê, trong buổi biểu diễn sẽ được tính phí gấp 3 lần lên đến 60.000 ly. Đặc biệt với Swing Lounge rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Cát Tường… vẫn thường biểu diễn tại đây. Vào những đêm có ca sĩ đến biểu diễn quán sẽ có phụ thu từ 200k-700k tùy vào quy mô chương trình…. Hiện nay, các mô hình hoạt động theo dạng quán cà phê nhạc sống đang rất sôi động và hoạt động biểu diễn nhạc sống tại quán được coi như một chiêu hút khách có hiệu quả của các quán cà phê hiện nay.
Không chỉ chuyện phí dịch vụ phụ thu tăng, các hoạt động biểu diễn tại quán bar có nhiều diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Các hoạt động biểu diễn tại quán bar do không phải xin phép và thẩm duyệt từ các cơ quan chức năng nên đã xảy ra rất nhiều biến tướng.
Không chỉ những quán cà phê nhạc bùng phát, quán cà phê DJ, nhạc nhảy đang xuất hiện nhiều như nấm tại Hà Nội và TP.HCM. Các tuyến đường nổi tiếng về ăn chơi như Sư Vạn Hạnh, Trần Nhân Tôn (quận 10) hay khu Tên Lửa (quận Bình Tân), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)… những quán cà phê DJ như thế đang xuất hiện với một mật độ dày đặc.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, rất nhiều quán bar, nhà hàng, quán cà phê,… trên địa bàn TP.HCM đã kết hợp hình thức ăn uống và biểu diễn để “rút ví” khách hàng. Theo đó, để thu hút khách, nhiều nhà hàng còn quảng cáo “tri ân” khách bằng cách tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn mà không cần mua vé. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền vé đã được thanh toán trực tiếp vào giá thức ăn, nước uống lên gấp nhiều lần. Ví như, một ly cà phê đá giá bình dân chỉ có từ 10.000 – 15.000 đồng, nhưng khi kết hợp với hoạt động biểu diễn sẽ có giá gấp ba, gấp bốn lần, các khoản thực đơn khác cũng có cách tính tương đương.
Còn tại Hà Nội cũng không kém phần “long trọng” với các quán cà phê DJ trên đường Trần Duy Hưng, Ngô Văn Sở, Mã Mây… Thậm chí có quán lấy phong cách kinh dị theo kiểu bố già mafia Ý. Để hút khách tới quán, nhiều chủ quán đã chủ động nâng cấp quán tạo ra những kiểu quán “độc đáo” theo kiểu nửa bar, nửa café cùng hàng loạt các chiêu trò như thuê các chân dài, ăn mặc hở hang để phụ vụ bàn… Thậm chí có quán còn trình hẳn một dàn vũ công mặc bikini theo giờ để trình diễn màn nhảy múa khêu gợi.
Ngành văn hóa đang xem xét?
Việc các quán bar, nhà hàng, quán cà phê kết hợp các dịch vụ “đa zi năng” bởi các hoạt động này không bán vé, mà theo quy định thì những hoạt động này không cần phải xin phép cơ quan chức năng. Chính vì thế khiến các quán bar, nhà hàng, quán cà phê tùy tiện tự biên tự diễn các hoạt động biểu diễn. Nếu đó là những hoạt động biểu diễn nội bộ không có gì đáng nói, tuy nhiên, với sự nở rộ và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến nhiều biến tướng trong hoạt động biểu diễn diễn ra. Bên cạnh đó việc tăng giá một cách tùy tiện các dịch vụ khiến khiến cho nhiều người dân bức xúc. Bên cạnh đó, các nhà hàng thường nằm trong các khu dân cư đông người, khi các quán kết hợp với ca nhạc biểu diễn nghệ thuật gây ồn ào quá mức quy định.
Bên cạnh việc tự do về tổ chức chương trình biểu diễn, không ít các nghệ sĩ, các tên tuổi phớt lờ quy định tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP về ăn mặc khi biểu diễn. Đáng nói, các nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại các quán bar, cà phê này liên tục vi phạm nghị định này. Trường hợp của Hương Tràm, Angela Phương Trinh hay Bà Tưng… bị phạt vì ăn mặc phản cảm chỉ khi sự việc đã diễn ra.
Bên cạnh đó, cùng với việc không bị kiểm duyệt chương trình biểu diễn tại các quán bar, cà phê không bán vé, các sai phạm cứ thế thoải mái diễn ra. Lúc đó, các cơ quan quản lý hầu hết phải đi sau giải quyết hậu quả của những vấn đề đã sai phạm diễn ra. Có vẻ như ngành văn hóa khó mà kiểm soát được ý thức của những người kinh doanh các loại hình dịch vụ ăn uống giải trí như hiện nay, bởi những chiêu trò sẽ dẫn đến lợi nhuận trong kinh doanh tăng vọt.
Trong năm 2015, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn tại TP.HCM. Hầu hết các tỉnh, thành có tham luận phát biểu tại Hội thảo đều nêu những chính kiến bức xúc về vấn đề công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực dưới hình thức phục vụ không bán vé, cũng như các hình thức biểu diễn lưu động. Tuy nhiên, các hoạt động biểu diễn này đã và đang có nhiều biến tướng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
ĐBQH Quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Rất nguy hại nếu cứ thả nổi hoạt động này Việc các quán bar, karaoke… thường xuyên tổ chức biểu diễn những hoạt động phản cảm, đi ngược lại giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam thì các cơ quan chức năng cần phải xử phạt thật nghiêm, cần thiết có thể thu hồi giấy phép. Thực tế, hoạt động biểu diễn tại các địa điểm dịch vụ này đang bị thả nổi. Các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính, nhưng vẫn nhẹ đối với những hoạt động biểu diễn rất phản cảm, gây bức xúc dư luận. Hơn nữa, việc phát hiện những hoạt động biểu diễn nghệ thuật vi phạm văn hóa, truyền thống dân tộc từ các cơ quan chức năng như sở văn hóa, cục nghệ thuật biểu diễn rất ít, chủ yếu người dân phát hiện mới vào cuộc. Cần thiết phải siết chặt hoạt động biểu diễn của loại hình dịch vụ này. Để xảy ra việc biểu diễn nghệ thuật phản cảm như trên phải quy được trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên môn và chính quyền sở tại. |
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần phải xử lý mạnh tay với biểu diễn nghệ thuật phản cảm, kích dục. Rõ ràng việc buông lỏng quản lý từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nên mới để các tụ điểm vui chơi giải trí như quán bar, quán café…có những hoạt động biểu diễn rất phản cảm… Các tụ điểm này đã lách luật bằng việc không bán vé khi tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật như trên. Những hoạt động như vậy dù không bán vé vẫn vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt và cần phải cấm. Để xảy ra những hoạt động biểu diễn nghệ thuật phản cảm đó có phần làm ngơ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Giải pháp cần phải mạnh tay hơn nữa như tước giấy phép, phạt thật nặng cả nơi tổ chức và các cơ quan chức năng quản lý về mặt chuyên môn tại địa phương đó. Đặc biệt, phải quy trách nhiệm người đứng đầu địa bàn để xảy ra hoạt động biểu diễn nghệ thuật chui. |
Xem thêm >>> Lý Nhã Kỳ: Nếu biết số phận nào cần giúp đỡ hãy nhắn cho tôi
T.P- D.H- VP