Ngày 21/6, với 457/463 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 93,84%) Quốc hội đã thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Luật quy định ngày 3/1 hàng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam.
Về giá trị của tài liệu lưu trữ, Luật quy định tài liệu lưu trữ là bằng chứng về hoạt động của Đảng, Nhà nước, xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử của Việt Nam.
Tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử, giá trị pháp lý và giá trị thực tiễn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tài liệu lưu trữ số có đầy đủ giá trị pháp lý như thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Tại Điều 8 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật quy định cấm: Chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép hoặc cố ý làm hư hỏng, mua bán, chiếm đoạt, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý.
Làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt. Sử dụng tài liệu lưu trữ hoặc lợi dụng hoạt động dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; cản trở quyền tiếp cận, sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài, ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 53 về “Các hoạt động dịch vụ lưu trữ”, Luật quy định: "1. Các hoạt động dịch vụ lưu trữ bao gồm: Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ trên vật mang tin khác; kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ hồ sơ, tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; số hóa, tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu; tư vấn nghiệp vụ lưu trữ.
2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ quy định tại khoản 1 Điều này thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...”.
Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.
Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu không quy định tiêu chí tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt tại dự thảo Luật (Điều 38) mà giao quy định trong văn bản dưới luật để có thể linh hoạt điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Về vấn đề này, ông Tùng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Luật Lưu trữ năm 2011 đã quy định tiêu chí đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Các tiêu chí để xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định về tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Luật Lưu trữ năm 2011. Vì vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định này để bảo đảm tính cụ thể của Luật, hạn chế ban hành văn bản quy định chi tiết.