Mua sự bực mình
Anh Phạm Việt Anh (Hà Nội) là một trong những nạn nhân của du lịch chui kể: Trung tuần tháng 1/2013, anh và 3 người bạn đã mua tour Lào Cai - Hà Khẩu của chi nhánh Công ty cổ phần du lịch và vận tải Lào Cai tại Sa Pa, với mức giá là 120.000 đồng/người. Khi mua tour, một lãnh đạo công ty có khẳng định đây là tiền trọn gói của tour tham quan cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc).
Hóa đơn tính tiền. |
Thế nhưng, khi tới nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh, HDV của Công ty, tên Hằng lại yêu cầu đoàn đóng phí 120 nhân dân tệ/4 người (khoảng 380.000 đồng) và giải thích đây là tiền nộp cho phía đối tác. “Đến trưa, HDV dẫn vào một nhà hàng và nói ở đây ngon và rẻ. Cả nhóm gọi 5 món (rau cải xào, sườn xào chua ngọt, vịt quay, canh cá nấu măng, lòng xào dứa) cho 4 người ăn. Ngồi được một lát, HDV đi ra ngoài nói có việc rồi bỏ khách ở đó. Lúc thanh toán, chủ nhà hàng yêu cầu thanh toán 1005 nhân dân tệ (3.575.000 đồng). Do số tiền quá lớn, cả đoàn không mang đủ nên bị chủ quán giam hơn 4 tiếng. Ngôn ngữ bất đồng không biết cầu cứu ai, rất may lúc đó có một người gọi điện thoại nói tiếng Việt đi ngang qua nên cả nhóm vay tiền nhờ giúp đỡ. Sau khi vay tiền thanh toán xong mới được rời nhà hàng. Thật kinh hãi như cơm tù, rõ ràng là có sự móc ngoặc giữa HDV và nhà hàng. Thậm chí sau đó, chúng tôi có gọi điện cho HDV, chị ta còn bảo rằng ở đây đều như thế”, anh Phạm Việt Anh bức xúc cho biết.
Hiện tượng khách Việt Nam đi du lịch, nhất là du lịch ra nước ngoài bị “chặt chém” một cách trắng trợn đã diễn ra từ nhiều năm nay và thường rộ lên vào mùa du lịch. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam thừa nhận: Năm 2012, có khoảng 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, nhưng thực tế nhiều du khách Việt hiểu khá mơ hồ về điểm đến du lịch và chủ yếu là qua truyền miệng. Quản lý hoạt động du lịch ra nước ngoài chưa chặt và chưa có chế tài xử lý nghiêm nên dẫn đến nhiều vụ việc khách Việt Nam bị đối xử tệ ở nước ngoài. Điều đáng nói là những vụ du khách gặp phải những trường hợp đáng tiếc kể trên, khi kiểm tra thì thường là do họ đăng ký tour của doanh nghiệp du lịch làm ăn chụp giật, hoạt động “chui”.
Công ty mà nhóm khách Phạm Việt Anh đăng ký. |
Trên thực tế, những vụ tai nạn như chìm tàu Hạ Long vào đầu năm 2011, vụ công ty Thái Việt (Đà Nẵng) bỏ rơi khách bên Thái Lan vào tháng 9/2012… khi kiểm tra đều xác định đây là các doanh nghiệp gom khách hoạt động chui, không đủ năng lực và điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế.
Nhận diện doanh nghiệp du lịch chui
Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 1.000 công ty lữ hành quốc tế, 7.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa và hàng ngàn doanh nghiệp dịch vụ du lịch (vận chuyển, bán hàng….). Các đơn vị được cấp kinh doanh du lịch do Sở Kế hoạch đầu tư (KHĐT) tỉnh cấp. Nếu có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ có “giấy phép con” với nhiều quy định ràng buộc do Tổng cục Du lịch cấp, với sự tham gia thẩm định của Sở VH,TT&DL địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, khi có giấy phép kinh doanh về du lịch do Sở KHĐT cấp, các doanh nghiệp thường quảng bá kinh doanh du lịch nói chung để “lách” quy định này. Việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp có ghi chức năng kinh doanh du lịch, dịch vụ, thương mại lại khá dễ dàng. Chỉ mất vài triệu đồng là có giấy phép để thành lập công ty kiểu này, trong khi du khách cũng không tìm hiểu là họ có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế hay không”, anh Nguyễn Hữu Bắc, Phó Chủ tịch CLB du lịch Lào Thái bằng đường bộ chia sẻ.
Đây chính là kẻ hở để các đơn vị kinh doanh du lịch mọc lên như nấm sau mưa vào mùa vụ du lịch. “Doanh nghiệp du lịch chui mọc lên khá nhiều ở TP.HCM. Các công ty này thường xuất hiện vào mùa cao điểm (hè và lễ Tết) và sau đó biến mất. Vì trốn thuế và chất lượng dịch vụ kém nên họ bán giá tour thấp và du khách dễ bị sập bẫy giá thấp. Đến chừng xong tour, tìm họ để khiếu nại về dịch vụ thì họ đã biến mất”, anh Nguyễn Tấn Quyền, Phó giám đốc Công ty du lịch Liên bang (TP.HCM) cho biết.
“Đó là chưa kể các giao dịch với du khách thường diễn ra trên mạng hoặc ký gửi ở các văn phòng du lịch, dễ thấy nhất là ở khu phố cổ Hà Nội, hoặc quầy lễ tân khách sạn nhỏ, nhà nghỉ. Do vậy, hoạt động này khó kiểm soát. Các doanh nghiệp du lịch chui thường dùng chiêu giá rẻ để hấp dẫn khách. Tour đường bộ Lào Thái giá land tour (giá gốc) là 7 triệu đồng, nhưng họ chỉ báo có 5 triệu đồng, thay vào đó họ sẽ tận thu từ các dịch vụ khác như mua sắm và sử dụng dịch vụ không đảm bảo. Đồng thời với đó là trốn thuế. Do không có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế nên họ thường xuất phiếu thu thông thường; trong khi với doanh nghiệp chân chính khi xuất hóa đơn ghi rõ nộp 10% với các dịch vụ trong nước và 0% khi sử dụng dịch vụ ở nước ngoài. Các doanh nghiệp du lịch phải ghi rõ lãi bao nhiêu khi tổ chức tour, để từ đó nộp thuế doanh nghiệp với nhà nước. Trong khi đó các doanh nghiệp du lịch chui thì trốn được hết các khoản thuế này. Một đặc trưng các doanh nghiệp du lịch chui này hoạt động theo mùa vụ rồi lặn mất tăm. Hiện những doanh nghiệp này chiếm gần 20% lượng khách đi Lào Thái bằng đường bộ”, anh Nguyễn Hữu Bắc cho biết.
Để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch chui, ngành du lịch cần tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. “Tuy nhiên có một thực tế, từ khi sáp nhập vào Bộ VH,TT&DL, lực lượng thanh tra gom hết về Bộ và chủ yếu thanh tra mảng văn hóa. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại các sở. Do không có thanh, kiểm tra thường xuyên nên mảng này gần như bỏ ngỏ. Chỉ đến khi xảy ra vụ việc mới tiến hành thanh tra và phạt. Do đó Tổng cục Du lịch đề xuất thành lập lại lực lượng Thanh tra du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.
“Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền và công khai các doanh nghiệp du lịch vi phạm trên báo chí để du khách đề phòng. Về lâu dài, trong Luật Du lịch sửa đổi sắp tới cần quy định quản lý chặt chẽ hơn trong kinh doanh du lịch, bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Ngoài ra, bản thân các du khách cũng cần biết tự bảo vệ mình. “Khi mua tour, du khách cần làm hợp đồng chặt chẽ, bởi khi giải quyết khiếu kiện sẽ căn cứ trên hợp đồng. Người Việt chúng ta nhiều khi cả nể, chỉ nghe giới thiệu thấy giá rẻ là đăng ký, chứ chưa có thói quen xem kỹ hợp đồng. Bên cạnh việc chọn các doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu, khi đặt bút ký hợp đồng cần quy định rõ các điều khoản và mức phạt để khiếu nại sau này”, một đại diện Hiệp hội tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo.
Theo Báo tin tức