Xử lý nhiều trường hợp vi phạm
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 300 mỏ khoáng sản đang hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, an sinh xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các hành vi phạm này diễn ra trong nhiều hoạt động khai thác khoáng sản khác nhau như vi phạm tại các mỏ cát, mỏ khai thác đá, mỏ đất, tận thu khoáng sản... và trải trên nhiều địa bàn.
Trong đó, đáng chú ý một số đối tượng, nhận thấy tình trạng khan hiếm các nguồn vật liệu trước nhu cầu lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, ham lợi nhuận... đã ngang nhiên thực hiện các hành vi như khai thác ngoài mốc giới, phạm vi, vượt công suất, sai phương án khai thác… thậm chí khai thác trộm tài nguyên, khiến tình trạng vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động khoáng sản tại các địa phương như: Từ năm 2020 tới nay, huyện Hà Trung phát hiện xử lý 10 vụ vi phạm hoạt động khoáng sản, trong đó điển hình khởi tố hình sự sai phạm tại mỏ đá Tân Hải; trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện Vĩnh Lộc xử lý 4 vụ vi phạm hoạt động khai thác cát sỏi; huyện Yên Định phát hiện xử phạt 3 vụ; huyện Cẩm Thủy từ năm 2022 tới nay xử lý trên 11 vụ vi phạm; năm 2022 huyện Thọ Xuân xử phạt 7 vụ…
Hay một số trường hợp khác, mặc dù chưa đủ yếu tố, mức độ để khởi tố hình sự nhưng bị xử phạt số tiền lớn về các hành vi vi phạm, cụ thể như: Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 510 triệu đồng đối với Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Trường Thành do vi phạm tại mỏ sắt ở xã Yên Thắng và Trí Nang huyện Lang Chánh; năm 2022 xử phạt 800 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hoàng Tuấn do vi phạm khai thác vượt công suất trên 100% tại mỏ đá vôi trên địa bàn Hà Tân, huyện Hà Trung; năm 2023 xử phạt Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát 250 triệu về vi phạm tại mỏ đá vôi tại xã Tân Trường, Nghi Sơn; xử phạt Công ty TNHH Huy Hoàng (địa chỉ số 226 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Nam Thành (trụ sở chính tại số 14 Nguyên Hồng, phường Tân Sơn, TP.Thanh Hóa) cùng về hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác tại các điểm mỏ ở Nga Sơn và Hà Trung với số tiền 250 triệu đồng; tháng 9/2022 điều tra phát hiện Công ty TNHH Thương mại Phú Sơn, khai thác ngoài mốc giới khoảng 1,48ha tại mỏ đá vôi ở núi Hào, xã Nga An, Nga Sơn…
Ngoài ra, lợi dụng việc cho phép tận thu khoáng sản khi thực hiện các dự án, nhiều hành vi vi phạm cũng đã bị phát hiện trong nhiều năm qua, như: phát hiện vi phạm trong khai thác tận thu đất hạ thấp độ cao tại xã Cẩm Long, Cẩm Thủy của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Hoàng Đức; phát hiện xử phạt một đối tượng xã Thành Minh, huyện Thạch Thành lợi dụng hạ thấp độ cao, khai thác đất mang ra khỏi địa phương trái phép; Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ngọc Yến khai thác ra ngoài mốc giới…
Qua đó có thể thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các năm qua được phát hiện "dày đặc" tại nhiều địa phương, nhiều loại hình khai thác khoáng sản. Đáng chú ý, bên cạnh các vi phạm mới xảy ra, cũng có nhiều vi phạm đã xuất hiện trong thời gian dài và chỉ được nêu rõ khi có sự vào cuộc cơ quan Cảnh sát điều tra.
Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện nhiều vi phạm lớn
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, tính từ năm 2020 tới tháng 11/2023, đơn vị đã thực hiện kiểm tra hơn 750 vụ, xử phạt tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Qua đó, khởi tố hình sự trên 10 vụ việc, tịch thu và thu hồi nhiều phương tiện, tài sản.
Trong đó, một số vụ có tính chất điển hình như: Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Trường Thành (Tp.Thanh Hóa) có nhiều vi phạm trong khai thác quặng sắt (tại xã Yên Thắng, Trí Nang, huyện Lang Chánh) gồm: khu vực khai thác, kỹ thuật khai thác, báo cáo môi trường,… Công ty này sau đó bị xử phạt 510 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng; xử phạt công ty TNHH Hoàng Tuấn (Tp.Thanh Hóa) số tiền 800 triệu đồng do khai thác vượt công suất tại mỏ đá huyện Hà Trung; xử phạt Công ty Cp Xây dựng Trường Sơn (Thiệu Hóa) 120 triệu đồng do khai thác khoáng sản vượt ngoài ranh giới tại mỏ đá vôi trên địa bàn xã Thiệu Ngọc, Thiệu Hóa; mới đây năm 2023, Công ty Cp Đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát bị xử phạt 250 triệu đồng vì thực hiện khai thác khoáng sản vượt công suất tại mỏ đá vôi tại xã Tân Trường, Nghi Sơn…
Ngoài những vụ việc nói trên, hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện tăng cường kiểm tra, điều tra dấu hiệu vi phạm tại nhiều mỏ khoáng sản với các sai phạm như khai thác trái phép, ngoài vị trí cấp phép, kê khai xuất hóa đơn chứng từ không rõ nguồn gốc… trong đó một số vụ việc điển hình, mức độ vi phạm lớn đã và đang bị điều tra hoặc khởi tố.
Cụ thể, tháng 7/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra chấp hành pháp luật tại mỏ đá vôi thuộc xã Hà Tân của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Hải (địa chỉ tại thôn Quan Tương, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Qua kiểm tra phát hiện Công ty này khai thác trái phép 2,8ha; sử dụng vât liệu nổ ngoài phạm vi giấy phép; thực hiện không đúng một trong các nội dung trong ĐTM được phê duyệt. Tháng 1/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội “Vi phạm về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”.
Tiếp đó, tháng 9/2022, Các đơn vị chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp kiểm tra thực thi, chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại mỏ đá vôi núi Hào của Công ty TNHH Thương mại Phú Nam Sơn (Nga An, Nga Sơn).
Qua kiểm tra phát hiện Công ty tổ chức khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác khoảng 1,48ha; khai thác không đúng phương pháp; thực hiện không đúng một trong những nội dụng của quyết định phê duyệt ĐTM. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện bắt quả tang vụ khai thác cát trái phép trên sông Mã. Theo đó, sau quá trình mật phục, lực lượng chức năng bắt quả tang 5 thuyền đang tiến hành hút cát trái phép trên lòng sông Mã, đoạn qua địa phận thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định…
Công an tỉnh Thanh Hóa sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân có liên quan về tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Qua đó xác định, mỏ cát số 41 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty CP thương mại Đức Lộc (địa chỉ H.Yên Định) khai thác. Sau đó, công ty này đã nhượng quyền khai thác cho Lê Thị Thoan và Trịnh Xuân Thành.
Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 5/2022, Thoan, Thành và Giang đã huy động hàng chục tàu khai thác cát vượt công suất mỏ (công suất mỏ được cấp phép là 10.000 m3/năm). Tổng số cát khai thác vượt công suất trong thời gian trên là hơn 1 triệu m3. Số cát khai thác vượt công suất có giá trị hơn 95 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Thanh Hóa, đây là vụ án điển hình của công an tỉnh này trong việc vây bắt “cát tặc” dưới sông, được dư luận đánh giá cao. Trước đó, tại khu vực đoạn sông này người dân liên tục phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đất canh tác của người dân khi nhiều tàu hút cát tiến sát gần bờ để hút cát trong thời gian dài…
Còn nữa...