"Hoạt động nghệ thuật chân chính sẽ nổi tiếng"

"Hoạt động nghệ thuật chân chính sẽ nổi tiếng"

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

(nguoiduatin.vn) Có người bảo NSND Trần Hiếu dại vì không biết đòi tiền cátsê, nhưng tính ông vậy: Dạy học giá rẻ nhất TP.HCM, đi hát ai trả bao nhiêu cũng được miễn là được hát cho khán giả nghe.

Làm việc hai nơi, hưởng một lương... vẫn vui

Thưa, ông là lớp nghệ sỹ “thế hệ F1” của dòng nhạc truyền thống. Ông chia sẻ gì về sự cống hiến vì đất nước của những người thế hệ trước?

Tôi bắt đầu đi hát phục vụ mọi người từ năm 11 tuổi, năm nay đã 77 tuổi, vậy là đã 66 năm rồi. Tôi cũng đã thành “của hiếm” rồi. Nghiệp hát đối với tôi như một lẽ tự nhiên. Tôi đi thi chơi vào Nhạc viện mà đỗ thứ nhất. Đến khi tốt nghiệp tôi lại là thủ khoa và được nhà trường giữ lại, Nhà hát ca múa nhạc Trung ương xin tôi về đó. Trường với Nhà hát ca múa đều to như nhau, hai người tranh giành Trần Hiếu. Cuối cùng đi đến quy định cho Trần Hiếu một nửa thời gian làm ở trường, nửa thời gian còn lại làm ở Nhà hát.

Xã hội - 'Hoạt động nghệ thuật chân chính sẽ nổi tiếng'

NSND Trần Hiếu

Làm hai nơi nhưng “ăn” một lương. Dù thế, nhưng tôi thấy vui vì được cống hiến. Lúc đó, tiền lương tuy ít nhưng cũng tạm đủ sống, mình làm việc là nghĩ đến sự cống hiến nhiều hơn là đòi hỏi. Thế hệ chúng tôi lúc đó không đặt tiền bạc lên trên, không tính toán như lớp trẻ bây giờ. Chính sự không tính toán đó lại tốt cho chính mình, làm cho mình được trải nghiệm nhiều hơn, trưởng thành nhiều hơn.

Còn thời kỳ cống hiến cho tiền tuyến thì sao, thưa ông?

Tôi ra trường từ năm 1959 và đến hòa bình là 1975, tôi cứ vừa đi giảng dạy vừa đi hát ở tiền tuyến. Và cứ thế, mấy chục năm như vậy cho đến ngày đất nước hòa bình. Như vậy lại hay, mình càng hát bao nhiêu kinh nghiệm và sự trải nghiệm của mình lại tăng lên. Từ những sự trải nghiệm đó thì mình về dạy học trò càng tốt hơn, mang đậm cuộc sống và sự thực tế hơn. Hai cái đó bù đắp và hòa quyện vào nhau. Nhiều khi cũng nghĩ thì thấy mình bị thiệt về lương nhưng lại trưởng thành hơn về nghề.

NSND Trần Hiếu không màng chuyện tiền nong, vậy ông kỳ vọng vào điều gì nhất trong sự nghiệp cống hiến của mình?

Bây giờ tôi đi dạy có kiếm gì được mấy đâu, nếu dạy ở ngoài thì tôi lấy giá rẻ nhất ở Sài Gòn, giá của thầy Hiếu ngang với sinh viên trường nhạc vừa ra trường là 200 nghìn một tiết dạy. Những học trò ngày xưa của tôi dạy với giá gấp đôi gấp ba tôi bây giờ. Nhưng nếu cứ chạy theo đồng tiền như thế thì sẽ không bao giờ có được những học trò giỏi được.

Tôi tự hào khi NSND Trần Hiếu sinh được hai NSND là Y Moan và NSND Thanh Hoa và cỡ khoảng độ 20 NSƯT. Đó là điều mà không phải ai cũng làm được. Ngoài những học trò nổi tiếng là NSND tôi còn có rất nhiều học trò là ca sĩ, nghệ sĩ khắp đất nước. Có những khi mình gặp nạn giữa đường, gặp người gọi thầy mà mình không nhớ họ, sẵn sàng giúp đỡ mình, những lúc đó mình cảm động lắm. Dù ở đâu thì tôi vẫn có thể gặp được học trò của mình. Cái đó là vô giá so với cái giá 2 trăm, 4 trăm hay 1 triệu.

Hạnh phúc vì được hát cho nhiều người nghe

Các ca sỹ trẻ, thậm chí có Nghệ sỹ thế hệ trước khi đi hát vẫn hỏi cat-se bao nhiêu. Ông có quan tâm đến điều đó không?

Cho đến giờ, sau 66 năm ca hát, tôi chưa một lần mặc cả chuyện tiền diễn là bao nhiêu. Có lẽ, cái thời của tôi, không chỉ riêng tôi mà tất cả những con người thời đó đều không tính toán trong việc biểu diễn, kiếm tiền. Tiền lương Chính phủ cho và bảo hát nơi nào thì hát, phục vụ ở đâu thì phục vụ, kể cả đi nước ngoài. Đi nước ngoài cũng có được xu nào đâu, Chính phủ mình cũng không có mà nước bạn cũng không, chỉ có nhận được quà của họ tặng thôi.

Thời của ông mẫu mực như vậy, sao lớp trẻ bây giờ lại có những thay đổi như thế, do xã hội thay đổi hay tư tưởng đòi hỏi quyền lợi cá nhân?

Tôi nghĩ là do cơ cấu xã hội, vì bây giờ lớp già như tôi cũng có người đi diễn cũng đòi hỏi chứ, rằng là phải 20 triệu mới diễn, 40 triệu mới diễn. Đàn em của tôi cũng có những người như thế, học trò của tôi cũng có những người như vậy, đi diễn ở đâu cứ đòi rất cao. Cái đó không phải là tính tình từng người , mà đôi khi do diễn biến của cách kiếm tiền trong xã hội mới.

Vậy ông có nghĩ là mình dại không?

Tôi nghĩ rằng, những người đòi một tối 40 triệu, 60 triệu thậm chí cả trăm triệu thì một năm được bao nhiêu đêm như thế. Còn tôi, vì không đòi hỏi gì nên có tháng 16 buổi diễn, có tháng 20 buổi biểu diễn, ít ra cũng 10 buổi. Cộng lại số tiền nho nhỏ mình kiếm mỗi buổi thì có khi lại hơn số tiền mà những người kia hét giá khi biểu diễn. Trong khi đó mình lại biểu diễn được cho nhiều người xem. Cái hạnh phúc của người nghệ sỹ là tiếng hát của mình được nhiều người nghe, cái đó quan trọng hơn sự lao động.

Là thế hệ “tiền bối”, ông có nhắn nhủ gì đến lớp “hậu sinh” bây giờ về ứng xử và tiền bạc?

Người nổi tiếng bây giờ hay dùng phương pháp PR, lăng – xê... Tôi nghĩ nếu hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, chân chính, biết cống hiến thì sẽ nổi và sống trong lòng quần chúng thôi. Theo tôi, người nghệ sỹ nên như thế, còn kiểu kia xem ra tưởng là khôn, nhưng lại khôn mất tiền mà lại không bền. Người nghệ sỹ lúc nào cũng nghĩ đến quần chúng, phục vụ quần chúng và hoạt động vì quần chúng.

Xin cảm ơn ông.

Vương Hà


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.