Giấy phép hoạt động y tế của phòng khám đã hết hạn hơn 1 năm
Bước vào bên trong phòng khám sản, nạo hút thai, số 934 – 936 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), những ngóc ngách nối liền trong hai ngôi nhà làm người vào cảm giác giống như những… địa đạo. Phía dưới tầng 1, trong căn phòng nằm sâu bên trong là cơ sở X - quang mà Giấy phép hoạt động y tế đã hết hạn từ ngày 29/1/2012.
Nhưng đây lại là thiết bị đang được sử dụng hàng ngày để chẩn đoán bệnh cho rất nhiều bệnh nhân. Mà theo nhiều bác sĩ, dù nguy cơ từ chụp X – quang đối với thai nhi là thấp, nhưng họ vẫn thường khuyên thai phụ không nên chụp X – quang nếu không cần thiết.
Cơ sở X - quang bên trong phòng khám 934 - 936 Trương Định mà Giấy phép hoạt động y tế đã hết hạn từ ngày 29/1/2012.
Lên tầng hai, chúng tôi được cô y tá đưa thẳng vào khu vực có khoảng 4 chiếc giường inox lạnh lẽo, những chiếc chiếu cũ kỹ, những chiếc gối mốc và vài chiếc chăn mỏng cáu bẩn. Một bệnh nhân đang nằm lại đó với chai truyền đường, muối đang nhích dần về những giọt cuối cùng.
Theo lời kể của các y tá đang làm việc tại đây, phòng khám đa khoa phía Nam của bác sĩ C. ở địa chỉ 934 – 936 Trương Định được chia làm 3 tổ: Tầng 1 là tổ điều trị, tổ siêu âm ở tầng hai và tầng 3 là tổ sản – đây là tổ trực tiếp thực hiện các ca nạo hút thai từ nhỏ tới lớn.
Trung bình mỗi ngày, dưới những “bàn tay vàng” đang làm việc tại phòng khám “gia đình” này thì có khoảng 4 – 5 đứa trẻ vô tội đã vĩnh viễn bị tước đi cơ hội được làm người. Cái gọi là “gia đình” ấy được biểu hiện từ bác sĩ cho tới người quản lý, tiếp đón ở bàn phiếu rồi phòng khám, phòng siêu âm… đều là người nhà của bác sĩ C. Chỉ có nhân viên là người ngoài.
Và với hai máy siêu âm, có những ngày cao điểm ở phòng khám này tiếp nhận tới… rất nhiều ca thực hiện siêu âm thai, ổ bụng, tuyến vú… Nhịp làm việc liên tục ấy, khiến các nhân viên ở tổ siêu âm thường tới 7h tối mới được nghỉ.
Xả rác thải y tế vô tội vạ
Sau hai tháng theo sát những hoạt động của phòng khám phá thai khủng khiếp nhất Hà Thành này, đêm nào trên tầng 3 của phòng khám sáng đèn thì sáng hôm sau, khi chưa rõ mặt người, các nhân viên ở đây đã mang những túi nylon màu đen ra cửa để lẫn với rất nhiều rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình khác.
Bên trong là những dây dịch truyền, kim tiêm, bông dính máu; cồn sát trùng kèm rác sinh hoạt bệnh nhân như bỉm, băng vệ sinh, sữa… Nhiều hôm, bên trong đó có tới 4 – 5 cái bỉm còn dính máu. Sau đó, toàn bộ số rác này sẽ được các nhân viên của công ty vệ sinh môi trường tới thu dọn.
Cận cảnh bên trong phòng khám sản.
Chị H. người trực tiếp thu dọn rác trên đường Trương Định cho biết: Tại phòng khám sản 934 – 936 Trương Định, có ngày chị thu được tới 10 bọc nylon màu đen. Từ trong túi ấy, cái mùi tanh của máu vẫn còn ngai ngái tới khó chịu. Vì sợ kim tiêm đâm vào tay nên chị cũng không mở ra để kiểm tra bên trong có những gì.
Có hôm chị còn thu được những bọc nylon màu đen tương tự ở 1 con ngõ gần đấy. Là người chuyên đi thu gom rác thải nên chị biết, rác ấy được thải ra từ phòng khám sản 934 – 936 Trương Định.
Cũng theo lời kể của các nhân viên y tế thì bông băng, kim tiêm… được cho vào túi riêng. Còn toàn bộ dịch hút và thai to giao cho ông C. xử lý. Nhưng từ khi làm ở phòng khám đa khoa phía Nam này cho tới nay, các nhân viên y tế chưa thấy có cơ quan chức năng nào tới thu gom rác thải.
Toàn bộ rác thải y tế như bông băng dính máu, dây truyền dịch, kim tiêm, lọ thuốc thủy tinh đã sử dụng… đều được vứt ra ngoài hè, sau đó có nhân viên công ty vệ sinh môi trường tới hót và mang đi cùng với rác sinh hoạt của các hộ dân.
Khi chi sẻ về lý do bỏ thai, các nhân viên y tế ở đây kể với giọng ngậm ngùi: “Đã vào đây phá thai thì nhiều hoàn cảnh lắm. Có nhiều trường hợp đang mang thai nhưng bị chồng bỏ, khi đó họ đã có 2 - 3 đứa con nhỏ rồi, vì điều kiện kinh tế không nuôi được nên đành bỏ; hoặc trường hợp thai sản là sinh viên, khi thai nhỏ các bạn ấy không có tiền, đến khi chuẩn bị được tiền thì thai đã quá to; cũng có những người đi nước ngoài hứa hẹn nhau ở bên đó, cũng cho nhau địa chỉ nhưng khi về nước thì lại “bốc hơi”, địa chỉ kia cũng chỉ là ảo, chỉ tội nghiệp cô gái, nếu sinh ra thì lại lỡ dở một đời nên họ đành bỏ”…
“Theo quy định của Bộ Y tế, việc phân loại chất thải rắn y tế phải thực hiện ngay tại nơi phát sinh chất thải. Từng loại chất thải phải đựng trong các túi và thùng có mã màu kèm biểu tượng theo đúng quy định.
Mỗi loại chất thải được thu gom vào các dụng cụ thu gom theo mã màu quy định và phải có nhãn hoặc ghi bên ngoài túi nơi phát sinh chất thải. Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải thông thường.
Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu hủy như chất thải y tế nguy hại. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, trước khi thu gom về nơi tập trung chất thải của cơ sở y tế phải được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải…”.
Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, cả nước có hơn 13.500 cơ sở y tế các loại và tổng lượng chất thải phát sinh rất nhiều cần được xử lý bằng những biện pháp phù hợp. “Nếu không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường...” – ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết.
Những hình ảnh về phòng khám này:
Một góc cáu bẩn mốc xanh để những đồ dùng y tế đã qua sử dụng của phòng khám số 934 - 936 Trương Định
Nhà vệ sinh của bệnh nhân
Trang thiết bị sơ sài và lôm côm, chắp vá
Trong căn phòng nằm sâu bên trong tầng 1 của phòng khám này là phòng X - quang mà Giấy phép hoạt động y tế đã hết hạn từ ngày 29/1/2012.
Bồn rửa tay kiêm chỗ để đồ linh tinh chắp vá
Phòng khám bé xíu cùng các thiết bị đã cũ kĩ
Rác thải y tế được gói để trong nhà vệ sinh ngay cạnh buồng khám
Dây điện nhằng nhịt ngay trước cửa phòng X - quang
Theo Giáo dục Việt Nam