Không có gì là mãi mãi….
Thử tưởng tượng trong một ngày đẹp trời bạn nhận quyết định sa thải khỏi công ty? Tâm trạng bạn khi đó chắc hẳn sẽ không hề dễ chịu chút nào, đầu óc trượt dài bởi những suy nghĩ ngổn ngang. Nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi phải chấp nhận bạn bị cho thôi việc bởi chính công ty mình dày công sáng lập.
Đó là câu chuyện có thật của 8 ông chủ lớn trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ trên thế giới, nó đã minh chứng cho câu nói “Không có gì là mãi mãi”, hôm nay bạn đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng nhưng không có nghĩa ngày mai chỗ đứng đó vẫn là của riêng bạn. Sự việc đã được trang Business Insider tổng hợp lại.
Vào năm 1985, Steve Jobs - ông bầu hãng Táo khuyết Apple do bất đồng quan điểm với người bạn cùng làm ăn là John Sculley nên ông đã bị sa thải không thương tiếc. Tuy nhiên chỉ 12 năm sau đó, hãng Apple đã mua lại startup về máy tính NeXT Computer do Jobs gây dựng, sự kiện đó đánh dấu bước trở lại của ông về Táo khuyết. Kể từ thất bại đó Jobs đã phấn đấu không ngừng và đi vào lịch sử những người có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp vi tính.
Travis Kalanick (Uber), người đồng sáng lập Uber cũng rơi vào hoàn cảnh không mấy khá khẩm hơn Steve Jobs, khi buộc phải rời công ty vào năm 2017 do dính phải hàng loạt những tai tiếng về đời tư và từ chiến dịch #DeleteUber chứng kiến con số 200.000 người xóa bỏ ứng dụng liên quan đến các cáo buộc về văn hóa từ cựu kĩ sư Susan Fowler.
Năm 2006, ứng dụng Twitter ra đời do kết quả bắt tay làm ăn của Jack Dorsey cùng người bạn Williams. Nhưng đến năm 2008, Williams đã đuổi việc Dorsey, dù ban đầu chính người bạn này đã nảy ra ý tưởng gây dựng Twitter. Ngay sau khi rời công ty, Dorsey đã mau chóng cho ra đời Square với mức định giá lên đến 31 tỷ USD khiến cho ông lớn facebook Mark Zuckerberg đã không ít lần “mời” Dorsey về làm. Nhưng phải đến năm 2015, Dorsey đánh dấu sự trở lại Twitter hoàn toàn khác với tư cách CEO chính thức không lâu sau đó.
Parker Conrad - người sáng lập Zenefits, công ty phần mềm điện toán đám mây giúp doanh nghiệp xử lý nguồn nhân lực năm 2013. Tưởng rằng “chiếc ghế” đã yên vị với chủ nhưng ngay sau đó Conrad đã buộc phải rời khỏi công ty sau những bê bối về công việc. Không chấp nhận thất bại, vào năm 2017 Conrad vẫn tiếp tục liều mình khởi nghiệp với việc gây dựng nên Rippling.
Một ông chủ khác cũng bị lãnh quyết định cho thôi việc bởi chính công ty mình đó là Palmer Luckey, người đồng sáng lập nên Oculus - công ty công nghệ chuyên về thực tế ảo đã bị Facebook mua lại. Lí do ông bị sa thải do bị cáo buộc liên quan đến việc chống lại ứng viên Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử Tổng Mỹ vào năm 2017. Cùng vào năm đó, Luckey thành lập Anduril với nhiệm vụ tạo ra bức tường biên giới “ảo” giữa Hoa Kỳ và Mexico, sử dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ chính phủ.
Năm 2013, người sáng lập website mua chung Groupon, Andrew Mason bị cho thôi việc với lí do website này vướng vào những tai tiếng sau đợt IPO đầu tiên. Nhưng không lâu sau, Mason đã lấy lại phong độ và thành lập nên Detour, một dịch vụ du lịch bằng âm thanh trên smartphone.
Yahoo, ứng dụng công nghệ do CEO Jerry Yang gây dựng vào năm 2007. Nhưng chỉ một năm sau đó, do Yang từ chối bán công ty mình cho Microsoft đẩy cổ phiếu vào tình trạng tụt dốc không phanh, kết quả là Yang buộc phải rời khỏi công ty.
Và ông chủ cuối cùng “đồng cảnh ngộ” với 7 CEO trên là Martin Eberhard, người đồng sáng lập nên Tesla. Eberhard chia sẻ mình đã nhận cuộc gọi từ Elon Musk nói rằng ông sẽ không còn được góp mặt trong cuộc họp hội đồng quản trị và người tạm thay thế vị trí ông là Michael Marks.
Sự việc sa thải 8 ông chủ lớn đứng đầu lĩnh vực kinh doanh công nghệ là một bài học đắt giá đáng để chúng ta suy ngẫm. Những người nắm quyền lực cao nhất của một tổ chức tưởng chừng như đã an toàn nhưng cũng đều nằm trong vùng nguy hiểm, do vấp phải những thất bại hoặc tai tiếng đời tư. Quy luật đào thải không có vùng cấm, cho dù trước đó bạn đã từng đứng trên đỉnh cao của sự thành công nhưng nếu không nỗ lực phấn đấu bạn sẽ bị tụt dốc không phanh.
Từ câu chuyện của 8 nhà sáng lập khiến người ta nhớ đến câu nói để đời của M.Moretti: “Cuộc đời là một dòng sông, kẻ nào không chịu học bơi sẽ bị nước nhấn chìm”.
Thật vậy, nếu không học bơi thì chính bạn sẽ bị nhấn chìm trong vòng xoáy của con sông cuộc đời, nếu bạn không nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thì sớm hay muộn bạn sẽ bị loại khỏi cuộc đua khốc liệt đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nghịch lý cử nhân thất nghiệp, doanh nghiệp thiếu nhân lực diễn ra hiện nay không còn lạ trên các mặt báo. Nhiều sinh viên kêu than sau 4-5 năm ĐH ra trường với tấm bằng “đẹp” mà vẫn không tìm được việc đúng ngành học, hoặc nếu có việc cũng không liên quan đến kiến thức được đào tạo. Nhưng cũng có một số sinh viên khác chưa ra trường đã có nhiều nhà tuyển dụng trải “thảm đỏ” mời đi làm với mức lương khởi điểm đáng mơ ước. Sự khác nhau không nằm ở tấm bằng vô tri vô giác mà nằm ở chính bản thân các ứng viên. Những người chưa ra trường đã có việc vì họ học cách “tập bơi”, tập vật lộn với công việc ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Còn những người đã tốt nghiệp nhưng không có việc thì ngược lại, họ e dè khi phải tập lao mình xuống dòng nước. Và thế là họ để mặc cho dòng sông cuộc đời “nhấn chìm”. Và kết quả được thể hiện một cách xứng đáng cho những người nỗ lực và lười biếng.
Hãy học cách “tập bơi”…
Tôi rất tâm đắc với câu châm ngôn nổi tiếng của A.De Vigny: “Thiên tài chẳng qua là sự kiên nhẫn lâu dài”. Không ai sinh ra đã tài giỏi, đã mang trong mình một tố chất tài năng, sự thành công chỉ đến với người siêng năng, nhẫn lại và không ngừng vươn lên. Chúng ta hãy học cách “tập bơi”, hãy dám thử thách bản thân để đến một lúc nào đó có thể tự tin mà vùng vẫy giữa dòng sông của cuộc đời, nhất là các bạn trẻ: Cứ nông nổi đi, tuổi trẻ được phép sai lầm. Cứ hết mình đi, tuổi trẻ là tuổi của sự nhiệt thành, của trái tim căng tràn nhựa sống.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vũ Thuỷ