Chào các bạn!
Hôm qua tôi tình cờ đọc được bài viết của bạn Đỗ Duy về việc “Học đại học mà đi làm thu nhập dưới 7 triệu là do bạn quá bất tài!”.
Tôi thấy có nhiều bạn đọc cho rằng, bài viết của bạn Đỗ Duy quá tự kiêu và phiến diện. Họ cho rằng, bằng đại học ở Việt Nam cũng giống như một cái thẻ bài để doanh nghiệp công ty, cơ quan nhận hồ sơ xem xét trước. Nhà tuyển dụng nào cũng ghi yêu cầu bằng đại học cao đẳng này nọ, chính doanh nghiệp và công ty họ cũng đòi hỏi những bộ hồ sơ như thế. Vì thế việc học đại học để có cái bằng là cần thiết.
Còn tôi cũng giống như bạn Đỗ Duy, tôi cũng nghĩ, học đại học không đảm bảo cho bạn có mức lương hoặc thu nhập sẽ cao. Bởi chẳng có điều khoản nào yêu cầu các đơn vị tuyển dụng phải trả thu nhập cao cho người có bằng đại học cả. Người ta chỉ trả lương cao, thu nhập cao cho người có năng lực cao, người làm được việc mà thôi.
Sau đây cũng chính là những lý do tôi đang nghĩ, tại sao học đại học mà đi làm không có năng lực thì bạn thất nghiệp là điều khỏi bàn chứ chưa nói đến có thu nhập cao.
Một là, theo tôi, học đại học không quyết định bạn sẽ có một việc làm cho thu nhập khủng như mơ ước của bạn. Bởi vì thị trường lao động mới là nơi quyết định bạn có việc làm hay không. Chưa kể, chúng còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, năng lực tư duy, năng lực làm việc của bạn chứng tỏ như thế nào nữa.
Chính điều này khiến cho cùng một người học đại học nhưng bạn thì thất nghiệp còn người khác lại có việc với thu nhập cao. Và trong quá trình học đại học, bạn học thế nào thì sau này thành quả nhận được sẽ tương xứng như vậy.
Nếu chỉ đến lớp cho vui, cho xong ngày, đến lớp để ngồi chơi thì kiến thức lĩnh hội được sẽ chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu coi trọng việc học, học thực sự thì cách học và cách thức lĩnh hội kiến thức cũng như cơ hội việc làm có thu nhập cao sẽ rộng mở hơn với bạn.
Hai là, trường đại học theo tôi dù có chuyên nghiệp đến đến đâu cũng chỉ dạy những kỹ năng kiến thức nền cơ bản chứ không phải cung cấp cho bạn mọi thứ bạn muốn. Thông thường, trên nền tảng những kiến thức ấy, bạn phải dựa vào đó để xây dựng định hướng, mục tiêu cho bản thân và lựa chọn nghề nghiệp theo đúng đam mê, sở thích của mình.
Ba là, cho dù học đại học ra đi làm chăng nữa, bạn cần luôn luôn phải linh hoạt, hoạt bát. Đừng bao giờ nghĩ, học ngành nào thì phải làm đúng ngành đó. Nếu cứ khăng khăng như vậy, bạn thất nghiệp là cái chắc. Có khi bạn phải chấp nhận làm nhiều công việc làm gần với ngành học hoặc thậm chí trái ngành nếu muốn có việc làm.
Bốn là, cho dù có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học ra chăng nữa nhưng nếu không năng động tìm kiếm việc làm mà cứ ngồi than thân trách phận, trách thời thế thì bạn thất nghiệp là điều “khỏi phải bàn” hoặc mãi chỉ có mức lương thấp.
Để tránh điều này xảy ra với bản thân, bạn cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động cũng như luôn trau dồi, đào tạo bản thân. Tuyệt đối “dừng ngay” kiểu bất mãn như học này học nọ ra trường mà không bằng người không học đại học hay chỉ lao động tay chân.
Xin nói thẳng, nếu đã ra trường đi làm, trừ những vị trí kiểu con ông cháu cha, các công ty, cơ quan, doanh nghiệp luôn chỉ trả cho bạn mức lương phù hợp với những việc bạn đóng góp cho nơi làm việc của bạn.
Thế mới nói, bằng cấp của bạn dù là tiến sĩ, thạc sĩ, đại học không quan trọng bằng việc bạn có thể làm được những gì, năng lực làm việc của bạn đến đâu. Tất nhiên, nếu những đóng góp của bạn ở nơi làm việc không bằng người không học đại học thì thu nhập của bạn thấp hơn họ là điều hiển nhiên và hoàn toàn chấp nhận được.
Năm là, nhiều người tuy không có điều kiện hay không thích học đại học không có nghĩa trong thời gian bạn học đại học người ta cũng chỉ “ngồi chơi xơi nước” nhé.
Vì thời điểm đó, nhiều người không học đại học cũng đang phải còng lưng làm việc trực tiếp và va vấp rất nhiều trong trường đời rộng lớn. Ở đây, tôi không bàn tới những người lười biếng, không lo học, lo làm mà chỉ biết ăn chơi, yêu đương và cắm đầu vào các trò chơi game vô bổ.
Tóm lại, tôi xin khẳng định lại, học đại học mà không có năng lực thì thất nghiệp khỏi bàn. Và để học đại học xong mà đạt được thành công hoặc có thu nhập mơ ước thì cũng không phải điều quá khó. Chỉ cần, bạn xác định được chính xác bản thân say mê điều gì. Ngoài ra, không ngại trải nghiệm nhiều môi trường để có những kỹ năng việc làm vững vàng nhất.
Bên cạnh đó, bạn nên chú ý tới kỹ năng giao tiếp cơ bản. Vì không có kỹ năng này, bạn sẽ rất khó thành công dù có làm ngành nghề gì chăng nữa.
Nếu có thời gian và điều kiện, cố gắng trau dồi thêm 1 ngoại như phổ biến như tiếng Anh, Pháp, Hàn vì công ty, cơ quan, doanh nghiệp nào hiện nay cũng phải làm việc nhiều với người nước ngoài. Nếu bạn biết 1 ngoại ngữ sẽ là một lợi thế rất lớn trong việc tăng khả năng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp có thu nhập khủng.
Điều cuối cùng, dù thu nhập hiện tại chưa cao nhưng bạn nên quan tâm đến thu nhập ít thôi. Vì quan trọng hơn là bạn hãy quan tâm đến việc đã đóng góp và nỗ lực, làm được điều gì cho nơi làm việc của bạn.
Nếu bạn làm tốt, đóng góp nhiều cho công ty thì sớm muộn cũng sẽ được sếp chú ý và tăng thu nhập xứng đáng. Ngược lại đòi lương cao, buộc lòng công ty sẽ chú ý đòi hỏi ở bạn nhiều hơn, mong đợi ở bạn cao hơn. Và nếu không làm được việc như đúng mong đợi của họ sẽ chỉ khiến bạn nhanh bị đuổi việc mà thôi.
Vài lời chia sẻ chân thành cùng anh Đỗ Duy và các bạn đọc báo.
Nguyễn Thanh Hà (Yết Kiêu, Hà Đông)