Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng gần 50 triệu người dùng.
Theo đó, ước tính 65% người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng nền tảng mạng xã hội này. Với tốc độ phát triển nhanh, thuật toán tự động phân phối nội dung đến người dùng do đó TikTok ẩn chứa nhiều mối nguy về các sản phẩm độc hại, phản cảm.
Gắn nhãn "phim ngắn", ẩn chứa nhiều nội dung độc hại
TikTok dần trở thành "kênh phân phối" của một số người dùng có mục đích sáng tạo nội dung có cốt truyện, thậm chí dựng thành kịch bản phim ngắn. Tuy nhiên, TikTok không chú trọng vào khâu tiền kiểm nội dung dẫn đến tràn lan các video chứa yếu tố phản cảm, dung tục, có tác động xấu đến người sử dụng.
Nhiều video với các nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức như khai thác vấn đề ngoại tình phức tạp trong các mối quan hệ gia đình (bố chồng - nàng dâu, em chồng - chị dâu,...) hay hướng dẫn cách trở thành “sugar baby",... xuất hiện với tần suất dày đặc, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mỗi video.
Không ít khán giả bày tỏ sự bức xúc trước việc thiếu kiểm soát các nội dung nhảm nhí, độc hại trên không gian mạng. Tài khoản TikTok Thanh Hằng bày tỏ: “Tại sao tồn tại những clip phản cảm như vậy với rất nhiều lượt xem, nội dung bẩn, chỉ quan tâm đến cái view trước mắt mà không quan tâm đến tác hại sau này, thật khủng khiếp".
Một người dùng khác có cùng quan điểm: “Cần có cách quán triệt để những video đầu độc tư duy người dùng như này không xuất hiện nữa, toàn những nội dung suy đồi đạo đức”.
Cùng với đó là hàng loạt những chỉ trích liên quan đến các video gắn nhãn "phim ngắn" vô nghĩa, không có căn cứ và các diễn viên nghiệp dư không có năng lực diễn xuất chỉ tập trung khoe hình thể.
Mạnh tay với nội dung độc hại
Không chỉ xuất hiện những video thuộc dạng quay có tình huống để tạo xung đột, kịch tính chứa yếu tố nhạy cảm như ngoại tình, sugar baby kể trên, nhiều trường hợp sử dụng nền tảng TikTok với các mục đích sai lệch như phát tán thông tin sai trái, mê tín dị đoan,...
Nhận thấy nhiều hệ lụy tiêu cực từ nền tảng xuyên biên giới như TikTok, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành khẳng định, những nội dung xấu độc hại được sản xuất, lan truyền với tốc độ nhanh. Vấn nạn này sẽ gây hại cho người xem, người làm nội dung và toàn xã hội.
Ngày 4/6, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng mạnh tay, triệt để hơn để ngăn chặn nội dung độc hại trên TikTok. "Trong tháng 5, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm", ông Lê Quang Tự Do trình bày.