Cả nhà đi học nghề trồng cây cảnh
Ông Hoàng Gia Lượng, một người thầy dạy làm cây cảnh nức tiếng, cũng là thành viên trong Hội Sinh vật cảnh thị xã Sơn Tây (nay là Hội Sinh vật cảnh Hà Nội) cho hay: "Năm 2006, tôi mở lớp đầu tiên tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Thấy nhu cầu càng cao nên tôi đã mở tiếp các lớp ở khắp nhiều vùng khác nữa dọc các huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì...".
Đổ xô đi học nghề trồng cây cảnh.
Cũng theo ông Lượng, càng ngày phong trào học cây cảnh càng được nhân rộng ở khắp các huyện ngoại thành. Phía Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng cố gắng truyền đạt những kinh nghiệm về trồng cây cảnh cho các địa phương. Đối với các hộ có nhu cầu học hỏi bí quyết về nghệ thuật Bonsai đều được các Hội viên Hội Sinh vật cảnh giúp đỡ tận tình.
Tại lớp học làm cây cảnh Phú Thịnh (TX.Sơn Tây), một cụ ông trên 84 tuổi, nguyên là trưởng phòng Nông nghiệp TX.Sơn Tây học dự thính rất say mê, không bỏ buổi nào. Thậm chí còn có lớp dạy các học viên khuyết tật như phường Ngô Quyền (TX.Sơn Tây) có lớp học đến 10 thành viên khuyết tật. Họ không những học nghề mà còn để khẳng định mình với xã hội. Có những lớp, cả gia đình đi học như ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, có lớp 4 cặp vợ chồng cùng đi học. Có lớp đến học là hai ông cháu đều là giám đốc của các công ty. Lớp học ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức có 3 cặp bố con, cùng làm cán bộ một xã... Có xã mở đến mấy lớp dạy nghề cây cảnh. Cụ thể ở huyện Hoài Đức, có xã mở đến 5 lớp dạy học cây cảnh. Như vậy cũng đủ để thấy người dân khu vực này đam mê và có nhu cầu như thế nào đối với nghề trồng cây cảnh.
Anh Lai, quê ở Quảnh Ninh, sinh viên của một trường đại học ở Thái Nguyên, sáng dậy rất sớm đến học rồi chiều tối lại về Thái Nguyên. Hay anh Hội ở Thanh Hóa, ra lớp ở xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) để xin học nghề. Để có tiền học, anh vừa làm thuê, vừa thực hành ở các vườn cây cảnh ở Phúc Thọ. Đến nay, khi đã trở thành thợ lành nghề, anh đã vào Đà Nẵng lập nghiệp.
Người dân đam mê cây cảnh cũng bởi nhiều lý do. Đây là một nghề khá mới ở Việt Nam, nghề này có thể giải quyết được một lực lượng lớn lao động. Cũng từ nghề trồng cây cảnh này, nhiều hộ gia đình đã cải thiện được kinh tế vươn lên làm giàu.
Những tỷ phú chân đất
Mấy năm gần đây, có rất nhiều đại gia trong lĩnh vực trồng và kinh doanh cây cảnh. Hầu hết, họ đều đi lên từ con số không, nhiều người đã có của ăn của để, thậm chí nhiều người trong số họ còn trở thành tỷ phú.
Anh Khuất Văn Hạnh, cựu thanh niên xung phong ở Sơn Tây, năm 2002, khi mới xuất ngũ, gia đình rất nghèo, được Thị Đoàn làm cho căn nhà tình nghĩa. Sau khi tham gia vào trồng cây cảnh, gia đình anh cũng đã đổi đời. Năm 2009, từ bàn tay trắng anh đã trồng được vườn cảnh giá trị tiền tỷ, xây dựng được hai căn nhà, mỗi căn cũng cả tỷ đồng. Hay anh Khuất Duy Bình, ở phường Trung Sơn Trầm (TX.Sơn Tây) cũng trở nên phát đạt nhờ cây cảnh. Trước đây, anh là một anh thợ mộc làm ăn khó khăn, sau khi tham gia các lớp học cây cảnh, anh đã vươn lên, trở thành tỷ phú có tiếng ở Sơn Tây.
Ông Nguyễn Văn Sơn (ngõ 5B, Khu phố 2, phường Viên Sơn, TX.Sơn Tây) cũng là một trong những tỷ phú có tiếng nhờ cây cảnh. Ông Sơn vốn là một quân nhân, sau khi về hưu, đã tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về trồng cây cảnh. Cùng đó, ông cũng tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu những mô hình trồng cây cảnh giỏi để áp dụng. Từ mảnh đất hơn 1000m2, ông đã đưa gia đình từ hộ nghèo dần dần thoát nghèo và trở thành tỉ phú. Đến nay, nhờ vào cây cảnh, ông Sơn đã xây được căn nhà hơn 1 tỷ đồng, tậu xe xịn, vườn cảnh của ông ước tính cũng đến mấy chục tỷ đồng...
Mấy năm gần đây, ở khu vực ngoại thành đã có rất nhiều người trở thành tỷ phú. Có một số người dân giàu có nhờ sự đền bù đất đai, có những đại gia có nguồn vốn kếch xù trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhưng không ai có thể phủ nhận được, đã có rất nhiều tỷ phú phất rất nhanh nhờ nghề làm cây cảnh.
Bên cạnh đó, nhiều người đã phải nếm trái đắng với nghệ thuật Bonsai. Nguyên nhân thất bại của một số người này là do chưa nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản để ươm giống, kỹ thuật trồng, kỹ thuật tạo dáng, chăm sóc cây. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nếu không biết cách để tồn tại vượt qua ắt sẽ phá sản.
Thực tế cho thấy, những năm 2008 - 2009, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, đã có rất nhiều đại gia lụn bại do không biết cách điều tiết lúc khủng hoảng. Cũng như trong thời kỳ người dân thắt chặt chi tiêu như hiện tại, nếu không biết cách kinh doanh, không cân đối được lượng sản phẩm đầu ra và đầu vào, không tìm được cách vượt qua khủng hoảng sẽ có nguy cơ phá sản.
Các đại gia trong lĩnh vực cây cảnh đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Theo đó, làm nghề này có rất nhiều khoản chi tiêu, đối với các hộ còn phải thuê bãi, công nhân phải cân đối sao cho hài hòa. Mặc dù bất động sản cũng đang giảm mạnh nhưng để thuê được một khu đất rộng rãi để làm vườn cây cảnh giá cũng không hề thấp, trong khi đó các sản phẩm làm ra lại rất khó để bán ra thị trường.
Do lạm phát, người dân và một số hộ khá giả cũng phải thắt chặt chi tiêu, các mặt hàng xa xỉ như cây cảnh cũng đang có nguy cơ tụt giá. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cây cảnh cũng cần nhanh nhạy, hạn chế nhập giống cây trong thời gian này. Có những người có tài về nghệ thuật Bonsai, họ mua lại những cây thải của các vườn cây cảnh, hay các hộ chơi cây để nhập vào. Sau đó, bằng kinh nghiệm của mình có thể tạo dáng, tạo thế cho cây bằng rất nhiều cách. Nếu ai tinh tế có thể biến những cây không giá trị thành những cây có giá trị tiền tỷ. Đó chỉ là những kinh nghiệm cơ bản nhất của giới chơi cây cảnh, cần nhận thấy để vượt qua khủng hoảng. Quan trọng nhất, người chơi cây phải có năng khiếu và đầu óc tinh tế trước thời cuộc
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh ở phường Ngô Quyền (TX.Sơn Tây) nói: "Đam mê, gắn bó với nghề cây cảnh, tôi tự thấy mình chẳng mất cái gì mà lại được quá nhiều thứ. Nó không còn là một thú chơi thanh tao nữa mà trở thành một cách làm kinh tế kiếm ra bạc tỷ. Từ đó khẳng định việc phát triển kinh tế dựa trên nền nghệ thuật đã không còn xa lạ với người nông dân. Và thú chơi vốn chỉ dành cho những người phú quý, phong lưu, bỗng chốc trở thành một nghề kiếm bạc tỷ đối với một anh nông dân như tôi cũng là một cách để khẳng định bản thân...".. |
Hoàng Thế Tào