Học lên tiến sĩ rồi bỏ về quê làm nông dân, 1 năm kiếm gần 30 tỉ

Thứ 7, 21/12/2024 15:43

Dám liều mình đưa mô hình nông nghiệp chưa từng có về quê hương, nữ tiến sĩ này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những ai muốn theo đuổi ước mơ và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội.

Tiến sĩ du học về quê làm nông dân

Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân, Thạch Yên (đến từ Hà Bắc, Trung Quốc) đã có sự gắn bó đặc biệt với ngành nông nghiệp ngay từ nhỏ. Trong suốt thời gian học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Nhân dân Trung Quốc, cô cũng nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến nông nghiệp. 

img

Thậm chí sau đó, Thạch Yên còn có cơ hội sang Mỹ để trau dồi thêm tại Học viện Chính sách và Thương Mại Nông nghiệp Mỹ. Trải nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nữ tiến sĩ khi cô được tiếp xúc với mô hình CSA (community supported agriculture - tạm dịch: mô hình nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng).

img

CSA là một mô hình phổ biến ở Mỹ, nhằm giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp lại với nhau, giúp người tiêu dùng có thể cập nhật về tình hình mùa vụ ở các nông trại. Nói một cách đơn giản, người tiêu dùng sẽ trả trước cho trang trại và trở thành “cổ đông” của trang trại. Họ cùng gánh rủi ro với người nông dân và nhận được những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tốt cho sức khỏe.

Sau 6 tháng học tập tại Mỹ, cô quyết định đưa mô hình CSA về Trung Quốc. Ban đầu, cô tìm được một số khách hàng ở gần ruộng rau CSA thử nghiệm, sau đó gửi cho họ rau hữu cơ do cô tự trồng. Bằng cách liên tục cải thiện công nghệ và gia tăng chủng loại rau, ngày càng có nhiều người tham gia vào mô hình trang trại của Thạch Yên. Đến năm 2011, trang trại của cô đã có hơn 800 hộ gia đình tham gia làm “cổ đông”.

img

So với mô hình nông nghiệp truyền thống tại Trung Quốc vốn dùng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, mô hình CSA của Thạch Yên thân thiện với môi trường hơn nhiều khi loại bỏ hoàn toàn 2 yếu tố này. 

Tuy nhiên vào thời điểm hơn chục năm trước tại Trung Quốc, thói quen trồng trọt và tiêu dùng cũ đã ăn sâu vào tâm trí của người dân nước này. Việc quảng bá mô hình trồng trọt mới vì vậy vô cùng khó khăn.

Biến thách thức thành cơ hội và cái kết viên mãn

Để thu hút khách hàng, Thạch Yên và các cộng sự đã phải nỗ lực tìm mọi cách. Từ gửi e-mail, quảng cáo truyền miệng cho đến hợp tác với Đại học Nhân dân Trung Quốc để sử dụng nền tảng của trường đại học nhằm nâng cao uy tín và hiệu quả quảng bá. Bên cạnh đó, khách hàng có thể tận dụng rác thải nhà bếp hoặc đến trang trại làm việc để đổi lấy rau, trái cây. Một số khách hàng thậm chí còn ký hợp đồng thuê một mảnh đất để tự mình trải nghiệm niềm vui làm nông. Những phương pháp sáng tạo này đã giúp mô hình trang trại CSA ngày càng trở nên phổ biến.

img

Dần dần, từ một cánh đồng thực nghiệm đơn giản, vườn rau của Thạch Yên nay đã trở thành trang trại sinh thái toàn diện, tích hợp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bán hàng. Ngoài ra, Thạch Yên cũng dùng kiến thức nông nghiệp của mình để nghiên cứu về lĩnh vực chăn nuôi lợn, từ đó nâng cao chất lượng và sản lượng.

Năm 2015, khi nền kinh tế thương mại điện tử khởi sắc, cô và chồng đã thành lập thương hiệu “Good Farm” và kêu gọi được 1 triệu NDT vốn đầu tư. Không chì vậy, họ còn hợp tác với nhiều công ty xuất sắc trong ngành ẩm thực, biến chuỗi công nghiệp trở nên hoàn thiện hơn. 

img

Năm 2016, Thạch Yên vinh dự đảm nhiệm vai trò nhà lãnh đạo thanh niên toàn cầu tại Trung quốc. Trang trại của cô cũng trở thành một công viên sinh thái toàn diện với vườn cây ăn trái, cơ sở trồng trọt, khu homestay phức hợp trải nghiệm sinh thái với hơn 60 loại cây trồng mỗi năm. Lượng khách hàng ký hợp đồng mỗi năm đạt trên 2.000, thu nhập hàng năm lên đến 8 triệu NDT (hơn 27 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.