Thời còn đi học, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng bị dị ứng tâm lý khi bố mẹ lôi hình ảnh “con nhà người ta” ra để làm hình mẫu. Những câu chửi mắng, răn dạy kinh điển có thể kể đến là:
- “Nhà người ta có mười thì tốt, nhà mình có một thì xấu. Mày nhìn xem nhà đấy nghèo khổ, con cái nheo nhóc mà đứa nào cũng học giỏi, đây chả thiếu thứ gì mà học cứ như học hộ bố mẹ. Con nhà người ta thế chứ!”.
- “Đi họp phụ huynh về mà chạnh lòng khi nhìn bảng điểm con nhà người ta”...
Không riêng chuyện học mà chuyện gì cũng có thể được các bậc phụ huynh mang con cái người khác ra để khuyên nhủ con cái mình. Nghe mắng nhiều, chửi mãi đến nỗi đứa trẻ hình thành một phản xạ là căm ghét “con nhà người ta”.
Giờ đây, nhìn phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia của “con nhà người ta” ở tỉnh miền núi Hà Giang, có lẽ không ít ông bố bà mẹ ở thành thị cũng phải chạnh lòng.
Không chạnh lòng sao được khi rõ ràng là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh là những trung tâm hành chính lớn nhất cả nước, nơi các yếu tố về địa hình, giao thông, công nghệ thông tin, kinh tế xã hội… đều thuận lợi nhất nhưng số lượng điểm 9 môn Toán của các cháu lại thua cả tỉnh miền núi Hà Giang, địa phương mà nhiều người còn ăn ngô trừ bữa và tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn thuộc nhóm thấp nhất cả nước.
Không chạnh lòng sao được khi tỷ lệ điểm từ 8 của cụm thi Hà Giang gần gấp đôi tỷ lệ chung cả nước, trong khi tỷ lệ điểm từ 9 trở lên thậm chí bằng 16 lần chỉ số trung bình.
Và không chạnh lòng sao được khi trong số 76 thí sinh có kết quả thi cao nhất nước (27 điểm trở lên) thì đã có 36 cháu là người Hà Giang. Như vậy 63 tỉnh thành còn lại (trong đó có cả những vùng “đất học” như Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định…) chia nhau thành tích của 40 cháu còn lại. Trong khi đó, tỉnh này chỉ có 5.000 thí sinh trên tổng số một triệu thí sinh dự thi của cả nước.
Đó là chưa kể, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh Hà Giang trải qua cơn lũ quét khủng khiếp vào ngày 24/6, thiệt hại nặng nề về người và của. Lãnh đạo bộ Giáo dục và Đào tạo phải trực tiếp thị sát hiện trường để chỉ đạo cứu hộ, giúp cho các thí sinh đều đến được điểm thi an toàn.
Lạ một điều, là “con nhà người ta” không biết học kiểu gì mà lại học “tập trung”, “chọn lọc” tài tình thế, 3 môn xét tuyển đại học thì điểm cao chất ngất, còn các môn khác lẹt đẹt (2,3…).
Phân tích dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 của cụm thi tỉnh Hà Giang (do bộ GD&ĐT cung cấp) cho thấy 36 thí sinh có điểm thi chênh lệch khó hiểu.
Cụ thể, có thí sinh đạt Toán 9,4; Vật lý 9,75; Hóa: 9,25 nhưng Sinh chỉ đạt 2,25; Tiếng Anh: 3.
Một thí sinh khác có điểm Toán 9,6; Vật lý: 9,75; Tiếng Anh: 9,2 nhưng Sinh học chỉ được 1,75; Văn: 2,25.
Theo lẽ thông thường, một học sinh xuất sắc sẽ không thể có môn thi khác quá yếu kém, cho dù học sinh đó có học lệch hay không.
Nghi vấn còn được đặt ra khi một số thí sinh ở Hà Giang có điểm số cao nhất nước trước đó điểm thi thử rất thấp, chỉ 4, 5.
Chuyện học tài thi phận đâu đó là có thật, chuyện “thử tịt, bắn kêu” cũng có thể xảy ra nhưng chắc chắn không thể khiến quá nhiều thí sinh từ chỗ học làng nhàng bỗng dưng tỏa sáng sau một kỳ thi mà đề thi được đánh giá là khó.
Kết quả thi ở Hà Giang, nếu không được xác minh rõ ràng, công bố kết quả khách quan, thì chắc chắn sẽ còn làm nhiều em học sinh học thật, thi thật của tỉnh này cũng như cả nước cảm thấy không cam tâm.
Thiết nghĩ, bộ Giáo dục và Đào tạo nên mời lực lượng công an vào cuộc điều tra, để đảm bảo tính chính xác, khách quan của vụ việc. Đối với những thí sinh có điểm thi cao bất thường, nên chăng tổ chức ngay một kỳ thi với đề thi ở cấp độ khó tương đương để kiểm chứng. Học gạo, hay gian dối thi cử (nếu có) chắc chắn sẽ bị phơi bày.
Nếu sự thật “con nhà người ta” ở Hà Giang vượt khó mà học được như vậy thì đáng để con cái hàng triệu gia đình khác noi theo. Song, chỉ e “con nhà người ta” thì học bình thường nhưng “bố mẹ người ta” hoặc “thầy cô người ta” lại gian dối bất thường mà thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.