Cuộc đua tăng học phí đại học
Theo nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, năm học 2022 - 2023, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.
Hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường không tăng học phí. Do đó, nếu so với mức học phí năm 2020, học phí khóa 2023 của nhiều trường còn tăng lên rất nhiều.
Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, mức học phí dự kiến cho năm học tới của nhiều trường đại học gần chạm trần. Khoa Y - Đại học Quốc gia Tp.HCM dự kiến học phí các ngành y khoa, dược, răng hàm mặt và y học cổ truyền là 55 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm học trước.
Riêng ngành điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Mức thu này thấp hơn mức trần quy định từ vài trăm nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, năm nay Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM không công bố mức học phí dự kiến cho từng năm học như những năm trước, chỉ công bố đơn giá cho mỗi tín chỉ đào tạo. Tuy vậy, đơn giá này cũng cao hơn nhiều so với khóa tuyển 2022.
Cụ thể, năm đầu tiên, trường thu 940.000 đồng/tín chỉ, năm hai 1,1 triệu đồng, năm ba 1,24 triệu đồng và năm thứ tư 1,4 triệu đồng/tín chỉ. Mức học phí các học phần thực hành, đồ án, thực tế... mức học phí mỗi tín chỉ cao hơn.
Nếu năm học tới không có gì thay đổi, dự kiến Trường Đại học Luật Tp.HCM sẽ tăng mạnh học phí. Học phí hiện tại của trường khoảng 18 triệu đồng/năm. Theo đề án học phí của năm học 2021 - 2022 và những năm tiếp theo của trường, năm học 2023 - 2024, học phí hệ đại trà của trường sẽ tăng lên 35.250.000 đồng.
Đại diện Trường Đại học Luật Tp.HCM cho biết, đề án học phí của trường được xây dựng và phê duyệt đúng quy định. Tuy nhiên hai năm qua, cơ quan quản lý có văn bản yêu cầu không tăng học phí nên trường chưa thực hiện tăng học phí theo lộ trình. Ba năm qua học phí của trường ở mức 18 triệu đồng/năm.
"Mức học phí này thấp hơn rất nhiều so với trường tư. Điều này dẫn đến nguy cơ trường bị chảy máu chất xám, không xây dựng đủ cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho đào tạo. Do đó, nếu không có gì thay đổi hoặc yêu cầu không tăng học phí từ cơ quan quản lý, năm nay trường sẽ áp dụng chính sách học phí theo đề án học phí của trường", phía Trường Đại học Luật Tp.HCM nói.
Còn PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing Tp.HCM nhìn nhận: "Nếu không tăng học phí, nhà trường bị áp lực lớn để giữ chân giảng viên, đặc biệt với những trường tự chủ nhưng chi phải chi thường xuyên áp dụng Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước".
Bài toán tự chủ không dễ dàng
Thời gian qua, việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm, nhất là đối với trường được tự chủ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM chia sẻ: “Nhà trường khó khăn khi thực hiện tự chủ năm 2022. Ngân sách Nhà nước dành cho trường bị cắt, chỉ còn tiền lương cho đội ngũ giảng viên, cán bộ”.
Bà Lan cho rằng cần có giải pháp hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý nhà nước ở mức nào cho phù hợp vì không phải ngành nào cũng có thể thu hút người học, có những ngành cần khuyến khích, hỗ trợ cũng như nhà trường còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài. Vì nhiều ngành khoa học cơ bản với mức học phí thấp như hiện nay đã khó thu hút người học, nếu tự chủ, học phí lên đến hàng chục triệu đồng sẽ rất khó khăn.
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình “tự túc”. Dù đầu tư từ nguồn nào thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phi đào tạo/sinh viên phải đủ lớn.
“Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1.000 USD/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia. Vì vậy, trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn để lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thái Lan và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này”, ông Tùng nhận định.
TS. Lê Trường Tùng cho rằng, do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ có thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách.
Thứ nhất là thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay.
Thứ hai là tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỉ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học.
Thứ ba là chính sách tín dụng - vay tương lai tiêu cho hiện tại.
Tuy nhiên, việc tăng học phí quá nhiều là không thể, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công - trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần có giải pháp và cách đi phù hợp vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên.
Đảm bảo công bằng giáo dục với trường công lập
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, khi nói đến tăng học phí, thì bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân.
Người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu một gánh nặng lớn về học phí.
“Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí tăng nhưng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”, ông Khuyến chỉ ra.