Nhiều trường đại học tăng học phí
Trường Đại học Luật Hà Nội, đối với sinh viên chương trình chất lượng cao, mức thu của trường này trong năm học 2023 – 2024 gần 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng gần 60 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí năm 2024 – 2025 là gần 7,2 triệu đồng/tháng, năm học 2025 – 2026 là hơn 8,5 triệu đồng/tháng.
Hay tại Trường Đại học Ngoại thương, các ngành học của trường đều có mức học phí tăng so với những năm trước, trong đó học phí chương trình tiên tiến tăng 10 triệu đồng so với mức hiện tại, dự kiến là 70 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Phenikaa năm nay mức học phí đối với ngành Y khoa và Răng – Hàm – Mặt lên tới 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với sinh viên nhập học năm nay, mức học phí này sẽ được giảm còn 75 triệu đồng/năm.
Trong khi đó Trường Đại học Đại Nam cũng đưa ra mức học phí với ngành Y Đa khoa 96 triệu đồng/năm học.
Tại một số trường, những ngành có mức học phí cao trên 50 triệu/năm học đều thuộc chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ dự kiến thu học phí bình quân cho khóa sinh viên mới năm học 2023 - 2024 là 37,6 triệu đồng/năm học (tăng 13 triệu so với năm ngoái). Trường chưa công bố học phí chi tiết với từng ngành học.
Năm ngoái, trường dự kiến thu học phí ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học với mức 44,1 triệu đồng một năm. Ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức học phí dự kiến 39,2 triệu đồng. Các ngành học khác, học phí từ 29,4 - 34,3 triệu đồng. Các mức này đều tăng so với học phí 24,6 triệu đồng của năm 2021. Tuy nhiên, cuối năm này, Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục không tăng học phí để hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát. Do đó, trường quay lại áp dụng mức học phí cũ.
Đại học Y Dược Tp.HCM cũng tăng học phí cho năm học tới. Đối với ngành Y tế công cộng tăng học phí mạnh nhất với 45 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng so với năm ngoái). Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng/năm học, (tăng 4,8 triệu đồng). Ngành có mức tăng thấp hơn là Y học dự phòng, Y học cổ truyền với học phí 45 triệu đồng/năm học, (tăng 3,2 triệu đồng). Đặc biệt 3 ngành giữ nguyên học phí là Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Dược học, thu lần lượt 77, 74,8 và 55 triệu đồng/năm.
Năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi sau 2 năm không điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, mức học phí hệ đại trà 506.900 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ. Trước đó theo đề án tuyển sinh của Học viện Báo chí và tuyên truyền, tổng cả khóa 4 năm học, sinh viên sẽ phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học.
Hai năm trước, Trường Đại học Điện lực ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Trường Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng học phí 40 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái).
Không tăng quá nhiều so với nhiều trường khác, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG Tp.HCM) quyết định mức học phí lên 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn, tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm 2022.
Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ về phương án điều chỉnh học phí
Mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024. Dự kiến đầu tháng 7, Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.
Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, "bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông".
"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa"- Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".
Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông.
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022 - 2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước ở tất cả cấp học từ mầm non đến đại học. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị định 81.
Tính đến thời điểm hiện tại sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, nhiều đại học dự kiến tăng 10 - 20% học phí năm tới 2023 - 2024.
Trúc Chi (theo VTC News, Lao Động, Vietnamnet)