Học phi Nguyễn Thị Hương gian dâm... khiến vua trẻ mất mạng

Học phi Nguyễn Thị Hương gian dâm... khiến vua trẻ mất mạng

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Có nhiều ý kiến cho rằng, Nguyễn Văn Tường đã đầu độc nhà vua Kiến Phúc (triều Nguyễn), rồi chuyện dọa chặt đầu cả ba họ nhà ông ta vì phát hiện mối "gian dâm" giữa vị quan phụ chính này với bà Học phi Nguyễn Thị Hương.

Vậy sự thật về bi kịch cung đình của vị vua trẻ triều Nguyễn này ra sao vẫn đang là ẩn số?

Pháp luật - Học phi Nguyễn Thị Hương gian dâm... khiến vua trẻ mất mạng

Ảnh minh họa

Vị vua yểu mệnh

Kiến Phúc hay Kiến Phước (là vị vua thứ bảy của vương triều nhà Nguyễn, lên ngôi ngày 2/12/1883, tại vị được 8 tháng thì qua đời). Kiến Phúc có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, còn có tên là Nguyễn Phúc Hạo, là con thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Ưng Đăng ra đời vào ngày 2 tháng giêng năm Kỷ Tỵ, tức năm 1869 tại Huế.

Trước đó, do Vua Tự Đức vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên không có con. Ông nhận ba con trai của hai người em làm con nuôi, trong đó con đầu là vua Dục Đức. Năm 1870, lúc được 2 tuổi, Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận làm con nuôi thứ ba và giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương trông coi, dạy bảo.

Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào ngày 2/12/1883, Ưng Đăng được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Trong Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 18 - 20) ghi nhận rằng: Ngay trong đêm 29/10/1883, sau khi phế bỏ Hiệp Hòa, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cho người đến nhà Dưỡng Thiện ở Khiêm Lăng (lăng Tự Đức) đón hoàng tử thứ ba (Ưng Đăng) về lập làm vua.

Ưng Đăng được tin triều đình tới rước mình về làm vua, đang đêm khuya khoắt, nên rất sợ hãi, nhưng vẫn bị đem lên kiệu đưa về kinh thành. Lên kiệu, Ưng Đăng nói: "Ta còn bé, sợ không làm nổi". Nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu: "Xin lấy tôn miếu, xã tắc làm trọng”. Tôn Thất Thuyết tâu: "Tiên đế đã có ý ấy, nhưng chưa lập làm, nay là mệnh trời vậy, xin nghĩ đến tôn miếu xã tắc là trọng”. Ngày 3/11/1883, Ưng Đăng chính thức được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Khi ấy, ông mới 14 tuổi.

Sau khi nhà Thanh (Trung Hoa) ký Hòa ước Thiên Tân với Pháp, triều đình Đại Nam (Việt Nam), ở tình thế bị cô lập hoàn toàn, đành phải chấp nhận Hiệp ước Giáp Thân (1884). Tuy vậy, triều đình Đại Nam, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, vẫn cố gắng thúc đẩy sự tiếp diễn thế trận "tọa sơn quan song hổ đấu" (cuộc chiến Pháp - Hoa). Nhiều quan lại thấy vậy, từ quan, ở ẩn hoặc đơn độc chiêu mộ quân, khởi binh chống Pháp, hoặc chiến đấu dưới cờ quân Thanh.

Nhưng triều đại Kiến Phúc chỉ kéo dài 8 tháng. Từ tháng tư (âm lịch) năm Giáp Thân, Kiến Phúc ngã bệnh. Ngày 10 tháng 6 âm lịch năm này, (31 tháng 7 năm 1884), Kiến Phúc mất vào giờ ngọ (Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL.CB., sđd., tr. 150 151).

Thực hư chuyện vua trẻ mất mạng vì... bị đầu độc?

Thế nhưng, khi vị vua trẻ chết, rất nhiều lời đồn, nghi vấn mà đến giờ vẫn chưa sáng tỏ về cái chết của ngài. Lại có chuyện liên quan đến bà Học phi Nguyễn Thị Hương vì gian dâm mà gây ra cái chết của ngài? Chuyện rằng, bà Nguyễn Thị Hương là người Vĩnh Long và là một trong số các phi tần của VuaTự Đức. Năm 1870, bà theo lệnh vua nhận công tử Ưng Đăng (Ưng Thi) mới 2 tuổi, con trai của Kiên Thái Vương Hường Cai, làm dưỡng tử. Sau này, khi phế bỏ Hiệp Hòa, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cho người đến nhà Dưỡng Thiện ở Khiêm Lăng (lăng Tự Đức) đón Ưng Đăng về lập làm vua, lấy niên hiệu Kiến Phúc thì bà Hương cũng được thơm lây, theo vua vào để chăm sóc nên mới xảy ra bi kịch cấm cung.

Theo sử sách, nhờ dưỡng tử ở ngôi thiên tử, Học phi Nguyễn Thị Hương ngày càng trở nên có thế lực, ảnh hưởng lớn trong triều. Bà được quan đại thần Nguyễn Văn Tường tỏ ra thân thiện nhằm chiếm cảm tình và chuyện gì đến đã đến, hai người đã có “quan hệ” bất chính?

Một dịp, vua Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa. Bà Học phi lúc nào cũng ở bên cạnh đức vua còn bé bỏng của mình từ mờ sáng đến nửa đêm. Thế là quan phụ chính Nguyễn Văn Tường đêm nào cũng vào chầu hoàng đế và hoàng mẫu, có khi đến nửa đêm mới về. Kiến Phúc đã nhiều lần chú ý thái độ lả lơi của Nguyễn Văn Tường mỗi khi trao cho bà Học phi điếu thuốc đã châm lửa của mình. Một đêm, Kiến Phúc giả vờ ngủ say, nghe được câu chuyện "mèo chuột" to nhỏ giữa hai người, đã không nén được, bỗng kêu lên: "Lành bệnh rồi, ta sẽ chặt đầu cả ba họ nhà mi”?

Bị nhà vua phát hiện bí mật, Quan Tường bèn rút lui xuống Thái y viện, lấy thuốc pha chế sẵn cho nhà vua, nhưng y lại chê thuốc xấu, rồi tự tay mình pha chế một thang thuốc khác đưa lên? Sau khi uống xong chén thuốc? vua Kiến Phúc ngủ luôn giấc nghìn thu...

Thực hư chuyện cái chết của vị vua trẻ

Nhưng theo một số nguồn khác (học giả Bửu Kế, nhà biên soạn sử Phan Khoang có liệt kê, giáo sư Trần Văn Giàu có đề cập và nhất trí) thì Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết đã bàn định với nhau, quyết đầu độc Kiến Phúc để đưa Hàm Nghi lên ngôi, bởi Kiến Phúc cũng theo Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa.

Về cái chết của vua Kiến Phúc, chính sử của nhà Nguyễn -Đại Nam thực lục chính biên ghi: "Vua không khỏe, ngọc thể vi hòa, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng và chia nhau đi cầu đảo các linh từ, sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ. Đến ngày mồng bảy tháng này, ngày kỷ mão mới ngự điện Văn Minh; chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng mười nhâm ngọ, bệnh kịch, giờ ngọ hôm ấy vua mất ở chính tẩm điện Kiến Thành".

Ngày1/8/1884, một ngày sau khi vua Kiến Phúc băng hà, Khâm sứ Rheinart ghi chú rằng, vua mất vì bệnh một cách bình thường: "Vua Kiến Phước mất ngày hôm qua lúc đứng bóng sau khi cơn bệnh trở lại trong môt thời gian rất ngắn. Tôi đã đánh điện đi Paris và Hà Nội để báo tin. Vị vua trẻ tuổi, theo tôi tưởng, đã bị một bệnh về óc não hay tủy xương sống... Cha của vua đã mất vì bệnh điên. Cái chết của vua là một cái chết tự nhiên, nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người kinh ngạc. Đứa trẻ đáng thương đã làm vua một cách miễn cưỡng: nó sống trong sự kinh hoàng, luôn luôn lo sợ bị một số phận như người tiền nhiệm, buồn bực, trầm mặc, trốn tránh mọi người. Trong một thời gian khá lâu, nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần người đỡ không, từ lúc bị bịnh, nghĩa là từ ba tháng nay...".

Theo một số nhà nghiên cứu, các nguồn thông tin về giả thuyết đầu độc là không chính xác và cho rằng, vào giai đoạn lịch sử này ở Việt Nam, Pháp và những người theo họ muốn tung tin để hạ uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (những người chủ trương chống Pháp) và làm triều Nguyễn rệu rã, suy vong. Đồng thời, căn cứ vào sử liệu Đại Nam thực lục chính biên cùng với quy chế nội cung liên quan, một số nhà nghiên cứu cho rằng, vua mất vì bệnh tái phát nguy kịch, mà mọi loại thuốc thang do các quan ngự y dâng lên đều vô hiệu...

Sau khi mất, bài vị vua được đưa vào thờ trong Thế miếu và có miếu hiệu là Giản tông Nghị Hoàng đế. Thụy hiệu là Thiệu Đức Chí Hiếu Uyên Duệ Nghị Hoàng Đế. Lăng của Kiến Phúc, hiệu Bối lăng, ở phía trái Khiêm lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Đến nay, nhiều nhà sử học và du khách vẫn còn thắc mắc về cái chết của vị vua trẻ này, nhiều câu hỏi được đặt ra vẫn chưa có lời giải một cách thỏa đáng.

Thành Nam


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.