Học phí một trường THPT tư thục ở Hà Nội: "Những con số biết nói"
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), quận Nam Từ Liêm có nhiều trường tư nhất (12 trường), tiếp đó là Hà Đông với 10 trường, Cầu Giấy 8, Bắc Từ Liêm 7. Đây đều là những quận đông dân của thành phố. Năm 2023 về chỉ tiêu, 95 trường tư thục tuyển 27.000 học sinh.
Theo Vnexpress, học phí của các trường tư thục ở Hà Nội dao động từ vài triệu trăm nghìn tới vài chục triệu đồng một tháng, tùy lớp, cấp học hay chương trình đào tạo. Trong đó, một số chương trình quốc tế tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, quận Nam Từ Liêm, có học phí cao nhất - khoảng 96 triệu đồng một tháng. Kế đến là học phí trường Song ngữ quốc tế Horizon, Sentia, TH School Hòa Lạc, Quốc tế Nhật Bản với mức 40-64 triệu đồng mỗi tháng.
Các trường còn lại phần lớn thu học phí 1-3 triệu đồng một tháng. Mức thu này chưa gồm các khoản phụ phí, ăn trưa, xe đưa đón.
"Ma trận" của các khoản phí tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập
Thông tin trên An Ninh Thủ Đô theo quy định, các trường THPT công lập phải tuyển sinh thông qua kỳ thi vào lớp 10 của thành phố còn các trường ngoài công lập tuyển sinh lớp 10 theo các hình thức xét tuyển tự chọn. Nếu nhu cầu đăng ký xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải xét tuyển sàng lọc học sinh bằng nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau.
Đối với các phụ huynh, đây là thời điểm bắt đầu làm quen với các loại phí phải đóng cho tới khi học sinh chính thức được nhập học. Giai đoạn đầu tiên là Phí tuyển sinh gồm phí cho việc Đăng ký ghi danh (hoặc Hỗ trợ tuyển sinh); Đánh giá năng lực (kiểm tra hoặc phỏng vấn) và cuối cùng là phí Đặt cọc giữ chỗ (tạm thu sau khi học sinh đã được xét tuyển).
Ba mức phí này được mỗi trường sẽ quy định khác nhau, trong đó Đặt cọc giữ chỗ là loại phí đang gây tranh cãi nhất hiện nay trong xã hội. Các phụ huynh thường lo lắng về khả năng con không trúng tuyển vào được trường THPT công lập đúng nguyện vọng nên đã dự phòng đăng ký sớm đồng thời vào một số trường ngoài công lập.
Nhưng hầu hết các trường đã quy định sẽ không hoàn lại khoản tiền phí đã đóng này nếu học sinh không đăng ký nhập học vào trường bởi bất kỳ lý do nào. Số tiền khoảng từ 2 triệu đến 10 triệu đồng của loại phí này cũng không hề là nhỏ đối với mức sống của nhiều gia đình. Trong trường hợp này, nếu các trường có thể hoàn lại số tiền này cho các học sinh có giấy báo trúng tuyển vào THPT công lập thì sẽ hợp lý và tâm lý hơn rất nhiều.
Đặc biệt, tiếp đó là các khoản phí phải đóng khi học sinh chính thức đăng ký nhập học vào lớp 10, bao gồm: Học phí chính khóa (tùy theo chương trình học); Học phí bổ trợ tùy chọn (tăng cường theo môn học); Khoản tạm thu đầu năm cho nhiều hạng mục (hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, hoạt động và sự kiện trải nghiệm, tham quan dã ngoại, các kỳ thi tăng cường) và cho bản thân học sinh (đồng phục, sách giáo khoa, học phẩm và học liệu); Khoản thu hộ theo quy định (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, khám sức khỏe, quỹ đoàn thể, quỹ hội cha mẹ học sinh, quỹ khen thưởng) và Phí dịch vụ chăm sóc học sinh (liên lạc điện tử, xe đưa đón, bữa ăn bán trú hoặc nội trú, quản lý học sinh bán trú hoặc nội trú, phòng ở ký túc xá). Một số trường còn có thêm khoản Phí bảo lãnh nhập học cho 3 năm THPT (được hoàn trả vào cuối năm lớp 12). Ngoài phần học phí chính khóa phải nộp, các khoản phí còn lại cũng rất đáng kể và được từng trường quy định khác nhau cả về số tiền cũng như phương thức đóng tiền (có ưu đãi nếu nộp sớm).
Theo Giáo dục Việt Nam trước câu hỏi về việc nhiều phụ huynh "chen chân" vào các trường có tiếng vì muốn con em được có môi trường học tập tốt, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Wellspring - Mùa Xuân thầy Nguyễn Vĩnh Sơn cho rằng, câu chuyện này có nhiều vấn đề, học sinh có sự tổng hoà của gia đình - nhà trường và xã hội.
"Xã hội sẽ tạo cái tiếng về một ngôi trường hay một người thầy. Còn với nhà trường, chắc chắn họ phải hướng tới chất lượng đào tạo tốt nhất, đó cũng là điều để thu hút học sinh vào trường. Khi có số lượng học sinh giỏi vào trường nhiều, chất lượng đào tạo sẽ tăng.
Cái khó với phụ huynh là họ phải hiểu năng lực của con mình, nếu không sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh cố cho con vào trường có điểm chuẩn cao.
Bên cạnh đó, chi phí học tập của mỗi ngôi trường khác nhau, vì vậy phụ huynh nên căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh để đưa ra quyết định. Suy cho cùng, các con vẫn là người chịu khổ", thầy Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó một cán bộ tuyển sinh trường trung học phổ thông tư thục đóng trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ rằng, các trường tư có mức học phí dao động từ 2 - 4 triệu đồng/tháng thì tuyển không hết. Đối với các trường có học phí cao hơn, việc tuyển sinh cũng không hề đơn giản bởi không kinh tế rất nhiều gia đình không thể đáp ứng được.
Hà Nội: Học phí các trường công lập cao nhất 300.000 đồng/tháng
Theo Tiền Phong, mức học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/tháng và khu vực miền núi là 50.000 đồng/tháng. Trong trường hợp phải học online, học phí sẽ được áp dụng bằng 75% mức quy định.
UBND Tp.Hà Nội vừa có Tờ trình số 212/TTr-UBND gửi HĐND Tp.Hà Nội Về việc dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024.
Theo đó, Nghị quyết áp dụng với đối tượng: Là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
UBND Tp.Hà Nội cho rằng, việc quy định mức thu học phí đối với học sinh tiểu học dùng làm căn cứ để thực hiện mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định (Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP học sinh tiểu học trường công lập thuộc đối tượng không phải đóng học phí).
UBND Tp.Hà Nội cũng đề nghị áp dụng mức học phí theo hình thức học trực tuyến, trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng. Cụ thể:
+ Đối với các tháng có thời gian học cả tháng theo hình thức học trực tiếp hoặc hình thức học trực tuyến (online): Áp dụng mức thu học phí của tháng đó theo mức đã được quy định tương ứng theo hình thức học và vùng của cấp học.
+ Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến (online): Căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị để áp dụng mức thu học phí của tháng đó. Trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức thu học phí tương ứng đã được quy định đối với vùng của cấp học.
Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm.
Tờ trình số 212/TTr-UBND sẽ được HĐND Tp.Hà Nội xem xét, thông qua tại Kỳ họp HĐND thường kỳ diễn ra trong tuần sau.
Một số trường THPT công lập sẽ hạ điểm chuẩn vào lớp 10
Theo kế hoạch, sáng 10/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ duyệt điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 THPT chuyên. Chiều cùng ngày, Sở sẽ duyệt điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023-2024.
Ngay sau khi Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt, điểm chuẩn vào lớp 10 (bổ sung) của từng trường trên địa bàn thành phố sẽ được công bố.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỉ lệ nhập học các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 là 99,46%, tương ứng với 71.361 học sinh trúng tuyển lớp 10 đã xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Sở. Như vậy chỉ còn khoảng gần 400 học sinh chưa đăng kí.
Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hạ điểm chuẩn đối với 11 trường để tuyển bổ sung học sinh.
Trước đó, ngày 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên và trường THPT chuyên năm học 2023-2024.
Thời gian học sinh đủ điều kiện trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học được thực hiện từ ngày 5 đến 7/7. Sau thời hạn này, nếu các em chưa xác nhận nhập học thì coi như không có nguyện vọng học tập tại trường mình đã trúng tuyển và sẽ không được tuyển sinh bổ sung.
Trúc Chi (t/h)