Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế theo chức năng quản lý nhà nước có văn bản đề nghị trường ĐH Y Dược TP.HCM báo cáo, thuyết minh rõ căn cứ xác định mức thu học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp và việc đáp ứng các điều kiện tự chủ của trường.
Trên cơ sở báo cáo của trường ĐH Y Dược TP.HCM, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến đối với việc tính toán mức học phí, lộ trình tăng học phí; các điều kiện đảm bảo tự chủ để được xác định mức thu học phí của nhà trường, cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ GD&ĐT để trả lời báo chí và công khai cho người học, xã hội đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, nhà trường thực hiện công khai mức thu học phí, lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học theo quy định của Bộ GD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đào và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết cá nhân ông chỉ nắm được thông tin này sau khi đọc báo: "Trường ĐH Y Dược TP.HCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đơn vị bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo mà chỉ biết thông tin qua báo chí".
Báo Tiền Phong cho hay, có thông tin phản ánh rằng, theo đề án tuyển sinh được công bố, mức học phí của trường ĐH Y dược TP.HCM năm học 2020-2021 đối với ngành Y đa khoa là 68 triệu/năm/sinh viên; ngành Răng Hàm Mặt là 70 triệu/năm/sinh viên; Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, Dược học 50 triệu đồng/năm.
Trường cũng dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10%. Trong khi mức học phí hiện tại của trường chỉ là 13 triệu đồng/năm.
Mức học phí này cao gấp nhiều lần so với năm học hiện hành 2019-2020. Nhà trường lý giải do từ năm 2020 trường được tự chủ.
Trả lời VOV.vn, ông Thắng nói thêm: "Tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập. Với mức học phí 70 triệu đồng/năm, mỗi học sinh sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình".
Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp của Bộ Y tế đánh giá, mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp.
Nguyễn Anh (Tổng hợp)