Để cụ thể hóa ý tưởng này, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp mới đây đề xuất, thay vì trên 16 tuổi, học sinh đủ 15 tuổi nếu có đủ thể lực, hoàn toàn có thể điều khiển xe máy.
Trong khi nhà trường và các lực lượng chức năng tìm mọi cách để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy thì các em cũng tìm đủ cách thức và lý do để lách luật. Để thực hiện nghiêm túc quy định cấm học sinh đi xe máy, các trường học đã tổ chức trao đổi với phụ huynh, yêu cầu ký kết không cho con em đi xe gắn máy nhưng được số ít phụ huynh đồng tình. Phần lớn phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón...
Trước thực tế đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch UB An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đã đến lúc nên nghiên cứu lại xem tuổi nào thì được đi xe máy. "Tại Việt Nam, quy định trên 16 tuổi mới được điều khiển xe hơn 70 phân khối. Dưới độ tuổi đó chỉ được lái xe dưới 50 phân khối. Thế nhưng theo tôi cần phải nghiên cứu lại xem tuổi nào thì được đi xe máy. So với trước, thể trạng của thanh niên giờ tốt hơn rất nhiều. Nếu học sinh đủ 15 tuổi, đủ thể lực hoàn toàn có thể điều khiển xe máy", ông Hiệp phân tích.
Phó chủ tịch UB An toàn giao thông Quốc gia cũng dẫn chứng những vụ tai nạn thương tâm xảy ra mới đây mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc học sinh vi vu xe máy đến trường. Điển hình là vụ tai nạn thương tâm tại Quảng Ninh khiến 4 nữ sinh trên chiếc xe hơn 70 phân khối đều thiệt mạng. Không lâu sau đó, Quảng Ninh đã yêu cầu ban giám hiệu của trường đó phải kiểm điểm.
"Đáng nói, hiệu trưởng của trường này khẳng định cách đó hai ngày, chính 4 nữ sinh này cùng gia đình đã kí với nhà trường cam kết không đi xe máy tới trường. Điều chúng tôi lo sợ nhất là mọi thứ chỉ dừng lại ở cam kết", ông Hiệp nói thêm.
Thực tế, rất nhiều địa phương đang đau đầu với việc kiểm soát học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường. Nhiều sở GD&ĐT đã nêu thực trạng khó kiểm soát học sinh đi xe máy lại xuất phát chính từ phía phụ huynh học sinh. Theo điều tra trong số các học sinh vi phạm luật giao thông tại tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân chính của việc học sinh đi xe máy đến trường lại bắt nguồn từ chính phụ huynh. Nhiều ông bố bà mẹ quá dễ dãi với con em nên đã dùng chiếc xe máy để "dụ" con đi học, hay dùng làm "phần thưởng" cho con. Thậm chí, việc lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân xử lý học sinh đi xe máy đến trường lại khiến phụ huynh học sinh phản ứng. Bởi họ cho rằng, cho con em mình đi xe máy vừa tiết kiệm vừa an toàn, lại thuận lợi hơn các phương tiện khác.
P.V (t/h)