Hôm nay (5/9), hơn 22 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đây là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT lưu ý việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường và gắn với thực tế của địa phương.
Lễ khai giảng được tổ chức từ 7 - 8h sáng, thường diễn ra ngắn gọn với nghi thức hát Quốc ca trong lễ chào cờ, học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường.
Nhân dịp đầu năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng tới thầy, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục, cùng phụ huynh và sinh viên, học sinh.
Thư của Chủ tịch nước có đoạn: Bước vào năm học mới, ngành giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tăng cường quản lý Nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc.
Ngày khai trường nhiều cảm xúc
Sáng nay 5/9, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học mới trong tiết trời mùa thu khá đẹp. Bóng bay, cờ hoa khoác lên vẻ tươi vui, nhộp nhịp cho ngôi trường giàu truyền thống.
Buổi lễ khai giảng của các thầy cô giáo và học sinh trường THPT Chu Văn An có sự hiện diện của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hòa chung với không khí ngày khai trường trong cả nước, thầy trò trường tiểu học Bế Văn Đàn, Hà Đông Hà Nội đã có mặt từ rất sớm, gương mặt rạng ngời, háo hức đón ngày khai giảng đầy ý nghĩa. Lễ khai giảng bắt đầu lúc 6h30, tuy nhiên trùng vào ngày đi làm nên phụ huynh đưa con đi từ rất sớm.
Nghệ An và các tỉnh miền Trung nỗ lực để học sinh khai giảng đúng lịch
Tại Nghệ An, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề của hai đợt ngập lụt. Đặc biệt, sau cơn bão số 4, toàn ngành giáo dục thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, các địa phương và các thầy cô giáo vẫn nỗ lực để tất cả học sinh kịp có ngày khai giảng theo đúng lịch. Dự kiến, lễ khai giảng năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 783.000 học sinh và hơn 53.000 giáo viên.
Riêng trường PT DTNT THCS Con Cuông chịu thiệt hại đến 70% cơ sở vật chất, do nước sông dâng cao gây ngập sâu 2 – 3m. Trường phải di dời tạm đến nơi dạy và học mới, nên sẽ không khai giảng vào ngày 5/9, mà dự kiến tổ chức vào ngày 10/9. Năm 2018 – 2019, trường có 300 học sinh, trong đó có 75 em khối lớp 6.
Trước đó, vào ngày 4/9, nhiều trường học vùng cao Nghệ An đã tổ chức khai giảng sớm cho các điểm trường lẻ, với mong muốn các em học sinh tại đây cũng được chứng kiến lễ khai giảng như ở điểm trường chính. Trong đó có trường Tiểu học Xá Lượng, trường Mầm non Nga My và Tiểu học Tam Quang 3, đều của huyện Tương Dương.
Cùng ngày, tại tỉnh Hà Tĩnh, hơn 330.000 học sinh phấn chấn, rộn rã tới trường dự lễ khai giảng năm học mới. "Tiếp sức" cho các em học sinh nghèo vượt khó đến trường trong năm học mới, cũng trong sáng 5/9, đại diện báo Người Đưa Tin khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã trao 30 xe đạp cho các em học sinh tại 2 điểm trường THCS Phố Diệm và THPT Hương Sơn thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Vào năm học mới, Quảng Bình có 620 trường và cơ sở giáo dục, với hơn 225.600 học sinh, sinh viên. Trong đó, trẻ mầm non có trên 62.200 cháu, học sinh phổ thông có gần 158.200 em. Toàn tỉnh bắt đầu tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019 vào lúc 7h30 ngày 5/9 cho các trường mầm non, phổ thông - Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Mường Lát là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua, nhưng ngành đã nỗ lực cùng với chính quyền khắc phục khó khăn để gần như đồng loạt tổ chức khai giảng tại các trường trên địa bàn. Một số trường tiểu học bị bùn đất vùi lấp thì tổ chức khai giảng cùng với trường THCS, sau đó sẽ tiếp tục dọn dẹp để đón năm học mới. Thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát đang bị cô lập với bên ngoài do đường bị lũ cuốn trôi, tất cả các xã cũng bị cô lập với trung tâm huyện.
Những hình ảnh ấn tượng trong ngày khai trường tại Đà Nẵng
Hôm nay (5/9), 250.000 học sinh trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã đến trường dự khai giảng năm học mới.
Chương trình lễ khai giảng năm nay tại TP. Đà Nẵng diễn ra ngắn gọn trong khoảng 45 phút với nghi thức hát Quốc ca trong lễ chào cờ, học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường.
Sau phần lễ, học sinh tham dự phần hội là các tiết mục văn nghệ. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc đón học sinh đầu cấp, bảo đảm đơn giản, tiết kiệm.
Năm nay, TP.Đà Nẵng có 4 trường mẫu giáo, 205 trường mầm non, tăng 10 trường, 102 trường tiểu học, tăng 2 trường, 59 trường THCS, 32 trường THPT, tăng 3 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Với khối các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên mới đã nhận nhiệm sở trước 30/8. Hiện, có 79 giáo viên trúng tuyển, được chọn nhiệm sở căn cứ trên kết quả xét tuyển.
Điều đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ cùng Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tới dự lễ khai giảng năm học mới tại trường tiểu học Phù Đổng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu - đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước. Sau đó, nhà trường chào mừng 512 học sinh bước vào lớp 1 năm học 2018-2019. Sau khi tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh trống khai giảng năm học mới.
Những hình ảnh đáng nhớ trong lễ khai giảng ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam
Tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, toàn thể các trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn TP.HCM sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Lễ khai giảng dự kiến được tổ chức trên tinh thần đơn giản, nhưng vẫn mang đầy ý nghĩa đối với học sinh trong ngày tựu trường.
Đại diện sở GD&ĐT TP.HCM cho biết thêm, với các trẻ mầm non và các lớp đầu cấp, các trường cần chú trọng nội dung sinh động, khắc họa ngày khai trường là một ngày đặc biệt với những học sinh lần đầu đến trường mới. Nên tổ chức sao cho có ý nghĩa, học sinh hào hứng tham gia và là một kỷ niệm trong quãng đời học sinh của các em.
Năm học 2018-2019 áp lực lớn nhất của năm học này với tỉnh đô thị công nghiệp Bình Dương đó là thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 454.900 học sinh (HS) các cấp, tăng thêm khoảng 34.000 học sinh. Với tốc độ tăng trung bình 30.000 học sinh/năm như vậy, về cơ sở vật chất mỗi năm cũng cần xây dựng thêm ít nhất 30 trường học (mỗi trường 1.000HS) mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên đầu năm học 2018-2019, tỉnh mới xây xong và đưa vào sử dụng thêm 14 trường học. Như vậy, năm học học 2018-2019 toàn tỉnh thiếu khoảng 20 trường học. Để đảm bảo tất cả học sinh đều được đến trường, tỉnh đã chỉ đạo các trường công lập rà soát bố trí quy mô lớp/trường, học sinh vượt quy định của Bộ GDĐT. Cụ thể, mầm non ưu tiên nhận hết các cháu 5 tuổi, đồng thời tăng sĩ số cháu/nhóm trẻ, lớp mẫu giáo lên hơn 40 cháu/lớp. Cấp tiểu học tăng 45-50 học sinh/lớp và thực hiện giảm số lớp học 2 buổi trên ngày với các trường quá tải.
Tại Gia Lai, sáng nay trên địa bàn tỉnh trời đổ mưa. Để tiến hành lễ khai giảng nhiều trường phải bố trí mái che mưa. Tuy nhiên số học sinh đông nhà trường phải bố trí cho các em ngồi ở nhà giữ xe, hai bên hành lang để theo dõi lễ khai giảng.
Trong khi đó, học sinh xứ rừng Đất Mũi Cà Mau đến dự lễ khai giảng bằng đò (phương tiện di chuyển trên sông - PV).
Nhóm PV