Học sinh cho vay nặng lãi có bị xử lý hình sự?

Học sinh cho vay nặng lãi có bị xử lý hình sự?

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 6, 07/02/2025 19:01

Việc học sinh tại một trường THPT ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) cho các bạn học sinh khác vay nặng lãi đã thu hút sự chú ý từ dư luận. Về vấn đề pháp lý, hình phạt đối với hành vi này ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư Tp.HCM để làm rõ.

Người Đưa Tin: Sự việc học sinh THPT cho các bạn trong trường vay tiền lãi cao đang gây chú ý của dư luận. Dưới góc độ pháp lý, luật sư có thể cho biết hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Trần Đình Dũng: Tệ nạn vi phạm pháp luật trong học sinh không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng loại tệ nạn cho vay nặng lãi thì thuộc loại "xưa nay hiếm". Chính điều đó đã làm dư luận quan tâm. Cho vay nặng lãi là hành vi bị xử lý hình sự, nếu mức lãi cao và thu lợi bất chính nhiều.

Học sinh cho vay nặng lãi có bị xử lý hình sự?- Ảnh 1.

Luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư Tp.HCM.

Cụ thể, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào trong giao dịch dân sự cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích và tiếp tục vi phạm, thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm."

Mức hình phạt cao nhất của Điều luật này là 3 năm tù giam. Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay.

Đối với trường hợp cho vay lãi suất cao nhưng chưa đủ mức để xử lý hình sự, sẽ áp dụng Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng.

Người Đưa Tin: Mức lãi suất vượt gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự hiện nay là bao nhiêu phần trăm mỗi tháng và đối với độ tuổi các em học sinh thì có bị khởi tố hình sự hay không?

Luật sư Trần Đình Dũng: Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Dựa vào Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu mức lãi suất vượt quá 5 lần mức quy định, thì đó là hành vi vi phạm.

Cụ thể, nếu mức lãi suất vượt quá 8,33% mỗi tháng (tính từ 20% x 5 lần ÷ 12 tháng), thì có thể bị xem xét khởi tố hình sự về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Học sinh cho vay nặng lãi có bị xử lý hình sự?- Ảnh 2.

Học sinh cho các bạn học vay với lãi nặng từ 12-28 lần.

Nếu lãi suất cho vay ở mức từ trên 1,66% mỗi tháng (tương đương 20%/năm) đến 8,33% mỗi tháng, người cho vay sẽ bị xử phạt hành chính. Về trách nhiệm hình sự, pháp luật quy định đối với chủ thể phải chịu trách nhiệm theo độ tuổi. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Phạm tội ít nghiêm trọng là tội có mức hình phạt từ 3 năm tù trở xuống. So với quy định về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, hành vi của các học sinh trong vụ việc này chỉ được xem là ít nghiêm trọng.

Đối với các học sinh vay tiền trong vụ việc, họ chỉ là bên liên quan và không bị xử lý, mà chỉ xử lý người cho vay. Tuy nhiên, cần thiết phải tiến hành giáo dục pháp luật cho tất cả các em học sinh để nâng cao nhận thức về các quy định pháp lý.

Người Đưa Tin: Luật sư có ý kiến như thế nào về vấn đề giáo dục pháp luật trong trường học?

Luật sư Trần Đình Dũng: Trong xã hội hiện đại ngày nay, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân từ rất sớm. Ngay từ khi còn là học sinh cấp hai, các em đã bắt đầu tiếp cận với nhiều vấn đề pháp lý. Khi lên cấp trung học, các em càng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn, và việc hiểu rõ pháp luật là cần thiết để có thể ứng xử đúng mực và trong khuôn khổ quy định.

Vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho học sinh là điều vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Tôi cho rằng, cần phải tăng cường việc giáo dục pháp luật từ sớm, đặc biệt ở độ tuổi trung học. Lúc này, các em cần có những khuôn khổ rõ ràng để giúp họ có những suy nghĩ và hành động đúng đắn, không đi sai hướng trong cuộc sống, cả trong và ngoài nhà trường.

Mới đây, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên (có hiệu lực từ 1/1/2026), nhằm tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho học sinh và phụ huynh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã thông báo về việc Công an xã Phú Lập (huyện Tân Phú) nhận được thông tin từ trường THPT T.Đ.T (huyện Tân Phú) về việc một số học sinh có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Cụ thể, vào ngày 13/1, Công an xã Phú Lập nhận được thông tin từ trường THPT T.Đ.T. về sự việc trên. Cơ quan công an nhanh chóng xác minh và làm rõ rằng P.T.H. (sinh năm 2007, trú tại xã Phú Lập, huyện Tân Phú) đã thực hiện hành vi cho vay tiền với lãi suất vượt quá mức quy định của pháp luật từ 12 đến 28 lần đối với 2 học sinh H.Đ.H. (sinh năm 2006) và P.V.H.P. (sinh năm 2006), cùng trú tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú.

Mở rộng điều tra, công an phát hiện P.T.H. đã vay tiền từ Đ.T.A.K. (sinh năm 2008, trú tại xã Phú Lập, huyện Tân Phú) với lãi suất thấp, rồi cho P.V.H.P. và H.Đ.H. vay lại với mức lãi suất cao hơn.

Qua xác minh, các khoản vay và cho vay giữa các học sinh đều nhằm mục đích tiêu xài cá nhân.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.