Những ngày gần đây, sự việc điểm thi bất thường tại tỉnh Hà Giang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Từ sự việc này, không ít người đặt ra thắc mắc “học sinh liệu có bị tâm lý học chỉ để lấy điểm số?”. Để trả lời cho câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với một vài học sinh, du học sinh, sinh viên nghe những chia sẻ thật của họ.
Trao đổi với PV, em Nguyễn Khánh Hưng (Hà Nội), học sinh lớp 11 cho biết: “Bản thân em rất áp lực về việc học, áp lực không đứng nhất lớp, áp lực bố mẹ sẽ không hài lòng. Có những môn học em ghét cay ghét đắng nhưng vẫn phải cố học lấy điểm cao cho bố mẹ vừa lòng. Thật ra, em nghĩ môn gì mình thích thì học mới hăng say được, còn môn học nào không thích chỉ cần học qua môn là cũng được rồi. Nhưng, phụ huynh hay cả thầy cô thì đều mong muốn học trò học giỏi. Vậy, hiển nhiên chúng em sẽ là người chịu áp lực nặng nề nhất”.
Còn bạn Ngân Khánh (Sinh viên tại Hà Nội) nói: “Suốt 12 năm học THPT tôi luôn đạt học sinh giỏi. Thật ra, tôi chán ghét danh hiệu ấy, nhưng mỗi lần nhà tôi có khách đến chơi là bố mẹ lại gọi tôi ra, giới thiệu "Anh chị ạ, đây là con gái lớn nhà tôi, con gái tôi học giỏi lắm"... Vô tình, bố mẹ biến tôi thành một người xuất sắc trong mắt mọi người, khiến tôi phải gồng mình theo. Tôi học ngày học đêm, giao tiếp xã hội thì kém. Mãi đến khi đi học đại học tôi mới vỡ lẽ được nhiều điều. Bản thân tôi cũng từng rất buồn khi cứ đi học như một con robot. Tôi không muốn mình rơi vào áp lực điểm số, nhưng quả thật ở ngôi trường nào thì cũng vẫn đánh giá năng lực của một người thông qua điểm số, bằng cấp”.
Du học sinh Nguyễn Chi Mai (cựu học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam) cũng bày tỏ: “Bản thân tôi không bị bố mẹ ép học. Tôi nghĩ, điểm số không thể phản ánh tất cả được, nhưng cũng phản ánh một phần nào đó trình độ và công sức của thí sinh (phản ánh công sức nhiều hơn vì nếu ôn thi 2 năm trời thì việc học tập khắc khổ có thể bù đắp lại được cho khả năng).
Tuy nhiên, ngoài khả năng học tập và sự chịu khó ra thì tôi thấy điểm số (đặc biệt là điểm thi đại học) không phản ánh được những thứ khác. Ví dụ như độ tháo vát, khả năng thích nghi, tính linh hoạt, sự trưởng thành trong tư duy và nhận thức, nói tóm lược là kỹ năng mềm rất cần thiết cho sự phát triển của một con người thì điểm số không nói lên được”.