Chiều 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, một số phóng viên đặt câu hỏi với bộ GD&ĐT về việc học sinh có nhất thiết phải đeo khẩu trang, mặt nạ che giọt bắn ở trường. Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, quan điểm của Bộ là đã đi học phải an toàn, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn.
“Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo ngày 21/4, có công văn gửi bộ GD&ĐT, bộ LĐTB&XH hướng dẫn việc bảo đảm an toàn. Dựa trên cơ sở của bộ Y tế, bộ GD&ĐT đã dựng ra 15 tiêu chí và mức độ an toàn trong nhà trường. Trong đó có các tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn toàn bộ nhà trường, không tổ chức các hoạt động tập thể,… nhưng không có tiêu chí nào đeo mũ, mặt nạ chắn giọt bắn”, ông Độ khẳng định.
Theo ông Độ, việc cho học sinh đeo mặt nạ che giọt bắn là sự sáng tạo của các địa phương. Tuy nhiên nếu bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra biện pháp phù hợp.
Liên quan đến chuyện học sinh có cần thiết phải đeo mũ chắn giọt bắn suốt cả buổi học, nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy là “hành xác” học sinh. Theo tìm hiểu của PV, ngày 5/5, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh phụ huynh học sinh chia sẻ hình ảnh học sinh đội tấm chắn ngăn giọt bắn trong lớp học. Nhiều bậc phụ huynh lên tiếng, thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 là việc cần thiết nhưng nếu phòng dịch "quá mức cần thiết" thì có khi lợi bất cập hại.
Được biết, trường Tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, Đà Nẵng), THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) đã tự trang bị mũ chống giọt bắn để phòng chống dịch covid-19 cho học sinh.
Theo các chuyên gia y tế, việc đeo tấm kính chắn này dùng trong trường hợp mặt đối mặt và chăm sóc trực tiếp với bệnh nhân. Tuy nhiên, trong phòng học, học sinh cùng đều nhìn về một hướng trên bục giảng cho nên không cần thiết. Mặt nạ che giọt bắn sẽ gây ra cho các em cảm giác khó chịu, ngột ngạt, thậm chí là gây khó khăn về thị lực.
Ngân Giang
Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng thông tin thêm, thời gian vừa qua các nhà trường đã cho học sinh đi học trở lại. Theo báo cáo có 3 đợt: Đợt 1 là ngày 22/4, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại; đợt 2 là ngày 27/4 có 30 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại; đợt 3 là ngày 4/5 có 25 tỉnh. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu là học sinh THPT, THCS. Có thể nói tỉ lệ học sinh đi học trở lại rất cao, trường THPT là 99%, THCS là 97%.