Hai trường đại học cho học sinh lớp 10 thi xét tuyển đại học
Theo thông báo mới nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, cả hai trường đều cho học sinh từ lớp 10 có thể tham dự kỳ thi riêng, kết quả được bảo lưu trong hai năm để xét tuyển đại học.
Tính đến đầu tháng 3/2023, 10 kỳ thi riêng đã được công bố, trong đó có Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm TP. HCM dành cho học sinh đã hoặc đang học THPT đăng ký. Không chỉ lớp 12 mà học sinh lớp 10 và 11 cũng có thể dự thi, nếu có nhu cầu.
Bài thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm ba phần: Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề. Các câu hỏi được thiết kế theo 3 mức độ tư duy: tái hiện, suy luận và bậc cao.
Với Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, bài thi diễn ra với 6 môn độc lập, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy vào nhu cầu và tổ hợp xét tuyển. Do đó, học sinh các lớp dưới 12 có thể thử sức ở những môn thế mạnh, không nhất thiết thi tất cả, vì chưa được học hết kiến thức.
Năm 2022, trong lần đầu tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt, trường Đại học Sư phạm Tp.HCM ghi nhận có khoảng 10 thí sinh là học sinh lớp 11, trên tổng số 2.000 thí sinh dự thi. Đa số thuộc các lớp chuyên hoặc có khả năng học trước chương trình lớp 12.
Ngày 9/4, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi thử trực tuyến, học sinh có thể đăng ký và dự thi tại nhà. Dựa vào kết quả này, học sinh có thể đưa ra quyết định chính xác hơn về việc có nên thi sớm hay không.
Dự thi điểm vừa thấp, tốn tiền, mất thời gian, gây bi quan cho thí sinh?
Thông tin kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho học sinh lớp 11, lớp 10 tham gia đang nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho biết, năm nào, kỳ thi đánh giá năng lực của trường cũng không giới hạn đối tượng, ngoài học sinh lớp 12, các em học sinh lớp 10, lớp 11 đều có thể tham gia.
Năm 2022, trong lần đầu tổ chức thi đánh giá năng lực, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM ghi nhận khoảng 10 thí sinh là học sinh lớp 11 trên tổng 2.000 thí sinh dự thi. Đa số học sinh lớp 11 thuộc các lớp chuyên hoặc có khả năng học trước, học vượt chương trình lớp 12.Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần lưu ý, kết quả thi chỉ được bảo lưu trong 2 năm. Điều đó có nghĩa là chỉ những học sinh lớp 11 dự thi đạt kết quả cao mới được sử dụng kết quả đó để xét tuyển đại học khi các em bước sang lớp 12, còn học sinh lớp 10 thi sẽ hơi sớm và có thể kết quả không được bảo lưu.
Đối tượng dự thi là học sinh trung học phổ thông, không giới hạn ở lớp học nào, tuy nhiên chỉ công nhận kết quả trong 2 năm nên các em cần xem xét việc tham gia.
“Nhà trường cũng mong muốn kỳ thi đánh giá năng lực có thể tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau để học sinh có nhiều cơ hội tham gia, cọ xát, tuy nhiên, trong 70% nội dung đề thi thuộc ngữ liệu, kiến thức lớp 12, nếu đăng ký dự thi, các em cần cân nhắc mình đã nắm bắt được hết kiến thức chương trình lớp 12 chưa.
Với những học sinh có khả năng học vượt, tự tin với kiến thức của mình, các em có thể tham gia thử sức, nhưng nếu em nào chưa nắm bắt được kiến thức chương trình lớp 12, các em nên học tập, bồi dưỡng thêm.
Việc thi vượt cấp phù hợp với học sinh lớp 11 thuộc các đội tuyển học sinh giỏi, lớp chuyên. Trường hợp học sinh có lực trung bình, khá, các em nên tham khảo và thử làm đề thi mẫu để đánh giá năng lực của mình đến đâu. Việc tham dự kỳ thi cũng phát sinh chi phí cho các em, và cả thời gian, công sức di chuyển nên các em nên cân nhắc kỹ, không nên vội vàng hay đua nhau dự thi.
Còn với những em tự tin vào năng lực của mình, muốn thử sức với kỳ thi thì nhà trường hoàn toàn tạo điều kiện cho các em tham gia, kể cả học sinh lớp 10. Qua kỳ thi, các em sẽ biết năng lực của mình ở mức nào để đặt ra mục tiêu phấn đấu tiếp theo, điều này cũng tốt cho các em”, thầy Trung cho biết.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Trao đổi với Tuổi Trẻ, học sinh lớp 10 chưa nên dự thi đánh giá tư duy, năng lực vì các kiến thức tập trung chủ yếu ở 2 năm cuối THPT.
"Thi phải đóng phí vài trăm ngàn, tốn kém. Các em học sinh lớp 10 có thể thi thử vào 9-4 miễn phí tại nhà. Với học sinh lớp 11 và lớp 12 đăng ký thi không hạn chế vào 3 đợt thi sắp tới. Quý 4, năm 2023 sẽ có thêm các đợt thi cho các em tham gia", thầy Điền nói.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội không cấm nhưng cũng không khuyến khích học sinh lớp 10 và lớp 11 tham gia kỳ thi.
"Học sinh lớp 11 thi điểm không thể nào cao được, học sinh lớp 10 không thể thi được. Nội dung kiến thức trong bài thi chỉ có khoảng 30% của lớp 11, còn lại là kiến thức lớp 12. Dự thi điểm vừa thấp, tốn tiền, mất thời gian, gây bi quan cho thí sinh", thầy Thảo chia sẻ.
Trúc Chi (t/h)