Học sinh lớp 11 bị đâm nguy kịch: Báo động đỏ bạo lực học đường

Học sinh lớp 11 bị đâm nguy kịch: Báo động đỏ bạo lực học đường

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 4, 20/12/2017 20:56

Việc một nam học sinh lớp 11 ở Hải Dương bị một đối tượng dùng dao đâm vào người trọng thương trưa 20/12 thêm lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về bạo lực học đường.

Sự việc xảy ra vào giờ tan học (khoảng 11h30), tại khu vực bên ngoài trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), nam sinh Trần Danh Thùy học lớp 11A, Trường THPT Thành Đông, bất ngờ bị một nam thanh niên dùng dao đâm vào người. Sau đó, Thùy được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Xã hội - Học sinh lớp 11 bị đâm nguy kịch: Báo động đỏ bạo lực học đường

Nam sinh lớp 11 bị đâm trọng thương lúc tan trường.

Nguyên nhân vụ việc ban đầu được xác định do Thùy và Phạm Ngọc Tú (SN 2000, cùng là học sinh lớp 11 trường THPT Thành Đông) có mâu thuẫn với nhau. Trong lúc tan trường, Tú gọi Lương Văn Hiệp (SN 1983, trú tại số 5/77 đường An Ninh, TP Hải Dương) đến giải quyết. Khi thấy Tú và Thùy đang nói chuyện, Hiệp dùng dao đâm 3 nhát vào người Thùy khiến nạn nhân bị thương nặng rồi bỏ trốn.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, hội Tâm lý – Giáo dục TP.HCM đánh giá, sự việc cho thấy tính chất bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, các em học sinh sẵn sàng gọi “hội” đến “xử” bạn. Đây là hồi chuông cảnh báo về nhận thức về pháp luật của nhiều em học sinh chưa cao và sự bất lực của nhà trường, phụ huynh.

Chuyên gia Lê Khanh cho rằng, báo lực học đường đã trở thành vấn nạn. Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng... đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên trường học. Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy đánh một bạn hết sức tàn bạo, còn nạn nhân thì không thể phản kháng. Nhiều khi học đường đã bị biến thành "võ đường".

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng là do sự quan tâm của gia đình chưa đúng mức, mà nói cách khách nhiều bậc cha mẹ gần như “bất lực”, không có những biện pháp giáo dục cho trẻ thấy được giá trị của bản thân. Trong khi chúng ta đang thiếu những quy định về biện pháp hỗ trợ, can thiệp cụ thể đối với trẻ vị thành niên; mức độ xử lý không đủ sức răn đe, thậm chí phục thuộc vào phản ứng của cộng đồng.

Điều quan trọng hơn là giáo dục học đường đang có lỗ hổng. Nhiều thầy cô giáo không đủ uy tín, năng lực để kiểm soát hành vi của trẻ. Khi học sinh mắc lỗi thay vì hướng dẫn giáo dục giúp các em nhận ra việc làm sai trái của mình thì nhà trường lại đuổi học, đẩy các em vào thế “oán trách xã hội”, bạo lực mức độ càng nghiêm trọng hơn”, chuyên gia Lê Khanh nêu quan điểm.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng cho rằng không nên đổ lỗi cho ảnh hưởng từ Internet (chơi game bạo lực) cũng như tác động xấu từ nhiều vụ án xảy ra gần đây mới dẫn đến tình trạng bạo lực ở trẻ tăng. Trẻ có thể ảnh hưởng “tâm lý đám đông”.

“Nếu trẻ có được nhân cách ổn định, ý thức về bản thân thì khi đối mặt với vấn nạn bạo lực trẻ sẽ lên án, phê phán ngay những hành vi đó. Nhưng ở đây, yếu tố giáo dục từ gia đình cũng bị lung lay. Nhiều cặp vợ chồng không làm gương, hành xử bạo lực với nhau trong khi nhiều vụ việc nghiêm trong lại không bị xử lý răn đe khiến cho trẻ mất niềm tin về những quy tắc, quy chuẩn trong xã hội.

Hơn nữa, ý thức pháp luật của người dân quá kém, nhiều người đều không quan tâm việc nếu như hành hung người khác là đang vi phạm pháp luật. Đó cũng là nguyên do khiến trẻ vi phạm pháp luật ngày càng tăng”, chuyên gia Lê Khanh nhận định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.