Ý tưởng bắt nguồn từ thực tế
Xuất phát từ những quan sát và trải nghiệm thực tế cuộc sống, nhóm bạn Nhữ Lê Thùy Linh, Trần Thị Phương Anh, An Trần Anh Tú (đều là học sinh lớp 11, lớp Hóa K23) từ lâu đã mong muốn có thể tạo ra một chất tẩy rửa vừa có lợi cho môi trường, vừa tốt cho sức khỏe. Sau một thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm, cuối cùng nhóm bạn này cũng đã tạo ra được một sản phẩm rất đặc biệt.
Trò chuyện với PV Người Đưa Tin, bạn Trần Thị Phương Anh cho biết: "Ý tưởng của chúng em vốn xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Mỗi lần về quê, thấy bà hay dùng nước vo gạo để rửa bát có dính dầu mỡ và thấy có hiệu quả cao, nên em đã nảy ra ý tưởng tạo ra một chất tẩy rửa từ nguồn nguyên liệu này.
Tìm hiểu sâu hơn em được biết trong nước gạo, ngoài những vitamin có lợi cho da nó còn có khả năng khử mùi tanh và đánh bóng xoong nồi. Tuy nhiên ý tưởng chỉ được hiện thực hóa nhân một cuộc thi ý tưởng khoa học về bảo vệ môi trường do nhà trường tổ chức. Khi đó ý tưởng của em đưa ra đã được bổ sung bằng ý tưởng của bạn Nhữ Lê Thùy Linh".
Chúng tôi liên lạc với bạn Nhữ Lê Thùy Linh và được bạn cung cấp thêm thông tin. Theo bạn Linh: "Ý tưởng của em cũng bắt nguồn từ thực tế và những gì em được học. Em thấy trong vỏ chanh có những tinh dầu có thể đánh sạch được vết bẩn, nhất là các vỏ chanh khô thường bao gồm các axit có tính tẩy rửa khá mạnh như axit citric, limonene và các tinh dầu khác. Bên cạnh đó vỏ chanh cũng rất tốt cho da nên chúng em đã thống nhất hai ý tưởng với nhau để thực hiện. Sau cùng chúng em đã mời thêm bạn An Trần Anh Tú là người rất giỏi về thí nghiệm để tham gia cùng".
Trần Thị Phương Anh và nhóm bạn đã thành công khi chế tạo ra một loại nước rửa bát mới (ảnh tại lễ trao giải cuộc thi quốc gia bảo vệ nguồn nước)
Theo nhóm bạn này, những thí nghiệm ban đầu rất khó khăn vì chưa tìm ra được công thức phù hợp. Đầu tiên vỏ trấu sẽ được nghiền nhỏ ra và trộn với vỏ chanh phơi khô cũng đã được nghiền nhỏ trước đó. Tiếp theo là việc trộn nguyên liệu với nhau theo tỉ lệ 1:2 (một thìa bột trấu sẽ thêm hai thìa bột chanh - PV) cộng với tỉ lệ nước nhất định tùy vào nhu cầu của người dùng. Kết quả làm sao cho dung dịch này phải có màu hanh vàng đặc trưng và mùi thơm dịu của chanh.
Việc chuẩn bị nguyên liệu và nhất là pha chế đòi hỏi nhiều công sức. Nhóm của Linh đã thất bại rất nhiều lần trước khi tìm được công thức đúng. Dù nguyên liệu rẻ và dễ tìm nhưng do phải làm thí nghiệm nhiều lần nên chi phí cho đề tài này cũng không hề nhỏ.
Nhìn bằng mắt thường thì dung dịch này có dạng huyền phù (nghĩa là một dung dịch không tan). Khi sử dụng sản phẩm, bột trấu sẽ tạo ra ma sát để đánh sạch các vết bẩn và có tác dụng làm bóng vật dụng nhà bếp, bột chanh sẽ có tác dụng tẩy rửa những vết bẩn như dầu mỡ hay vết ố. Sự kết hợp này đã tạo ra một dung dịch có tính chất tẩy rửa khá mạnh và có thể dùng thay cho nước rửa bát, đĩa trong gia đình.
Dung dịch có thể sản xuất tại gia
Hiện nay, hầu như sản phẩm nước rửa bát đều được các công ty cho thêm chất tẩy rửa mạnh để tăng chất lượng sản phẩm nên có thể gây nguy hại cho người sử dụng. Nhất là trong hoàn cảnh các nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng thì giải pháp tự sản xuất nước rửa bát được cho là có tính khả thi và dễ thực hiện. Bạn Trần Thị Phương Anh cho biết: "Sản phẩm do chúng em chế tạo có thể áp dụng cho từng hộ gia đình.
Công thức pha chế đơn giản, vật liệu dễ kiếm và rẻ, hơn nữa có thể pha chế một lần và dùng trong nhiều ngày nên cũng không mất công lắm. Sản phẩm vừa tốt cho da tay vừa không hại tới sức khỏe. Em hi vọng sản phẩm của mình sẽ được nhiều người áp dụng".
Trong cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước thứ X năm 2012- 2013, nhóm của Nhữ Lê Thùy Linh đã đoạt giải ba với đề tài độc đáo này. Ban giám khảo đánh giá đây là đề tài có sự kết hợp độc đáo, vừa có thể bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân. |
Tuy nhiên theo Nhữ Lê Thùy Linh, dung dịch tẩy rửa này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. "Dung dịch có thể tẩy sạch những bát đĩa dính dầu mỡ thông thường. Tuy nhiên về độ tẩy sạch so với những nước rửa bát bằng chất hóa học thì không bằng. Vì vậy chúng em đang tìm cách cải tiến sao cho có thể nâng cao hiệu quả sử dụng của sản phẩm. Nếu được như vậy, vừa có thể tiết kiệm được chi phí, vừa bảo vệ được sức khỏe. Hơn nữa dung dịch này có thể thải trực tiếp xuống ao hồ mà không gây hại cho cá hay các loài thủy sinh. Thậm chí bột trấu còn là thức ăn khá tốt cho cá", Linh cho biết.
Trước đây đã có một số bạn trẻ chế tạo thành công nước rửa bát từ những vật liệu đơn giản. Đó là trường hợp của hai bạn Đinh Anh Thu Hương và Cao Thùy Linh (học sinh lớp Hóa K18 trường THPT chuyên Thái Nguyên) với sản phẩm nước rửa bát từ vỏ cam.
Trường hợp nữa là bạn Đặng Quốc Đạt (trường THPT Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) cũng đã chế tạo thành công nước rửa bát từ cám gạo. Những sản phẩm này đều được đánh giá rất cao trong các cuộc thi về bảo vệ môi trường và chế tạo những sản phẩm sạch. Tuy nhiên nhóm của Phương Anh, Thùy Linh đã kết hợp cả hai nguyên liệu này để tạo thành một sản phẩm mới, hiệu quả hơn hẳn với các sản phẩm trước.
Nhữ Lê Thùy Linh tâm sự: "Mặc dù đề tài được đánh giá khá cao nhưng nhóm chúng em không tự tin và hiệu quả thực tế lắm. Bởi lẽ nếu so về chất lượng đối với nước rửa bát thông thường, tất nhiên sản phẩm này không thể bằng. Hơn nữa muốn chế tạo cũng phải chuẩn bị mất chút ít thời gian, trong khi các nước rửa bát thông thường chỉ cần mua về là sử dụng được ngay. Vì vậy đây chỉ nên coi là thành công về mặt ý tưởng chứ không nên kì vọng quá vào hiệu quả thực tế".
Mặc dù vậy nhóm của Linh vẫn hi vọng các nhà sản xuất sẽ quan tâm và có thể áp dụng vào sản xuất. Theo Linh, việc các hộ gia đình tự áp dụng để sản xuất, sử dụng vẫn khả quan hơn là đưa vào sản xuất đại trà.
Phạm Thiệu