Theo phản ánh của người dân địa phương, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới nay, mỗi khi trời mưa, con đường đất đoạn qua bản Kẻ Mạnh 1, xã Thanh Sơn, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa trở nên lầy lội, bùn nhão dày gần tới đầu gối.
Hàng ngày, các em học sinh, phụ huynh và người dân địa phương phải dắt xe đạp, xe máy “đánh vật” với bùn đất băng qua đoạn đường này tới trường hoặc lao động sản xuất. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng không được cải thiện.
Anh Lương Văn Hồng cho biết, hiện hai vợ chồng anh đang cư trú tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân và thường xuyên đi qua đoạn đường này để trở về nhà bố mẹ đẻ tại bản Kẻ Mạnh 1, xã Thanh Sơn. Gần 10 năm nay, mỗi khi trời mưa, đoạn đường trên trở nên lầy lội, giao thông đi lại rất khó khăn.
Tại xã Thanh Sơn nói riêng và các địa phương của huyện miền núi Như Xuân nói chung, do kinh tế khó khăn, bố mẹ phải đi làm nương rẫy nên không có điều kiện đưa con cái tới trường, nhiều em học sinh tiểu học phải tự đạp xe đi học.
Người lớn chạy xe máy muốn vượt qua đoạn đường này gặp rất nhiều khó khăn, học sinh tiểu học khi đi qua đây tới trường phải xắn quần tới đầu gối, lội bùn, dắt xe đạp. Nhiều em còn bị trượt ngã, bùn đất bám vào cặp sách, quần áo, nhất là những lúc trời mưa lớn.
Bất kỳ ai khi chứng kiến hình ảnh các em học sinh tiểu học nhỏ tuổi, hàng ngày phải băng qua con đường lầy lội, “đánh vật” với bùn đất để tới trường tìm con chữ đều thấy thương cảm.
Anh Vi Văn Thu, trú tại bản Kẻ Mạnh 1, xã Thanh Sơn có hai người con, một đứa đang học lớp 8 và đứa lớp 12. Hàng ngày, các cháu phải đi băng qua đoạn đường này tới trường. Theo anh Thu, vào ngày mưa gió, các con anh đã lớn nhưng việc đi lại qua đoạn đường bùn đất khá vất vả. Không những vậy, đường lầy lội còn khiến việc thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế của gia đình và địa phương gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Lâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Sơn cho biết, trường ngoài điểm chính thì còn 2 điểm lẻ là Kẻ Mạnh và Hón Tỉnh. Tại điểm lẻ Kẻ Mạnh 1 do trời mưa đường quá lầy lội, việc đi lại khó khăn nên nhà trưởng chỉ phần công hai thầy giáo vào giảng dạy.
Hàng năm, có trên dưới 40 học sinh của nhà trưởng phải đi qua đoạn đường trên để tới lớp. Một số em được bố mẹ đưa tới trường, một số khác phải tự đi bộ hoặc đạp xe đi học. Do đường xuống cấp, lầy lội nên nhiều phụ huynh, học sinh di chuyển qua đây bị ngã, vướng bùn đất vào quần áo, cặp sách.
Không chỉ học sinh tiểu học mà nhiều học sinh THCS, THPT và giáo viên các cấp học từ thị trấn và các xã vùng ngoài vào Thanh Sơn giảng dạy cũng rất vất vả khi đi qua tuyến đường này.
Ông Lang Thế Sơn - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, đoạn đường đoạn qua bản Kẻ Mạnh 1 bị xuống cấp, lầy lội thuộc dự án tuyến Yên Cát - Thanh Quân (huyện Như Xuân) - Pù Cẩm (huyện Thường Xuân). Tuyến đường này khởi công từ năm 2012, giai đoạn 2 của dự án do thiếu vốn vì cắt giảm đầu tư công nên chỉ GPMB, làm nền đường chứ chưa trải nhựa, vẫn đang đường đất. Tỉnh đã có văn bản đồng ý chuyển con đường trên về cho huyện quản lý.
Mỗi khi trời mưa xuống, hơn 1km thuộc tuyến đường trên trở nên lầy lội, viêc giao thông đi lại của học sinh và người dân rất khó khăn. Huyện và xã đang tìm phương án, xin nguồn vốn để sửa chữa, hoàn thành tuyến đường này.
Theo ông Sơn, cá nhân ông và các lãnh đạo địa phương nhiều lần cũng đã đi qua đoạn đường này và thấu hiểu nhưng khó khăn, vất vả cũng người dân khi qua lại đó. Do xã không có vốn, đoạn đường xuống cấp, lầy lội kéo dài hơn 1km, nên xã cũng lực bất tòng tâm.
Ông Nguyễn Quang Dự - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Như Xuân cho biết, đoạn đường trên thuộc gói L2 của tuyến Yên Cát - Thanh Quân - Pù Cẩm trước đây được đầu tư bởi nguồn dự án trái phiếu Chính phủ do tỉnh làm chủ đầu tư. Do gói L2 chưa hoàn thành, dự án chỉ mới làm được nền đường, chưa cấp phối, huyện đã có báo cáo đề xuất và đã được tỉnh đồng ý chuyển về cho huyện quản lý. Từ ý kiến của cử tri, huyện có nắm được thông tin đoạn đường trên xuống cấp, lầy lội khi trời mưa và đang xin vốn để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện.
“Trước mắt, phòng tham mưu cho huyện kiểm tra và có hướng xử lý sớm, trích nguồn xử lý sự cố khẩn cấp để khắc phục tạm thời, nhằm đảm bảo đi lại cho người dân. Về lâu dài, huyện cũng đã có kế hoạch và đề xuất xin vốn của tỉnh để sớm hoàn thành đoạn đường này”, ông Dự nói.
Xuân Chinh - Văn Hồng